Xét xử vụ cán bộ Thanh tra Chính phủ làm lộ bí mật nhà nước

16/08/2013 - 16:32

PNO - Sáng 16/8, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” ra xét xử.

  Hai bị cáo là Trần Anh Hùng (56 tuổi, trú ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa, Giám đốc Công ty Dịch vụ Thương mại hàng hải Tam Đảo) và Nguyễn Mạnh Hà (37 tuổi, trú Q.Ba Đình, Hà Nội, nguyên là thanh tra viên Cục II - Thanh tra Chính phủ).

Theo cáo trạng, ngày 18/6/2010, Thanh tra Chính phủ lập đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo, khiếu nại của công dân đối với dự án khu đô thị mới Phước Long (DAPL), thuộc P.Phước Long, TP.Nha Trang, Khánh Hòa.

Xet xu vu can bo Thanh tra Chinh phu lam lo bi mat nha nuoc

Bị cáo Hùng (phải) và Hà (trái) tại phiên tòa.

Lợi dụng mối quan hệ quen biết với Nguyễn Mạnh Hà, Trần Anh Hùng đã nhờ Hà tìm cách lấy bản dự thảo báo cáo kết luận thanh tra (BCKLTT) của DAPL. Đây là tài liệu mật trong ngành thanh tra.

Sau khi lấy được bản dự thảo này, ngày 28/10/2010, Nguyễn Mạnh Hà gửi cho Trần Anh Hùng, để Hùng phát tán cho nhiều người, lấy nội dung của bản thảo làm đơn tố cáo, vu khống nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa và TP.Nha Trang.

Theo lời khai của bị cáo Hùng, do có quen biết với Hà từ năm 2007 trong đợt thanh tra dự án Sông Lô, TP.Nha Trang, Hùng điện thoại cho Hà thì biết Hà có bản dự thảo BCKLTT DAPL. Lúc đó, Hà gợi ý: “Anh Hùng có muốn xem không, em gửi cho?”.

Thế nhưng, theo lời khai của Hà, chính Hùng gọi điện nhờ Hà tìm giúp bản dự thảo này.

Tại tòa, Hùng cho rằng việc mình bị Viện KSND truy tố về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là không đúng. Theo lý giải của bị cáo Hùng, bản tài liệu này không có trang đầu, trang cuối nên không gọi là tài liệu…

Liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra cũng kết luận dự thảo BCKLTT DAPL thuộc quyền quản lý của ông Phạm Hùng, cán bộ Thanh tra Chính phủ, cũng là thành viên đoàn Thanh tra Chính phủ thanh tra DAPL. Cáo trạng kết luận, ông Phạm Hùng có dấu hiệu phạm pháp hình sự do làm mất tài liệu mật.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Phạm Hùng đã hợp tác tốt với cơ quan điều tra; nhân thân ông Hùng tốt và đã bị Thanh tra Chính phủ xử lý về mặt Đảng và chính quyền nên không xem xét hình sự.

Chiều nay phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

DAPL là dự án có nhiều “tai tiếng” tại Khánh Hòa

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, năm 2004, UBND tỉnh Khánh Hòa giao 49 ha đất cho Xí nghiệp tư nhân Lâm Khánh (XN Lâm Khánh) triển khai dự án khu dân cư Sông Tắc (dự án nhóm A), vốn đầu tư trên 709 tỉ đồng và thực hiện từ 2004-2008.

Sau nhiều năm không triển khai, đầu năm 2008, UBND tỉnh cho phép đổi tên thành Dự án Phước Long, giao cho chủ đầu tư mới là Công ty CP đầu tư phát triển nhà và đô thị Nha Trang.

Sau khi có đơn tố cáo, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và có kết luận: Tỉnh Khánh Hòa giao cho XN Lâm Khánh không đủ năng lực thực hiện dự án; tự ý thỏa thuận đầu tư dự án khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ là vượt thẩm quyền và trái quy định; tự ý vận dụng cho XN Lâm Khánh được hưởng ưu đãi đầu tư trái với Nghị định 71/2001/NĐ-CP của Chính phủ là tùy tiện, sai nguyên tắc. Trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, UBND tỉnh, UBND TP.Nha Trang và các sở, ngành liên quan của tỉnh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý về đất đai và quản lý đầu tư, xây dựng...

Ngoài ra, kết luận còn kiến nghị hình thức kỷ luật đối với bà Lê Thị Mai Loan, Chủ tịch UBND P.Phước Long trong việc ký hợp đồng nhận tiền của chủ đầu tư; điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm về việc làm giả giấy tờ đối với ông Lê Đức Thuyết, cán bộ Quản lý đô thị phường…

Hiện nay, bà Loan lại được bổ nhiệm làm Trưởng phòng LĐ-TB-XH TP.Nha Trang, ông Thuyết được điều động lên làm việc tại Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Nha Trang.

Theo Hiền Lương (Thanh Niên Online)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI