Xin ba đừng… rón rén với con mình

15/09/2023 - 06:26

PNO - Mỗi ngày, tiếng ba nhỏ dần đi, số lần gọi tên các con cũng ngày càng ít lại. Thay vào đó, ba chỉ mạnh dạn, tự tin hơn một chút khi gọi “Bà mi ơi”.

Dù biết vợ đã đi vắng, mỗi khi cần, ba vẫn cất tiếng gọi “Bà mi ơi”. “Bà mi” là cách ba gọi mẹ. Ngược lại, mỗi khi cần gọi chồng, mẹ lại “Ông mi ơi”. “Ông mi”, “bà mi” không phải kiểu xưng hô riêng của ba mẹ chồng tôi, bởi ba mẹ ruột của tôi ở quê cũng xưng hô như vậy.

Trước đây, tôi chẳng có ấn tượng hoặc để ý gì về cách chuyện trò hằng ngày giữa ba mẹ chồng. Thế mà dạo gần đây, khi tần suất của mấy từ “bà mi ơi” liên tục vang vọng trong gian nhà, tôi bất giác hối lỗi, đau lòng.

Ba chồng tôi năm nay 70 tuổi, sức khỏe xuống cấp. Từ ngày nghỉ hưu cách đây 10 năm, ông không may mắc cùng lúc nhiều chứng bệnh, đáng lo nhất là bệnh Parkinson, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Cơ thể mất khả năng giữ thăng bằng và kiểm soát cơ bắp khiến ba ngày càng hay run rẩy, phải phụ thuộc nhiều vào các dụng cụ hỗ trợ như gậy, xe lăn…

Gần 5 năm trước, ba chồng của tác giả vẫn khỏe để chơi đùa cùng cháu nội
Gần 5 năm trước, ba chồng của tác giả vẫn khỏe để chơi đùa cùng cháu nội

Lo ngại sức khỏe ba ngày càng yếu, nhiều lần, vợ chồng tôi đề nghị ba tăng cường tập thể dục. Chồng tôi mua về nào những chiếc tạ nhỏ, kìm tập tay, bàn đạp tập cơ chân… Cái nào ba cũng thử, nhưng sau vài lần toát mồ hôi xoay xở vẫn không tiến triển, ba bỏ cuộc, lùi vào yên vị trên chiếc xe lăn.

Ba ít vận động nhưng lại rất sạch sẽ. Trời mùa hè, mỗi ngày ba thay đổi 4-5 chiếc áo. Ba cũng rất cẩn trọng, đều đặn trong việc uống thuốc. Ba dán hẳn lịch uống thuốc được viết bằng cỡ chữ to lên đầu giường. Ngày ngày, ba kiểm tra đồng hồ hẹn giờ trên điện thoại mấy lần vì sợ trễ lịch uống thuốc.

Mỗi lần như vậy, chồng tôi lại cự nự, nói: “Điều ba cần bây giờ không phải là sự sạch sẽ hay sử dụng thuốc quá nhiều. Ba cần tăng cường tập luyện chân tay. Ba không được ngồi yên mà phải liên tục động đậy để các cơ khớp dẻo dai hơn. Ba hãy rời xa chiếc xe lăn, lần tay theo bờ tường, đi vòng quanh nhà nhiều, nhiều hơn nữa”.

“Nếu ở nhà chật chội, ba ngại mọi người thì chiều chiều vào giờ tan tầm, mẹ ở nhà phụ lo cơm nước, còn con sẽ chở ba ra công viên gần nhà tập 1 tiếng rồi về tắm rửa. Ở ngoài đó lắp đặt rất nhiều thiết bị hỗ trợ để ba có thể thoải mái tập nhiều tư thế hơn” - tôi nói với ba chồng.

Hết lần này đến lần khác, ba lắng nghe các con, nhưng chỉ im lặng mà không hợp tác. Dần dần vợ chồng tôi cũng mất kiên nhẫn, giữ khoảng cách với ba.

Thỉnh thoảng, ba cũng nhờ tôi lấy giùm cây gậy, nhờ con trai rót ly nước và hầu như lần nào ông cũng đều nhận lại những tiếng thở dài, những lời trách cứ với cùng một nội dung - “Tại sao ba không luyện tập? Ba phải chịu khó hơn đi”. Những lúc ấy, ba chỉ buồn bã.

Trong cuốn Gió heo may đã về, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc từng viết: “Tuổi chớm già là tuổi của chuyển tiếp, của hoang mang, tuổi của lo âu và phiền muộn, của những mối hiểm nguy rình rập về sức khỏe, về mối quan hệ gia đình…”.

Với ba chồng tôi, một người từng chớm già, nay đang già đi rất nhanh vì không may mang trong mình nhiều bệnh tật thì ngoài hoang mang, phiền muộn, ông còn ngày càng trở nên lúng túng, rón rén nhiều hơn.

Bây giờ, mọi di chuyển trong nhà, ba chồng của tác giả đều cần đến sự hỗ trợ của xe lăn. Ngồi bên ông là con trai
Bây giờ, mọi di chuyển trong nhà, ba chồng của tác giả đều cần đến sự hỗ trợ của xe lăn. Ngồi bên ông là con trai.

Có lẽ ba vẫn chưa thể chấp nhận được sự thay đổi về dáng vẻ của mình. Ba cũng mẫn cảm hơn với cái nhìn từ người khác. Điều ba lo sợ, buồn bã nhất là mình trở thành gánh nặng, nỗi phiền lụy của người thân. Mỗi ngày, tiếng ba nhỏ dần đi, số lần gọi tên các con cũng ngày càng ít lại. Thay vào đó, ba chỉ mạnh dạn, tự tin hơn một chút khi gọi “Bà mi ơi”.

Tôi không nhớ chính xác thời điểm nào vợ chồng tôi quyết định quay về, dành thời gian cho tổ ấm nhỏ, dần “nhường sân” lại để mẹ thay chúng tôi thường xuyên trò chuyện, chăm sóc ba. Nhưng giờ chúng tôi đã nhận ra sự lúng túng, ngậm ngùi của ba trong mỗi lần ông cố gắng tự mình xoay xở, sinh hoạt.

Tôi nói với chồng, từ nay trở đi, điều cần thiết không phải là những quy tắc luyện tập, những hứa hẹn, viễn cảnh ba có thể trở nên nhanh nhẹn hơn vào một ngày xa xôi nào đó; điều chúng tôi trao đi phải là sự cảm thông, độ lượng của ruột thịt, tình thâm.

Ba ơi, từ nay xin ba đừng rón rén mỗi lần muốn nhờ cậy con mình.

Minh Thi 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI