Xét xử vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk: Sự ân hận muộn màng

17/01/2024 - 06:01

PNO - Tham gia vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk, các đối tượng phạm tội giờ đây đều đã ăn năn, thành khẩn khai nhận hành vi của mình. Họ thừa nhận do lạc hậu, thiếu hiểu biết, hoặc do bị đe dọa nên đã tham gia hoạt động phạm tội.

100 bị cáo bị đưa ra xét xử

Ngày 16/1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án khủng bố tấn công trụ sở UBND xã (tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào đêm 11/6/2023. Liên quan đến vụ án có 100 bị cáo bị đưa ra xét xử.

Trong đó, có 53 bị cáo bị truy tố về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, 39 bị cáo bị truy tố về tội “khủng bố”, 1 bị cáo bị truy tố tội “tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, 1 bị cáo bị truy tố tội “che giấu tội phạm”. Có 6 bị cáo ở nước ngoài là Y Mút Mlô, Y Bút Êban, Y Niên Êya, Y Čik Niê, Y Chanh Byă và Y Quynh Bdap bị xét xử vắng mặt tội “khủng bố”.

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày, công tác an ninh được đảm bảo nghiêm ngặt. Hội đồng xét xử có 5 người, gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. 4 kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk được phân công thi hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Phiên tòa có 19 luật sư, trợ giúp viên pháp lý và 3 phiên dịch nhằm hỗ trợ khi cần.

Tại phần kiểm tra lý lịch của các bị cáo, thẩm phán đã mời phiên dịch cho những trường hợp cần giúp đỡ. Chủ tọa phiên tòa cũng giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, bị hại, đại diện bị hại, người có nghĩa vụ liên quan…

Trong quá trình xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đánh giá toàn bộ tài liệu chứng cứ, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tính chất, mức độ phạm tội để quyết định hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo nhằm đảm bảo sự nghiêm minh, tính răn đe, nhưng cũng đảm bảo sự khoan hồng, tính giáo dục, nhân văn của pháp luật; đồng thời thể hiện được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay.

Theo cơ quan chức năng, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi vụ án xảy ra, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã quan tâm chỉ đạo, các cơ quan từ trung ương đến địa phương tập trung toàn bộ lực lượng điều tra, truy bắt ngay các đối tượng, ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn; khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguyên nhân, điều kiện, diễn biến sự việc phạm tội.

Trong quá trình điều tra, các đối tượng đều đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận do lạc hậu, thiếu hiểu biết hoặc do bị đe dọa nên đã tham gia hoạt động phạm tội. Các đối tượng xin được Đảng, Nhà nước xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.

Chị H’Liên Niê (bìa trái) cùng cán bộ xã bàn bạc giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người dân ở buôn Ea Liăng
Chị H’Liên Niê (bìa trái) cùng cán bộ xã bàn bạc giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người dân ở buôn Ea Liăng

Người thân, buôn làng bàng hoàng

Trong số 100 bị cáo liên quan đến vụ án, có hơn 30 cư trú tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk). Trong đó, không ít đối tượng vốn là những nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng vì thiếu hiểu biết nên đã bị các thế lực lôi kéo tham gia gây tội ác. 

Theo ông Y Tum Ayun - 68 tuổi, người có uy tín ở buôn Adrơng Ea Tuk, xã Cư Pơng - năm 1994, Cư Pơng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, từ trước đến nay, người dân luôn sống hòa thuận, chăm chỉ, bảo ban nhau làm ăn, góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh. Nhờ vậy, đời sống của bà con ngày càng khấm khá. Đến khi xảy ra vụ việc, không ai dám nghĩ những người đàn ông của buôn làng vốn hiền lành lại tham gia vụ việc chấn động đến như thế. 

Chị H’Liên Niê - Trưởng buôn Ea Liăng, xã Cư Pơng - cũng không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến những công dân của mình “lầm đường lạc lối”. Nữ trưởng buôn kể: “Sau khi vụ việc xảy ra, có rất nhiều hình ảnh được đăng tải trên báo, trên mạng xã hội, tôi nhìn thấy và nhận ra có một số người dân trong buôn. Không dám tin vào sự thật, tôi âm thầm đến nhà từng người tìm hiểu, xác minh xem có đúng không. Thế nhưng, khi có danh sách chính thức về những người tham gia vụ tấn công, tôi vẫn bàng hoàng, đau xót và tìm cách vận động gia đình, khuyên nhủ đối tượng ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng. Có những người gọi điện hoặc đến tận nhà nhờ tôi báo lực lượng chức năng để tìm kiếm người thân. Nhờ đó, tôi tiếp cận, trực tiếp trò chuyện, vận động được 2 đối tượng ra đầu thú”. 

Hành vi của những người tham gia vụ tấn công không chỉ gây đau thương, phẫn nộ cho xã hội mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình chính mình. Chị H.K. - 26 tuổi, trú tại buôn Ea Liăng, xã Cư Pơng, vợ của một đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố - nghẹn ngào: “Trước khi sự việc xảy ra, chồng tôi rất chăm chỉ, quanh năm cặm cụi làm ăn để lo cho gia đình. Đến khi anh ấy gọi điện thoại về và thừa nhận có tham gia vụ tấn công, tôi chết lặng và không dám tin chồng mình vì bị người ta xúi giục mà làm nên chuyện tày trời. Trong lúc hoảng loạn, tôi đã cố gắng lấy lại bình tĩnh để động viên anh ấy ra đầu thú thì mới hy vọng được khoan hồng. Cũng từ ngày đó, tôi phải thay chồng gánh vác mọi công việc nặng nhọc để nuôi con thơ”.

Còn chị H.N.A. - 32 tuổi, trú tại buôn Ea Klok, xã Cư Pơng, vợ của bị cáo Y.P.N. - chia sẻ: “Sau khi tham gia vụ việc, chồng tôi có trở về nhà và tỏ ra hối hận, nhận thức được việc mình làm là sai. Anh ấy nói, mấy ngày đầu tham gia vụ việc, anh có xin về nhưng họ không cho và đe dọa giết cả nhà nên phải đi theo”.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng Y Nhất Mlô thông tin, xã Cư Pơng có hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ê Đê và Gia Rai. Những năm kháng chiến, đồng bào các dân tộc nơi đây một lòng theo cách mạng, cống hiến sức người, sức của cho kháng chiến.

Đất nước thống nhất, chính quyền và nhân dân xã Cư Pơng tập trung khắc phục hậu quả, phát triển kinh tế. Từ một xã đặc biệt khó khăn, nay Cư Pơng là xã khu vực II, đời sống của người dân được nâng lên rất nhiều. Tình hình an ninh trật tự ở địa phương luôn ổn định, người dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Khi xảy ra vụ việc, không chỉ người dân mà chính quyền địa phương đều hết sức bất ngờ. Nhóm đối tượng tham gia vụ việc đa số xuất phát từ nhận thức thấp nên bị lôi kéo. 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kêu gọi người dân không nghe theo lời xúi giục của các phần tử xấu.

Ông Y Luyện Niê Kđăm - nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk, trú tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin - cho hay, vụ việc cho thấy, các đối tượng đã có mưu đồ, chuẩn bị từ trước, nhắm vào chính quyền để lợi dụng chống phá bằng những luận điệu xuyên tạc. Chính quyền và nhân dân các dân tộc phải đoàn kết để chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, xây dựng thế trận nhân dân, bài trừ hoạt động chống phá Nhà nước.

Nguyên Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI