Xỉa răng, ngoáy tai cũng bị uốn ván

26/04/2017 - 05:30

PNO - Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, trung bình mỗi năm tiếp nhận từ 250-300 ca người lớn bị uốn ván, trong đó có những ca bị uốn ván do xỉa răng, ngoáy tai, làm cá, lột nhẫn đeo tay…

Vết thương nhỏ, hậu quả lớn

Đang nuôi mẹ là Nguyễn Thị Thu C., 62 tuổi, chị Nguyễn Thị Hoa than thở: “Má tôi chỉ lột chiếc nhẫn đeo bị chật ở tay, bị trầy xước có chút xíu mà cũng bị phong đòn gánh giật đùng đùng.

Nửa đêm, má tôi than khó thở rồi bị cứng hàm, cứng cổ, cứng lưng, tay chân không nhúc nhích được nên chở lên đây cấp cứu. Đã ba ngày nhập viện rồi mà má tôi vẫn nằm bất động, không biết có qua khỏi không nữa”. 

Nghe chuyện, cô Hoàng Yến - con gái của bệnh nhân Tiêu Thị T., 45 tuổi -  cũng thút thít: “Má em bị té xe trầy gót chân, tưởng không sao, vậy mà qua ba bữa sau, hàm má em bị cứng đơ, không ăn uống được.

Em đưa má đến một BV khám. BS nói má em bị trật khớp thái dương hàm rồi cho thuốc uống. Qua hôm sau, má em bị nặng hơn, cứng hàm, cứng cổ, tái khám thì BS nghi má em bị uốn ván nên  chuyển qua BV Bệnh nhiệt đới từ ngày 30/3/2017 đến nay”.  

Nhiều người nghĩ, chỉ đạp đinh hay vật sắc nhọn bị gỉ sét thì mới bị uốn ván, nhưng qua thực tế điều trị, các BS BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, bất kỳ vật gì gây trầy xước cơ thể đều có thể khiến vi trùng uốn ván tấn công gây bệnh.

Như trường hợp anh Lê Văn M., 41 tuổi, ngụ ở Q.8, TP.HCM là một ví dụ. Anh M. có thói quen xỉa răng rất kỹ sau mỗi bữa ăn. Có lần, anh đang bị viêm nướu, lại xỉa răng hơi mạnh nên nướu bị chảy máu. Nghĩ chảy máu nướu răng là chuyện bình thường nên anh không để ý.

Gần một tháng sau, chỗ nướu bị thương sưng to, anh M. cảm thấy rất khó mở miệng, cơn co cứng lan nhanh từ hàm xuống cổ, lưng, tứ chi khiến anh không cử động được. Anh được gia đình chở vào BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cấp cứu, được chẩn đoán bị uốn ván, mà “nghi phạm” là cây tăm xỉa răng.

Anh Lê Quang A., 31 tuổi, ngụ tại Q.5, TP.HCM, điều trị chung phòng với anh M. lại bị uốn ván do ngoáy tai. Khi tắm xong, đang ngồi ngoáy tai, anh A. bị đứa con trai va trúng làm tai anh chảy máu, vài ngày sau thì tai chảy mủ kèm triệu chứng cứng hàm, đơ cơ cổ, cơ lưng.

Xia rang, ngoay tai cung bi uon van
Chỉ vì cố lột chiếc nhẫn mà bà Nguyễn Thị C. bị uốn ván nặng

 Tốt nhất là nên tiêm phòng uốn ván 

Ngoài việc bị uốn ván do những vật gây nên thương tích có chứa sẵn vi trùng uốn ván, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị nhiễm trùng uốn ván là do chủ quan, khi bị  những vết thương nhỏ thì chỉ xử lý qua loa khiến vết thương nhiễm trùng, trở thành môi trường thuận lợi cho vi trùng uốn ván xâm nhập. 

Vi trùng uốn ván có ở đâu là câu hỏi của nhiều người. Nguyên nhân gây nhiễm trùng uốn ván là do vi khuẩn tetanus. Vi khuẩn này thường có trong đất, cát, vật gỉ sét, môi trường xung quanh và khi tấn công vào cơ thể sẽ tiết ra độc tố gây uốn ván, khiến bệnh nhân bị cứng hàm, cứng cơ cổ, cơ lưng và tứ chi, đớ lưỡi, co giật, khó thở (do đường thở bị co thắt nên nếu không cấp cứu kịp, nguy cơ tử vong khá cao).

Trước đây, bệnh này có tỷ lệ tử vong từ 20 đến 50%, nhưng hiện chỉ còn khoảng 5%.  Có những trường hợp bị uốn ván do xỉa răng, ngoáy tai… nhưng khi nhập viện đều phải thở máy, mở khí quản, dùng thuốc an thần và kháng sinh liều cao do bệnh đã trở nặng. 

Bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa  Cấp cứu  - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, xử lý vết thương đúng cách là: khi mới có vết thương (dù là vết thương nhỏ), cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài.

Nếu vết thương ra máu và dính nhiều bùn, đất, cát, có thể dùng ôxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu. Lưu ý, với vết thương hở, không được bôi cồn 90 độ, i-ốt (betadine, povidine)  trực  tiếp vào vết thương để tránh làm tổn thương mô. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà phòng rồi lau khô.

Khi phát hiện có dị vật nằm trong vết thương, nếu đơn giản thì rửa tay sạch rồi lấy ra; sau đó, có thể băng lại bằng gạc y tế và cần theo dõi, thay băng mỗi ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì không nên cố sức lấy mà cần đến cơ sở y tế.

Trong quá trình chăm sóc vết thương tại nhà, nếu xuất hiện những dấu hiệu như đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành... cần đến BV ngay vì có thể vết thương đã nhiễm trùng. Tuyệt đối không được đắp thuốc rê, thuốc bột… 

Để phòng ngừa nhiễm trùng uốn ván, cách hiệu quả nhất là đi chích ngừa, nhất là với những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với vật dễ gây thương tích (vật sắc, nhọn); hoặc ngay sau khi bị thương, nên  đến ngay cơ sở y tế để tiêm huyết thanh ngừa uốn ván. 

Thùy Dương

Nhậu xỉn, làm đẹp cũng bị uốn ván

BS Bích Thủy cho biết, đối tượng có nguy cơ bị uốn ván cao là những “đệ tử lưu linh” vì người nhậu say có thể  va quẹt, trầy xước mà không biết để xử lý ngay vết thương. Đối tượng khác cũng dễ bị uốn ván là những người đi sửa mũi, bấm lỗ tai, xỏ lỗ mũi…

Trẻ nhỏ được cắt rốn, bấm lỗ tai cũng có thể bị nhiễm trùng uốn ván. Với trẻ con và người già, hệ miễn dịch hoặc chưa hoàn chỉnh, hoặc đã suy giảm, khi mắc, bệnh diễn tiến rất nhanh, nặng và dễ làm xuất hiện các bệnh nền khác. Bệnh nhân uốn ván thường rơi vào vòng lẩn quẩn: bệnh nặng - nằm lâu - sức khỏe suy kiệt - khó hồi phục - bệnh nặng.

Vì vậy, mọi người nên chủ động chích ngừa uốn ván, chi phí (liệu trình ba mũi) chưa đến 500.000đ, còn chẳng may bị uốn ván thì thời gian điều trị tính bằng tháng và trung bình mỗi tuần chi phí khoảng 15-25 triệu đồng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI