Theo luật sư báo chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Trương Quý Dương có nhiều lời khai về hợp đồng với công ty Thiên Sơn. Hơn nữa, khi vụ việc xảy ra, hiện trường vụ án có sự thay đổi, Quốc khai rằng do ông Đỗ Anh Tuấn – GĐ công ty Thiên Sơn chỉ đạo lau chùi bằng nước raven. Luật sư yêu cầu triệu tập bắt buộc ông Dương và ông Tuấn tham dự phiên tòa.
|
Ông Trương Quý Dương - cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình |
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn cũng đề nghị triệu tập thêm ông Trần Văn Thắng, trưởng phòng vật tư và ông Trần Thanh Kiếm, người từng công tác ở đây để làm rõ việc phân công nhiệm vụ cho thân chủ mình.
Còn theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung – người bảo vệ cho gia đình nạn nhân cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với các đồng nghiệp về việc triệu tập bắt buộc ông Trương Quý Dương. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, người chịu trách nhiệm trực tiếp gây ra cái chết cho các nạn nhân là người kí hợp đồng cũng cấp vật tư, sản phẩm y tế”.
Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Danh Huế, người đại diện cho BVĐK Hòa Bình còn đề nghị triệu tập ông Nguyễn Bá Thọ, người từng tham gia thầu một thời gian dài tại bệnh viện, ông này cũng có mặt trong đăng kí kinh doanh của Công ty Thiên Sơn. Việc triệu tập ông Thọ để làm rõ việc khách quan trong đấu thầu sửa chữa hệ thống nước.
Cáo trạng xác định, Quốc trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của đơn nguyên thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axitclohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc. Hai loại hoá chất trên không có trong danh mục được dùng trong y tế.
|
Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên tòa |
Cơ quan điều tra xác định, quá trình thao tác do cẩu thả đã để tồn dư 1 lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước, đồng thời khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn nhưng ngày 29/5/2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Bị can Sơn, người được giao kiểm tra, giám sát việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sơn không trực tiếp có mặt để giám sát. Khi giao nhận qua điện thoại vào chiều 28/5/2017, Sơn biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng lại giao cho điều dưỡng viên của đơn nguyên thận nhân tạo. Sơn cũng không báo cáo lãnh đạo phòng và sáng 29/5 để mặc cho đơn nguyên thận đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cáo trạng cũng xác định bác sĩ Hoàng Công Lương được giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo. Ngày 20/4/2017, Lương thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất và biết rõ việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 diễn ra vào ngày 28/5/2017.
Theo cáo buộc, với trình độ, nhận thức vai trò và trách nhiệm được giao, bị can Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định. Nhưng sáng 29/5/2017, khi nghe điều dưỡng viên nói về việc Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong, Lương đã không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo trách nhiệm được giao.
Lương sau đó ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người tử vong, 10 bệnh nhân đã điều trị và phục hồi.
Các bị can và các bên liên quan đã nộp số tiền tổng cộng 740 triệu đồng chuyển cho Cơ quan thi hành án dân sự. Trong đó, đại diện gia đình bị can Bùi Mạnh Quốc tự nguyện nộp 50 triệu đồng, đại diện gia đình bị can Trần Văn Sơn tự nguyện nộp 30 triệu đồng. BVĐK hỗ trợ số tiền ban đầu cho 8 nạn nhân tử vong là 20 triệu đồng/người và 2 triệu đồng/người với 10 bệnh nhân còn lại. BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn còn nộp số tiền 660 triệu đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.
Đại diện VKS cho biết đối với các cá nhân liên quan bao gồm ông Trương Quý Dương – cựu GĐ BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông Hoàng Đình Khiếu – Phó GĐ kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực, ông Trần Văn Thắng – trưởng phòng vật tư và ông Đỗ Anh Tuấn – GĐ Công ty Thiên Sơn, trong quá trình điều tra, xác định không đủ căn cứ để xử lý về trách nhiệm hình sự nên CQCSĐT không đề cập đến việc xử lý hình sự là có căn cứ.
Đại diện của các gia đình nạn nhân cho biết, việc ông Dương vắng mặt thể hiện sự vô trách nhiệm của một người đứng đầu bệnh viện khi sự việc xảy ra.
Sau khi nhận được một số thông tin, ông Trương Quý Dương đang ở Canada khi phiên xét xử sơ thẩm lần đầu diễn ra, phóng viên đã liên hệ với gia đình ông này để biết thêm thông tin. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền (vợ ông Dương) cho biết, ông Dương đã rời khỏi Việt Nam để sang Canada thăm con từ đầu tháng 4. Chuyến đi này của ông Dương sẽ kéo dài 2 tháng, dự kiến đầu tháng 6, ông Dương sẽ trở về Việt Nam.
Khi được hỏi về việc ông Dương trốn tránh tham dự phiên tòa, bà Hiền cho biết: “Chồng tôi đã đi trước khi nhận được giấy triệu tập của tòa án nên phải xin vắng mặt có lý do. Nhiều thông tin cho rằng ông ấy trốn tránh là không đúng. Hơn nữa, một số thông tin đăng tải những bức ảnh cũ, cho rằng gia đình tôi đã ra nước ngoài hết cũng không đúng sự thật. Tôi phải ở nhà trông cháu với mẹ chồng đã cao tuổi, còn chồng tôi đi Canada để thăm con tôi mới đẻ. Do tới đầu tháng 6, ông ấy mới về nên chắc chắn phiên tòa ngày mai, chồng tôi không thể tham dự”.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng không nói thêm về việc, người nhà nạn nhân cho rằng ông Dương thiếu trách nhiệm khi không có mặt tại các buổi thỏa thuận và cũng không có một lời xin lỗi với gia đình nạn nhân. Bà Hiền chỉ chia sẻ: “Sự việc này xảy ra chẳng ai mong muốn, chồng tôi cũng bị mất chức rồi, nghỉ hưu rồi nên đi đâu là quyền của ông ấy. Nhà tôi cũng rất là nhiều việc chứ không phải chỉ ngồi đợi tòa. Nếu tòa có báo, chúng tôi không đến là một chuyện, nhưng đây ông ấy không biết”.
Được biết, chính ông Trương Quý Dương là người ký hợp đồng cung cấp vật tư để sửa hệ thống lọc nước RO với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn. Bản hợp đồng trị giá gần 100 triệu được chuyển nhượng cho Công ty Trâm Anh (một công ty không có chuyên môn trong việc bảo trì hệ thống này) do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc với số tiền hơn 70 triệu đồng. Nhiều người cho rằng, bản hợp đồng này là một trong những tác nhân chính dẫn đến vụ tai biến chạy thận làm 8 người chết do ngộ độc hóa chất.
Trong kết luận, CQĐT cho rằng không đủ căn cứ để khởi tố hình sự ông Trương Quý Dương nên chỉ xử lý hành chính. Tháng 8/2017, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã cách chức ông Dương vì để xảy ra sự cố này.
Ông Trương Quý Dương khi còn công tác đã liên tiếp nhiều sai phạm. Năm 2001, khi còn làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi, Hòa Bình, ông Dương đã bị cơ quan thanh tra kiểm tra và kết luận vi phạm chính sách về quản lý kinh tế, làm trái quy định, chi tiêu không đúng mục đích và phải bồi thường công quỹ hơn 48 triệu đồng. Ông này bị kiến nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật. Vài tháng sau đó, ông Dương được điều chuyển làm Giám đốc Trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình.
Cuối năm 2004, theo đơn thư tố cáo, Công an tỉnh Hòa Bình đã điều tra xác minh, làm rõ một số sai phạm liên quan đến ông này. Cụ thể, năm 2002, Trung tâm do ông Dương làm Giám đốc bị thâm hụt 172 triệu đồng tiền ngân quỹ do chi sai mục đích, Trong vụ việc này, ông Dương bị kết luận chi ứng sai nguyên tắc trên 113 triệu đồng. Sau vụ việc này, ông Dương lại được điều chuyển lên làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trên cương vị này, ông Dương từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rằng có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình không xem xét, xử lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã rút hồ sơ để xem xét xử lý kỉ luật theo thẩm quyền.
|
An Vũ