Xét xử vụ tai biến chạy thận: Hoàng Công Lương khẳng định mình vô tội

17/05/2018 - 15:17

PNO - Có nhiều thông tin cho thấy, ông Trương Quý Dương kí hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa với công ty Thiên Sơn với giá suýt soát 100 triệu đồng. Công ty này thuê lại công ty Trâm Anh thực hiện hợp đồng với giá gần 50 triệu đồng

Ngày 17/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã bước sang ngày thứ ba với phần xét hỏi.

Tòa từ chối chuyên gia chạy thận

Cũng trong phiên tòa này, HĐXX đưa ra thông báo sau khi thẩm tra lý lịch của vị chuyên gia về chạy thận đến từ Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) do luật sư Nguyễn Văn Chiến mới đến để tham vấn ý kiến về chuyên môn. HĐXX cho rằng điều này là không cần thiết.

Luật sư Chiến cũng thuyết phục HĐXX chấp nhận để vị chuyên gia này tham gia tòa nhưng không thành công. Theo các luật sư, việc có mặt của chuyên gia này sẽ góp phần làm rõ các vấn đề liên quan đến quy trình lắp đặt máy lọc nước và làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến vụ việc.

Xet xu vu tai bien chay than: Hoang Cong Luong khang dinh minh vo toi
Đại diện công ty Thiên Sơn trả lời câu hỏi của luật sư

Tiếp đó, trong phần xét hỏi của các luật sư với bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh), một số điểm khuất tất trong bản hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng được BVĐK tỉnh Hòa Bình, cụ thể là do cựu giám đốc Trương Quý Dương kí với công ty Thiên Sơn được tiết lộ. 

Trả lời luật sư Lê Văn Thiệp, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho biết, từng đề nghị thay cả 4 màng lọc RO trong hệ thống lọc nước nhưng không được đồng ý, chỉ thay 2 màng lọc, tẩy rửa 2 màng lọc còn lại. Bị cáo Quốc thừa nhận, nếu không phải dùng axit tẩy rửa, giá sẽ tăng lên khoảng 10 đến 12 triệu đồng. Nhưng đổi lại, sẽ không có một bệnh nhân nào phải tử vong bởi sự cố này. 

Tiếp đó, luật sư Lê Văn Thiệp đặt câu hỏi với đại diện Công ty Thiên Sơn về việc sau khi trúng thầu lại “bán thầu” cho công ty Trâm Anh, liệu như vậy có vi phạm luật đấu thầu. Trả lời câu hỏi này, đại diện công ty Thiên Sơn cho biết, việc ký hợp đồng với công ty Trâm Anh là nhằm thực hiện hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình. Việc có vi phạm luật hay không thì không thể xem xét trong phạm vi vụ án này.

Ông Thiệp tiếp tục hỏi: “Bà có ý kiến gì nếu chúng tôi kiến nghị điều tra hành vi tham nhũng của ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Anh Tuấn (giám đốc công ty Thiên Sơn). Vị đại diện trả lời, vụ việc xảy ra là do những người ở Bệnh viện đã sử dụng hệ thống khi đang trong quá trình sửa chữa, khiến công ty Thiên Sơn cũng rất bức xúc. Ngoài ra, đại diện công ty Thiên Sơn cũng đề nghị không đưa hình ảnh tại tòa.

Trước đó, đã có nhiều thông tin cho thấy, ông Trương Quý Dương kí hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa với công ty Thiên Sơn với giá suýt soát 100 triệu đồng. Việc kí hợp đồng này bị đặt nghi vấn để tránh phải báo cáo lên Sở Y tế, lãnh đạo bệnh viện có thể tự quyết. Công ty Thiên Sơn tiếp tục thuê công ty Trâm Anh thực hiện hợp đồng với giá chưa đến 50 triệu đồng. Từ đó, khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự khuất tất trong bản hợp đồng này. Liệu có phải chỉ vì tiết kiệm 10-12 triệu đồng mà khiến cho nhiều người phải mất mạng hay không?

Xet xu vu tai bien chay than: Hoang Cong Luong khang dinh minh vo toi
Bị cáo Hoàng Công Lương khẳng định mình không có tội

Cũng trong phiên tòa này, đến phần trả lời của bị cáo Hoàng Công Lương, vị bác sĩ này đã khẳng định rằng nguyên nhân gây ra cái chết của 8 nạn nhân không liên quan đến chuyên môn và trách nhiệm của mình.

Sau khi sự cố xảy ra, hội đồng chuyên môn cũng đã họp và kết luận bác sĩ và điều dưỡng đã làm đúng chuyên môn của mình. Nguyên nhân xảy ra vụ việc là do tồn dư hóa chất trong hệ thống lọc nước, không liên quan đến chuyên môn của bác sĩ và điều dưỡng.

“Bị cáo học về chuyên môn khám chữa bệnh, mục đích là cứu chữa bệnh nhân, không phải để giết bệnh nhân”, bị cáo Lương nói.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI