Xiên thức ăn “bẩn” bán rong tác động nguy hại tới bộ não trẻ

14/10/2024 - 06:36

PNO - Những xe bán rong xiên thức ăn “bẩn” với đủ loại: cá viên, xúc xích, thịt nướng… bày bán tràn lan tại các cổng trường học đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm tới sức khỏe cộng đồng. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã cảnh báo phụ huynh, nhà trường cần lưu ý đến vấn đề quan trọng này.

Loại thực phẩm “3 không” này (không rõ nguồn gốc, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, không hạn sử dụng) không chỉ làm tăng nỗi lo về an toàn thực phẩm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển não bộ của trẻ.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - chia sẻ, xiên thức ăn “bẩn” hầu hết được người bán chiên rán từ loại dầu đã tái sử dụng nhiều lần, dẫn tới nguy cơ ung thư cao. Bên cạnh đó, môi trường bày bán không bảo đảm vệ sinh, sử dụng chung các dụng cụ, đồ chấm có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi sinh vật, mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan A, vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori)…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phương Mai - chuyên gia về khoa học não bộ ứng dụng, giảng viên đại học tại Hà Lan - cảnh báo, chế độ ăn uống sẽ tác động đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của trẻ. Theo đó, đường ruột là một hệ thống chứa tới 100 triệu nơ-ron thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất serotonin, hoóc môn điều chỉnh cảm xúc. Nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, trẻ ăn uống nhiều thực phẩm “bẩn”, không lành mạnh khiến khả năng giải toán giảm đến 20%. Có 51% trẻ sử dụng chế độ ăn này cũng gặp phải các vấn đề về tinh thần như tính khí thất thường, ức chế, căng thẳng, thậm chí là trầm cảm. Các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu cho thấy trẻ béo phì, ăn nhiều đồ ăn nhanh, thiếu lành mạnh có điểm số đi xuống so với trẻ có cân nặng bình thường.

“Xiên bẩn mỗi ngày, teo ngay bộ não”, bà Nguyễn Phương Mai dùng khẩu hiệu này để cảnh báo trẻ tránh xa các loại thực phẩm độc hại. Bà cũng phản ánh, nhiều gia đình hiện nay có quan niệm đơn giản là thức ăn chỉ thuần túy cung cấp dinh dưỡng. Đây là điều thiếu sót bởi thức ăn không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng tới tâm lực và trí lực của trẻ. Bà nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc giáo dục, thay đổi nhận thức của trẻ về dinh dưỡng: “Thời gian sinh hoạt, học tập của học sinh chủ yếu tại trường. Điều này khiến trường học trở thành một môi trường lý tưởng để giải quyết những vấn đề sức khỏe đại chúng ở quy mô lớn. Các trường nên đưa chương trình dinh dưỡng vào giảng dạy để giáo dục trẻ về thức ăn, về lối sống lành mạnh, để trẻ biết rằng ăn cái gì thì tốt cho sức khỏe và ăn cái gì sẽ gây hại”. Bên cạnh đó, cần xây dựng một chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh, giàu chất xơ và dưỡng chất không chỉ ở gia đình mà còn ở trường học để hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ. Một bữa ăn học đường cân bằng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm hỗ trợ sự phát triển thể chất, hiệu suất học tập và ổn định tâm lý cho trẻ.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI