Xiêm áo phong phanh tờ lụa ngỏ

28/12/2015 - 08:24

PNO - Học tập tiền nhân có nhiều điều phải học, trong đó, có một điều dễ dàng hơn cả, là việc đọc sách, vậy sao ta không bắt chước theo?

Xiem ao phong phanh to lua ngo
Ảnh mang tính minh họa

Sắp hết năm 2015. Quyển lịch chuẩn bị lật qua một trang mới. Búp non trên cành biếc đang nõn. Có lẽ, sự kiện mới nhất trong chuỗi sự kiện đón chào năm mới, theo tôi, không thể không kể đến sự ra đời của đường sách, trên đường Nguyễn Văn Bình, sát bên Bưu điện thành phố. Sự kiện đã được UBND TP.HCM đồng tình. Động thái này cho thấy rằng, một trong nhiều giá trị văn hóa cần tôn vinh, cần khuyến khích sâu rộng vẫn là sự tiếp cận với con chữ trên từng trang sách. Chưa bao giờ “văn hóa đọc” lại trở nên cần thiết như trong thời bùng nổ công nghệ thông tin khi mà sự nghe, nhìn đã là lựa chọn quen thuộc, hàng đầu của giới trẻ.

Thêm con đường sách ngay vị trí trung tâm, chắc chắn sẽ tạo nên một thiện cảm, một cảm hứng không chỉ với người dân thành phố mà còn cả với du khách nước ngoài. Tôi mường tượng nhịp chuông thánh thiện từ Nhà thờ Đức Bà vọng sang, lúc đang đứng lật quyển sách mới.

Tôi hình dung những gương mặt tươi trẻ đang hát nhịp đồng ca tại Nhà văn hóa Thanh Niên khi nhìn vào những bìa sách mới. Dòng đời mỗi ngày đi qua. Vòm lá trên các con đường Nguyễn Văn Bình, Phạm Ngọc Thạch, Hai Bà Trưng… vẫn bốn mùa thay lá, nhưng từ đây đã hình thành nên một “điểm nhấn” dành cho người yêu sách.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, tôi rất thần tượng, ngưỡng mộ thời Lê Thánh Tông. Triều đại ấy, đức vua ấy, nhà bác học, nhà sử học lỗi lạc Phan Huy Chú đã nhận xét: “Tư chất và tính khí nhà vua cao sáng, ham học không biết mỏi, tay không rời sách; kinh, sử, chư tử, lịch số, toán, chương đều tinh thông; văn thơ càng giỏi hơn các bề tôi. Về trị nước thì vua tôn trọng nho thuật, cất nhắc anh tài, sáng lập chế độ, khôi phục và mở mang bờ cõi, văn vũ, tài lược hơn các đời. Người ta cho chính trị đời Hồng Đức là rất thịnh”.

Điều gì đã hun đúc nên con người văn võ song toàn ấy? Tôi nghĩ, còn có phần do nhà vua ham thích đọc sách. Ngài cho biết: “Lòng vì thiên hạ những sơ âu/ Thay việc trời dám trễ đâu/ Trống dời canh còn đọc sách/ Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”. Học tập tiền nhân có nhiều điều phải học, trong đó, có một điều dễ dàng hơn cả, là việc đọc sách, vậy sao ta không bắt chước theo?

Từ đường sách Nguyễn Văn Bình, chỉ đi bộ một đoạn ngắn ắt gặp Thư viện Quốc gia, nơi ấy trước kia là Khám lớn Sài Gòn. Ai không từng có những ngày ngồi lặng lẽ cùng trang sách, nhìn ánh nắng xiên xiên ngoài cửa sổ mà lòng nhẹ nhàng, thanh thản? Rồi cũng từ đường Nguyễn Văn Bình, đi một đoạn ngắn ắt gặp Dinh Thống Nhất, thử hỏi, giữa hiện tại và quá khứ đã đan quyện vào lòng người ra sao? Chỉ nghĩ đến đó đã thấy lòng vui.

Và tôi vui hơn cả, cũng từ con đường sách ấy, phóng một tầm mắt là gặp ngay ngôi trường cũ: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trước là Trường Đại học Tổng hợp, trước đó nữa có tên Trường Văn khoa Sài Gòn. Có lẽ làm nên huyền thoại cho ngôi trường ấy, phải kể thêm thi sĩ Đông Hồ. Lúc đang giảng quốc văn, ngâm bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang, thầy Đông Hồ đã đột quỵ mà trên tay vẫn còn cầm quyển sách. Nhiều thế hệ sinh viên làm sao quên câu chuyện ấy?

Sáng nay, nói như nhà thơ Thanh Tịnh: “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”. Vâng, đọc sách cũng là một cách tự học đấy thôi.

Sáng nay, bước vào dòng người tấp nập xuống phố, hoa đã biếc, lá đã xanh, lòng người đã mới và tôi ngâm lại bài thơ của thi sĩ Đông Hồ miêu tả quyển sách, khác gì khắc họa hình bóng giai nhân diễm tuyệt: “Da ngọc ngà phô giấy nõn nường/ Tóc huyền mun gợn mực yêu đương/ Dịu thon lưng uốn đường sông núi/ Trinh sạch lòng pha chút tuyết sương/ Xiêm áo phong phanh tờ lụa ngỏ/ Phấn hồng thoang thoảng bụi hương vương…”.

Cha chả là hay!

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI