Lúc ngồi trên con đò cùng má sang tỉnh thăm ba, tâm trạng của tôi là tâm trạng của một đứa con nít được đi chơi, được có một cuộc khởi hành mới mẻ đầy thú vị.
Sự hớn hở bắt đầu từ lúc nghe tiếng còi tàu tu tu ngân dài khi đò cập bến, lúc lót tót theo má đang khệ nệ xách cái giỏ nặng trĩu rau này trái nọ, lúc leo lên ngồi trên băng ghế gỗ dài, lúc đón những cơn gió sông mát rượi quất vào mặt.
Tất cả những điều hay ho này khiến tôi quên mất rằng, có một người phụ nữ đầy tâm trạng đang ngồi bên cạnh mình.
Má tôi hẳn đã kỳ vọng rất nhiều trên những chuyến đò thăm ba tôi. Tuy nhiên thường thì sự thất vọng cũng nhiều như thế cho đến khi họ gặp mặt nhau.
Ba tôi bận công chuyện nên ít khi về nhà, đi theo đó là những đồn đoán và bóng dáng người thứ ba. Má tôi, vẫn cố gắng nối kết, tha thứ và làm liền các đứt gãy.
Má vừa buông lỏng, vừa cột chặt, vừa nới ra, lại xích vào. Má làm mọi thứ với rất nhiều nỗ lực, cả những mất mát riêng tư. Tôi cũng không hiểu bằng cách nào, má đã làm được. Có lẽ bà đã rất kiên nhẫn và rất yêu thương.
|
Ảnh Khắc Hiếu |
Liên hệ chuyện má mình, chỉ để tôi xâu kết, rằng hôn nhân ở bất cứ thời nào, cũng cần rất nhiều nỗ lực. Chúng được tích lũy, vun đầy, thứ tha, được chăm sóc và hơn thế là được sẻ chia. Chúng không phải là sự trọn vẹn, tròn trịa. Song liệu mỗi vết nứt có khiến người ta trưởng thành hơn?
Để tìm một triết lý cho hôn nhân bền bỉ, chắc rằng mỗi người và cách họ sống đã làm thành một triết lý riêng. Tôi tin thế, giống như tin vào những cuộc tình gắn kết mấy mươi năm và cả những cuộc ngắn ngủi vì mọi lý do mà không còn bên nhau được nữa.
Những thứ quan trọng luôn có cái quan trọng hơn và mọi ràng buộc thuở ban đầu sẽ khác với những ràng buộc lúc đã cùng nhau đi qua một đoạn đường khá dài.
Mỗi người rồi sẽ tự tìm thấy, tự ngộ ra cái khớp nhất với mình. Buộc vào hay mở ra, nới lỏng tay dành cho nhau khoảng thở hay cứ siết chặt vậy hoài, mỗi thứ khẳng định đều bất khả với thực tế của từng người.
Tôi nhớ có lần mình viết một bài báo với tiêu đề Bỏ chồng con đi du lịch - phụ nữ gì đây? Cái tít hơi gây sốc này cũng chỉ để chia sẻ cách nhìn từ hai phái.
Trong đó, nam chính nên là người khuyến khích nữ chính có những thú vui riêng tư lành mạnh sau khoảng thời gian miệt mài với công việc, bận rộn với chồng con. Điều này là sự cân bằng chứ không phải quyền lợi, là sự sẻ chia chứ không phải đòi hỏi. Bản thân người vợ cũng khuyến khích chồng hãy “đi đu đưa đi” mà không cần có mặt vợ.
Xã hội bây giờ tất nhiên rất khác với thời của má tôi. Phụ nữ đa phần quyết đoán và mạnh mẽ, họ sẵn sàng cởi bỏ nút thắt, làm mẹ đơn thân, tìm tự do cho mình. Nhưng, việc ở lại bên nhau, đã cùng đồng cam cộng khổ, thì những “khoảng thở” riêng chính là điều cần thiết để giúp nhau làm nên những thăng hoa.
Lần đó, bài báo vô tình trở thành một diễn đàn tranh luận. Tôi đọc được các phản hồi đồng tình lẫn vô số bình luận phản đối.
Đáng chú ý, vẫn nhiều người cho rằng, phụ nữ dù có hiện đại cỡ nào, thì hành vi, lối sống vẫn cứ phải nên phụ thuộc vào thái độ nam giới dành cho họ, vào những định nghĩa bất biến thuộc về gia đình. Làm gì thì làm, họ phải ngó thái độ của người đàn ông, có chấp nhận hay không.
Có những phản hồi thẳng thắn rằng, nếu phụ nữ kiểu ấy, tức là kiểu “dám” bỏ chồng con đi du lịch một mình, thì đừng nên có gia đình, vì như vậy là quá ích kỷ.
Đọc hết những phản hồi, tôi vẫn thấy rõ bản chất của định kiến. Thế kỷ XXI rồi mà đàn ông vẫn được, còn phụ nữ luôn thua…
Chính những định kiến như vậy cũng khiến tôi giật mình khi mọi chia sẻ từ phía ngoài dành cho một cuộc hôn nhân của ai đó đều là sự bất khả.
Không ai hiểu hơn người trong cuộc, bởi bản chất thật của hôn nhân vẫn là những định dạng riêng tư chỉ dành cho người đó.
Cái người khác làm, mình thực hiện y hệt chưa chắc đúng. Rốt cuộc, đó không phải là chuyện ai được đi chơi, ai phải ở nhà trông con hay ai phải làm việc kiếm tiền, ai trở thành nội trợ, mà là cách tổ chức cuộc sống và cùng nhau chữa lành những vết thương.
Đó không phải là việc đi cùng nhau hay đi một mình, mà là sự đồng cảm đi cùng năm tháng. Khoảng thở, đơn giản có thể là người phụ nữ yêu chiều mình bằng một bữa ở tiệm gội đầu mà không cần phải nhìn đồng hồ xem giờ về nhà chuẩn bị bữa cơm, là người chồng biết vợ bận rộn và căng thẳng nên sẽ không cau có càu nhàu.
“Khoảng nghỉ” đó không phải để dành cho những tràng pháo tay, không phải là cuộc trình diễn khoe khoang mà là những thong thả thật thà chỉ riêng hai người hiểu được.
Và mỗi sự xích ra là để gần lại rồi thương sâu. Cũng không hẳn là hy sinh, là sao y công thức như nấu một món ăn, điều quan trọng là nấu sao cho vừa với chính mình.
Minh Phúc