Điều đáng nói, trong phiên tòa này, có những tình tiết khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi.
Không thể quy trách nhiệm cho bác sĩ Lương
Trong phiên tòa, một lần nữa, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương và Giám đốc Công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn đã không có mặt mặc dù có quyền lợi và trách nhiệm trong vụ việc, được tòa gửi giấy triệu tập. Trong phiên tòa bị hoãn ngày 7/5, hai ông này cũng đã vắng mặt.
Trước sự vắng mặt này, các luật sư đại diện cho cả ba bị cáo đều đề nghị tòa án triệu tập bắt buộc với hai nhân vật này. Theo các luật sư, ông Trương Quý Dương là người chịu trách nhiệm trực tiếp khi vụ tai biến xảy ra. Hơn nữa, trước đó, ông này có nhiều khuất tất trong việc luân chuyển cán bộ, tác động đến vụ tai biến này.
Ngoài ra, các luật sư cũng chỉ ra một số điểm đáng nghi vấn trong việc đấu thầu sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Luật sư Nguyễn Danh Huế - người đại diện cho BVĐK tỉnh Hòa Bình - còn đề nghị triệu tập ông Nguyễn Bá Thọ, người từng có thời gian dài tham gia thầu tại bệnh viện đồng thời có tên trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty Thiên Sơn. Việc triệu tập ông Thọ nhằm làm rõ tính khách quan trong đấu thầu sửa chữa hệ thống nước.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15/5 |
Tại phiên tòa này, bác sĩ Hoàng Công Lương bày tỏ sự không đồng ý với cáo trạng của viện kiểm sát cũng như sự vắng mặt của ông Dương và ông Tuấn. Nói về bác sĩ Lương, bác sĩ Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức BVĐK tỉnh Hòa Bình - cho biết: “Tôi không đồng ý với việc buộc tội Lương thiếu trách nhiệm. Phải hiểu rằng, trách nhiệm của một bác sĩ như Lương đến đâu trong vụ việc này.
Vụ việc này cũng như việc chúng tôi sử dụng thuốc cho bệnh nhân, tôi không thể biết thành phần của thuốc thế nào mà chỉ được bàn giao từ khoa dược. Họ cung cấp cho chúng tôi thuốc và đưa ra tác dụng, cách thức sử dụng thì chúng tôi sử dụng. Bác sĩ cũng không có chuyên môn chuyên sâu về dược nên khi gặp trường hợp thuốc có vấn đề, bác sĩ không thể chịu tội”.
Luật sư Lê Văn Thiệp - bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương - cho rằng, việc truy tố trách nhiệm của bác sĩ Lương là không có căn cứ pháp luật và không có một quy định nào để chỉ rõ là bác sĩ Lương đã thiếu trách nhiệm gì để kết tội. Việc bác sĩ Lương ký vào một số giấy tờ chỉ là thủ tục hành chính để quản lý tài sản của khoa và xác nhận phần tài sản đó bị hỏng hóc, như một thủ tục thường thấy.
Trong phiên tòa ngày 15/5, ông Thiệp cũng đề nghị tòa triệu tập đại diện của Bộ Y tế, hội đồng chuyên môn cũng như đại diện phụ trách các vấn đề liên quan đến việc ký các hợp đồng hoặc liên quan đến việc mua sắm tài sản công của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình để làm rõ quy trình.
Bản hợp đồng mờ ám
Đặc biệt, luật sư Lê Văn Thiệp cũng nhấn mạnh vai trò của ông Trương Quý Dương trong vụ việc này và đề nghị tòa phải triệu tập bắt buộc ông này để giải đáp những thắc mắc. Trước đó, ông Thiệp cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình khi để một doanh nghiệp không đủ năng lực, chức năng ngành nghề theo quy định pháp luật bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Đây là mấu chốt của việc gây ra vụ tai biến khiến 8 người chết.
Nhiều thông tin cho thấy, ông Trương Quý Dương đã ký với Công ty Thiên Sơn bản hợp đồng trị giá 99.360.000 đồng. Với những bản hợp đồng dưới 100 triệu đồng, bệnh viện sẽ không phải báo cáo Sở Y tế, đơn vị có thể tự quyết. Từ đó cho thấy, bản hợp đồng này dường như có dấu hiệu “lách luật”. Cụ thể, tại điều 54 về hạn mức chỉ định thầu, Nghị định 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu nêu: “Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên”.
Được biết, ông Trương Quý Dương cũng đã có nhiều sai phạm khi đảm nhiệm các vị trí trước đó. Cụ thể, vào năm 2001, khi còn làm Giám đốc Trung tâm Y tế H.Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, ông Dương đã bị cơ quan thanh tra kiểm tra và kết luận vi phạm chính sách về quản lý kinh tế, làm trái quy định, chi tiêu không đúng mục đích và phải bồi thường công quỹ hơn 48 triệu đồng, bị kiến nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật.
Sau đó, ông Dương được điều chuyển làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình. Cuối năm 2004, theo đơn thư tố cáo, Công an tỉnh Hòa Bình đã điều tra một số sai phạm liên quan đến ông này. Năm 2002, trung tâm do ông Dương làm giám đốc bị thâm hụt 172 triệu đồng tiền ngân quỹ do chi sai mục đích.
Trong vụ việc này, ông Dương bị kết luận chi ứng sai nguyên tắc trên 113 triệu đồng. Sau vụ việc, ông Dương lại được điều chuyển lên làm Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trên cương vị này, ông Dương từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rằng, có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình không xem xét, xử lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã rút hồ sơ để xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
An Vũ