Cùng với những diễn biến của phiên tòa, càng cho thấy, có điều gì đó “mờ ám” trong việc kết tội bác sĩ Hoàng Công Lương.
Từ khi phiên tòa bắt đầu vào ngày 19/5, những người tham dự đã tỏ ra bức xúc có nhiều sự lạ lùng, mập mờ trong việc xét xử. Tất cả sự lạ lùng ấy đều là những yếu tố gây khó khăn cho các bị cáo, đặc biệt là bác sĩ Hoàng Công Lương.
Một số nhân vật cấp cao liên quan đến vụ việc không xuất hiện, những đề xuất mời chuyên gia của các luật sư bị từ chối thì trong quá trình xét xử, hội đồng xét xử (HĐXX) liên tục đặt những câu hỏi khó, buộc tội bác sĩ Lương, xuất hiện lời khai “song sinh” hay tình tiết viết thêm vào bản phân công công tác của điều dưỡng Đinh Tiến Công bị tiết lộ. Đó là những gì mà nhiều người phải đặt dấu hỏi cho phiên tòa và cơ quan tố tụng.
Qua những tình tiết đó cho thấy, đã có sự mờ ám trong việc kết tội bác sĩ Hoàng Công Lương như một sự cố tình, có dàn xếp. Qua 6 ngày xử án, nhiều người đã đặt giả thiết rằng, ngày hôm đó nếu bác sĩ Hoàng Công Lương vắng mặt hay xin nghỉ, liệu có phải là một bác sĩ trẻ khác có mặt trong ca trực hôm đó, một “hình nhân thế mạng” khác đang đứng trước bàn xét hỏi.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại phiên tòa |
Đại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan: Nếu là ông Dương, tôi sẽ đứng ra chịu trách nhiệm
Vì sao lại đổ hết trách nhiệm cho một bác sĩ đang cố gắng cứu bệnh nhân. Trong khi bác sĩ đó làm sao biết được chất lượng nước như thế nào. Phải xem xét trong vụ việc này, nếu có gì tiêu cực thì ai là người hưởng lợi? Tiêu cực xảy ra, đó phải là ở cấp lãnh đạo, khoa, phòng.
Tôi thấy bác sĩ Hoàng Công Lương đang rất bơ vơ, cần có hành lang pháp lý bảo vệ bác sĩ, để bác sĩ tập trung bảo vệ bệnh nhân. Vấn đề này bàn cãi mãi rồi nhưng vẫn chưa có hành lang pháp lý.
Trong nghề y, bác sĩ nào cũng muốn chữa cho bệnh nhân mình khỏi, thoát chết nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, đôi khi chuyện ngoài ý muốn xảy ra. Bác sĩ chỉ tập trung làm chuyên môn, khi sơ xảy thì không có bảo vệ của ngành, không có sự bảo vệ của lực lượng pháp luật chuyên nghiệp thì không được. Việc của bác sĩ Lương, cá nhân tôi chưa thấy rõ vai trò của Bộ Y tế đứng ra bảo vệ bác sĩ mà mới thấy ý kiến của các hội, ngành.
Nếu tôi là ông Trương Quý Dương tôi sẽ không đi đâu mà đứng ra chịu trách nhiệm cho bác sĩ Lương và nhân viên của mình.
Luật sư Lê Văn Thiệp (đại diện bảo vệ cho bác sĩ Hoàng Công Lương): Hội đồng xét xử chỉ tập trung buộc tội bác sĩ Lương
Trong các ngày xử án, tất cả các câu hỏi của HĐXX đều nhằm mục đích buộc tội bác sĩ. Với tinh thần cải cách tư pháp và với nguyên tắc suy đoán vô tội nhưng trong trường hợp này họ đang làm ngược lại, tức là tất cả các câu hỏi đều nhằm mục đích cuối cùng là buộc tội bác sĩ. Nếu con người không thay đổi về nhận thức mà lúc nào cũng có tâm thế để buộc tội thì việc xét xử hay tranh tụng chẳng có ý nghĩa gì.
Mấy ngày xét xử vừa qua, HĐXX cũng như đại diện viện kiểm sát cứ sa đà vào việc bác sĩ Lương có được giao nhiệm vụ hay không? Có biết việc sửa chữa hay không? Có biết phải thế này, thế kia hay không? Nhưng lại không hỏi trách nhiệm có hay không, quy định ở đâu, có làm đúng chức trách, nhiệm vụ hay không, hay nguyên nhân xảy ra chết người.
Tôi cho rằng, những câu hỏi mà HĐXX hỏi để buộc tội như vậy là đi ngược với tiến trình cải cách tư pháp, khước từ đòi hỏi chính đáng của toàn xã hội về một nền tư pháp công bằng và HĐXX đang từ bỏ sự độc lập và vai trò tối thượng, trung tâm của tòa án nhân dân trong hệ thống tư pháp. Tôi tin rằng, HĐXX sẽ tuyên bố bác sĩ Lương không phạm tội thiếu trách nhiệm.
Luật sư Trương Anh Tú: Bác sĩ Lương vào tù sẽ là “thảm họa” y tế
Tôi cho rằng, bác sĩ được đào tạo và dạy các kỹ năng thực hành y khoa liên quan đến cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh. Còn việc nhận biên bản bàn giao có thể coi như “thủ tục hành chính”, không thuộc trách nhiệm công việc của bác sĩ.
Ngay cả khi có biên bản bàn giao, thì sự cố cũng vẫn xảy ra, vì bác sĩ có thể biết được nguồn nước đó có an toàn hay không đâu? Trong Luật Khám chữa bệnh cũng không quy định bác sĩ phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước. Vì thế, không thể quy trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Tóm lại, xét về chủ thể và hành vi khách quan của bác sĩ Lương đều không thỏa mãn các dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và không thể xử bác sĩ Lương vào tù. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hòa Bình vẫn kết luận bác sĩ Lương phạm tội và phải vào tù thì đây sẽ là một “thảm họa” đối với ngành y tế.
Bởi từ vụ việc này, các bác sĩ sẽ không còn biết tin vào đâu để khẳng định hoạt động khám chữa bệnh của mình là đúng chức trách. Họ sẽ lấy vụ án của bác sĩ Lương vào tù ra làm gương để cho rằng, dù có thực hiện đúng chức trách vẫn có thể bị tuyên phạm tội.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: Hội đồng xét xử đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng
Tôi nhận thấy HĐXX đã ngang nhiên vi phạm, hạn chế quyền của luật sư, đó là phải tạo điều kiện cho bên buộc tội cũng như bên gỡ tội thực hiện công việc của mình. Trong các ngày xét xử, việc hạn chế được thể hiện rõ như việc đề nghị mời các chuyên gia hay triệu tập các cá nhân liên quan, có thể cung cấp lời khai làm rõ sự thật khách quan của vụ việc.
Về việc lời khai “sinh đôi”, bác sĩ Lương cho biết, đã được xem bản khai của ông Khiếu để khai theo. Đó là dấu hiệu của việc mớm cung, thông cung và là điều sai trái trong tố tụng. Như vậy, bản khai đó của bác sĩ Lương không có giá trị trong việc buộc tội cũng như đưa ra xét xử.
Trong chiều 22/5, chúng tôi thấy việc bác sĩ Lương xác nhận chữ ký của ông Khiếu và điều dưỡng Công, được ghi trong bản hỏi cung có sự bất thường nhưng cũng không được đưa ra hỏi vấn đề này trước tòa. Tiếp đó, luật sư bào chữa lại không được đặt câu hỏi với đại diện Bộ Y tế, để làm rõ vấn đề liên quan cho thân chủ. Đó là sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong một phiên tòa công khai.
An Vũ