Xét xử Vũ 'nhôm' và hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Dự án giá trị 4.788 tỉ được bán đi với giá 87 tỉ

04/01/2020 - 18:23

PNO - Phiên tòa chiều nay tiếp tục với phần thẩm vấn với 2 cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng về các hành vi hỗ trợ Vũ "nhôm" thâu tóm đất công sản.

Chiều 4/1, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến vụ thâu tóm đất công sản tại thành phố Đà Nẵng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng.

Trong phần trả lời thẩm vấn, bị cáo Văn Hữu Chiến – Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2011 – 2014) bị cáo buộc đã ký quyết định thu hồi, giao cho Công ty xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) 29ha tại khu đô thị quốc tế Đa Phước mà không thông qua đấu giá.

Quyết định này thể hiện rằng, Công ty xây dựng 79 có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất được quy định tại thỏa thuận nguyên tắc ngày 16/11/2006 với số tiền là 87 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất theo giá thị trường của dự án tại thời điểm giao đất là hơn 4.788 tỉ đồng, theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương.

Bị cáo Văn Hữu Chiến
Bị cáo Văn Hữu Chiến

Trả lời đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bị cáo Chiến cho biết mình không phải người quyết định việc chuyển nhượng. Bị cáo chỉ ký sau khi thông qua 2 cơ quan giúp việc tham mưu. Về việc bán dự án giá rẻ gây thiệt hại cho Nhà nước, cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, giá 87 tỉ cũng do các cơ quan tham mưu trình lên giá đó nên đã ký.

Tiếp đó, Hội đồng xét xử yêu cầu cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2006-2011, ông Trần Văn Minh lên trả lời thẩm vấn. Ông Minh được xác định đã ký các công văn, quyết định trái với các quy định của Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, Quyết định 09/2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và các quy định của pháp luật về đất đai.

Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo liên tục khẳng định mình đã làm đúng quy trình, quy định của Nhà nước. Việc giảm 10% giá đất là đã tiết kiệm cho Nhà nước vì theo Nghị định 38 của Chính phủ ban hành năm 2000, với nhà đầu tư nộp tiền một lần có thể giảm 20% tiền sử dụng đất. Việc bán chỉ định không qua đấu thầu cũng đúng quy định do đất chưa giải phóng mặt bằng, không có nhà đầu tư nào tham gia.

Bị cáo Trần Văn Minh
Bị cáo Trần Văn Minh

Tuy nhiên, tại phiên xét xử hôm nay, Giám định viên Bộ Xây dựng cho biết Nghị định 38 đã hết hiệu lực vào tháng 10/2004. Như vậy thời điểm ông Minh ký quyết định, phải áp dụng theo Nghị định 61 của Chính phủ và Quyết định 09/2007 của Thủ tướng như cáo trạng đã nêu.

Giám định viên cũng chỉ ra các điều kiện để được bán chỉ định không thông qua đấu thầu. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện mà giám định viên nêu thì việc bán chỉ định là trái quy định.

Liên quan đến các vấn đề nói trên, Trần Văn Minh cho biết: “Khi thanh tra Chính phủ vào thanh tra cũng đặt vấn đề giảm giá 10% này là vi phạm và UBND TP. Đà Nẵng có giải trình. Sau đó Bộ Chính trị sau đó có thành lập đoàn kiểm tra để xem xét cho khách quan. Ủy ban kiểm tra có báo cáo, trong đó phân tích, nói có sai sót, nhưng cũng có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả”.

Bị cáo cho biết, việc giảm 10% được nhận định là hiệu quả nhưng không xin ý kiến Trung ương. Nghị quyết Trung ương cho Đà Nẵng hưởng quy chế đặc thù, nhưng việc không xin phép là sai sót.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI