Xiếc cá, ếch ở Cồn Sơn và bài học về làm du lịch

30/06/2023 - 07:47

PNO - Chứng kiến những đàn cá lóc bay, bú bình, cá trê săn mối trên cạn, ếch nhảy qua vòng, các đoàn khách du lịch rất bất ngờ, thích thú. Những nông dân ở cù lao Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đang tạo ra sự độc đáo, khác lạ cho du lịch miền Tây Nam Bộ.

Không ngừng nghĩ ra trò mới

Một trong những điểm nghẽn của du lịch Việt Nam lâu nay là sản phẩm nghèo nàn, rập khuôn, bắt chước. Nhiều du khách kháo nhau rằng, ở miền Tây, đến địa phương nào cũng chỉ có màn tát mương bắt cá, đờn ca tài tử, ăn cá tai tượng chiên xù... nên chỉ cần đi 1 tỉnh là đủ. Biết vậy nhưng các địa phương vẫn loay hoay, chưa tìm được lối ra.

Nông dân Lê Văn Càng - xã viên Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn - được nhiều người gọi là nghệ nhân bởi ông là cha đẻ của những màn xiếc ếch, xiếc cá có một không hai. Cũng như bao nông dân khác, ông Càng quan niệm yêu nghề thì nghề không phụ. Gắn bó cả đời với vườn, ao, nông dân Cồn Sơn hiểu rõ tập tính từng loài cây, con trên cồn. Dựa vào tập tính của loài cá lóc, người nuôi kiên trì huấn luyện.

Để đàn cá lóc có thể bay lên đẹp mắt, người nuôi phải luyện cá từ nhỏ. Khi cá dưới 1 tháng tuổi thì cho ăn các loài cá tạp, sau chuyển dần sang thức ăn dạng viên. Từ tháng thứ hai, khi cá quen với thức ăn công nghiệp thì bắt đầu rèn. Mỗi lần tạo âm thanh và rải ít thức ăn, cá tranh nhau nhảy lên khỏi mặt nước. Vốn háu ăn, đang đói, cá sẵn sàng búng lên như làm xiếc để giành mồi. Riết thành quen, nghe “tiếng gọi”, cả bầy nhảy cẫng lên dù không có thức ăn. Hình như chúng cũng ghiền quậy, khoái nghe vỗ tay?

Khách đông, cá không thể diễn suốt ngày nên nghệ nhân phải quây lưới, chia ca. Anh Nguyễn Thành Tâm nảy ra sáng kiến là cho những con cá không còn sức búng ra riêng, tập làm quen với trò mới là bú bình. Ban đầu, anh dùng âm thanh dẫn dụ, tạo sự gần gũi rồi dùng bình bú sữa (dành cho trẻ sơ sinh) cho cá bú thức ăn công nghiệp. Có con hiếu động, tham lam, giật luôn bình để bú một mình, tạo ra cảnh ngộ nghĩnh, vui mắt. 

Khi tiết mục cá lóc bay và cá lóc bú bình dần trở nên quen thuộc với du khách và được nhiều nơi học tập, bắt chước, nông dân Cồn Sơn lại mày mò, thể nghiệm trò mới: cá trê vượt cạn săn mồi. 
Cá trê sống ở tầng đáy, khá nhát nên phải tập cho cá ăn gần bờ để quen dần, sau đó rải thức ăn ra xa hơn và cao hơn, dùng mồi ngon và âm thanh dụ cá họp đàn, tập trườn lên cạn 1 - 2cm dần dần rồi tăng lên cả tấc. Bãi tập là tấm phao nổi trong vèo (ao được quây 4 phía bằng lưới). Sau 4 tháng nhẫn nại, khóa huấn luyện hoàn thành, đàn cá trê thuần phục. Nghe tiếng thức ăn rải trên tấm phao, đàn cá lập tức trồi lên, tranh nhau trườn, phóng lên tấm phao săn mồi. Ăn xong, chúng nhanh chóng trườn lại xuống ao  trong sự tán thưởng của du khách.

Du khách đút cơm cho cá
Du khách đút cơm cho cá

Sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, nông dân Cồn Sơn tiếp tục trình làng tiết  mục mới do nghệ nhân Lê Văn Càng khởi xướng: ếch nhảy qua vòng. Ý tưởng này bắt đầu khi ông Càng nhớ lại mấy lần móc đất đắp bờ, đụng hang ếch. Thay vì sợ hãi, các chú ếch thân thiện nhảy đến gần, thậm chí đu lên tay ông. Ông làm vèo, nuôi ếch thử nghiệm, huấn luyện ếch nhảy theo ý mình. Không quá khó nhưng phải kiên nhẫn và thật lòng. Dần dà, ếch cảm nhận được ý chủ.
Theo ông Càng, phải rèn ếch lúc chúng còn nhỏ. Khi cho ăn, phải tập cho ếch nghe âm thanh, nhìn màu sắc, tập từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, mỗi ngày một chút rồi nâng dần lên. Dù mới hoạt động thử nghiệm, các “diễn viên” ếch đã không phụ lòng chủ, gây ngạc nhiên cho du khách gần xa. Tiết mục này đang không ngừng được hoàn chỉnh, tăng hạng cân ếch, tìm ếch nhiều màu, nâng độ cao và độ khó như nhảy qua nhiều vòng, nhảy thấp đến cao theo điệu nhạc...  

Bài học sau những màn xiếc cá, xiếc ếch

Cái hay của nông dân Cồn Sơn là biến cái bình thường thành sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn. Từ vườn cây đến vèo cá, vèo ếch đều có sự bố trí, phân công hợp lý, mang tính cộng đồng đúng nghĩa. Các nhà vườn xoay tua để có hoa trái quanh năm đãi khách. Các điểm ăn uống, các dịch vụ như xe đạp, chèo xuồng cũng vậy, không giành giật, phá giá.

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp 102 (có một không hai) “made in Cồn Sơn” đã làm ngỡ ngàng du khách lẫn các chuyên gia du lịch. Cá, ếch vốn là động vật dân dã, bình thường, sống tự do theo bản năng nhưng bằng sự hiểu biết, kiên trì và tấm lòng nhân hậu, nông dân Cồn Sơn đã biến chúng thành “diễn viên“ phục vụ du lịch, làm đẹp cho đời.

Du khách cho cá lóc bú bình
Du khách cho cá lóc bú bình

Du khách cũng hết sức bất ngờ về tính nhân văn của các nghệ nhân: sau khi đã hết lòng phục vụ, không còn sức diễn nữa, các “diễn viên“ cá, ếch được chăm sóc riêng, cho làm quen với môi trường sống tự nhiên rồi được phóng sinh với nghi thức cảm ơn đơn giản mà cảm động. Các “diễn viên" được yêu thương, chăm sóc như thú cưng. Mồi nhử ếch nhảy là ni lông màu (mồi giả) chứ không phải côn trùng giả hay thật. Sau màn diễn, các “vận động viên" ếch đều được tưởng thưởng.

Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn phát huy hiệu quả hoạt động với mô hình tam giác đều gồm 3 không, 3 tự, 3 cùng. Đó là không bộ máy, không ngân sách, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm; cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng. 

Bà đỡ cho mô hình du lịch cộng đồng ở cù lao Cồn Sơn là chị Lê Thị Bé Bảy -  nguyên Phó trưởng phòng Văn hóa Thể thao quận Bình Thủy. Chị vốn là dân ở phố, bị Cồn Sơn quyến rũ, mê cả người lẫn đất nên thành người cù lao. Chị xăng xái truyền lửa, đồng hành và cùng bà con vượt qua nhiều gian nan, trở ngại. 

Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn biết hóa giải các xung đột, vì lợi ích cộng đồng; tuân thủ nghiêm nhặt những quy luật thực tiễn; biết tận dụng thế mạnh từng cá nhân, có lộ trình xây dựng vòng đời sản phẩm mới. 

Đến Cồn Sơn, gặp các nông dân làm du lịch cộng đồng, tôi học được nhiều bài học quý giá chỉ có trong trường đời. Đó là sự đồng tâm, hợp lực, toàn tâm toàn ý với công việc, với cây cỏ, vật nuôi. Chính nông dân tại chỗ là nhân tố quyết định thành công của mô hình. Chị Bé Bảy bật mí: “Thủy sản ở Cồn Sơn không chỉ có cá lóc, cá trê, ếch mà còn có cua, tôm, cá rô, lươn, chạch... Du lịch Cồn Sơn vẫn còn nhiều tiềm năng và luôn có sản phẩm mới“.

Tiếc là Cồn Sơn chưa có nơi lưu trú. Việc hộ dân đăng ký kinh doanh, làm lưu trú trên đất vườn quá khó khăn. Nếu tháo gỡ được nút thắt này, Cồn Sơn sẽ có những gardenstay, villagestay chuẩn quốc gia kiểu Mai Hịch (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), Hua Tạt (huyện  Vân Hồ, tỉnh Sơn La)... Khi đó, Cồn Sơn không chỉ là điểm đến chốc lát mà sẽ là nơi lưu trú dài ngày với những trải nghiệm có một không hai. 

Tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch TPHCM:
Du lịch cộng đồng cần sự kết nối 

Trong triển khai các sản phẩm để phát triển du lịch, bà con Cồn Sơn có sự sáng tạo như khai thác các yếu tố độc lạ gắn với văn hóa sinh kế nuôi trồng, đánh bắt thủy sản làm nên sự khác biệt, để hút khách. Tuy nhiên, có một rào cản rất lớn là tính kết nối, liên kết giữa các hộ làm du lịch. Việc kết nối này sẽ tạo ra những giá trị, định hướng, mục đích phát triển du lịch chung. Mỗi hộ có một thế mạnh riêng, nếu không thống nhất chung sẽ chưa tạo ra sức mạnh tập thể để phát triển đồng bộ du lịch. Yếu tố này rất quan trọng trong việc định hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Một vài khu, điểm du lịch cộng đồng đang khai thác hiệu quả tính gắn kết, định hướng du lịch rõ ràng mang tính đại diện cao cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long có thể kể khu du lịch Cồn Chim, Cồn Hô (Trà Vinh). Trong đó, Cồn Chim đi theo định hướng phát triển du lịch “thuận thiên” nghĩa là du lịch thích ứng với thiên nhiên, môi trường. Đây cũng là xu hướng chung của du lịch thế giới.

Những người làm du lịch ở Cồn Sơn cần ngồi lại với nhau, chọn triết lý phát triển du lịch chung. Phải làm sao có chuỗi cung ứng hoàn thiện hơn, từ đó hình thành chuỗi giá trị gia tăng cho từng khâu chứ không chỉ là những giá trị đơn lẻ như hiện nay. Các khu du lịch chung theo hình thức du lịch cồn ở miền Tây cũng cần tính toán đến yếu tố sức chứa. Nếu khách đến quá đông sẽ không đủ năng lực phục vụ. Vì vậy cần tính toán chọn lọc đối tượng du khách…

Quốc Thái (ghi)

Nguyễn Văn Mỹ, Giảng viên Doanh nhân Khoa Du lịch, Đại học Nguyễn Tất Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI