Xét xử cựu lãnh đạo Bắc Ninh vụ AIC: Địa phương có thông lệ ngầm khi duyệt thầu doanh nghiệp

30/10/2024 - 09:48

PNO - Ông Nguyễn Nhân Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Tử Quỳnh - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, khai rằng tại địa phương trước nay có “thông lệ ngầm” duyệt thầu cho doanh nghiệp.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi chiều tối 29/10, đại diện VKS và 21 luật sư đi sâu vào nhiều tình tiết của vụ án đưa, nhận hối lộ và các sai phạm đấu thầu liên quan cung cấp thiết bị cho 6 bệnh viện tại tỉnh Bắc Ninh.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh trả lời cơ quan công tố nhiều vấn đề về cơ chế "xin" vốn và thỏa thuận đấu thầu trái luật cho 2 doanh nghiệp có quen biết từ trước. Theo đó, 2 cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thừa nhận "kế thừa thông lệ ngầm tại địa phương" rằng trước đến nay, doanh nghiệp xin được vốn cho tỉnh thì sẽ trúng thầu.

Theo cáo buộc, năm 2013, Bắc Ninh vừa xây xong 6 bệnh viện huyện thì hết vốn mua sắm thiết bị, máy móc. Thời điểm này, 2 doanh nghiệp là Công ty Sông Hồng do bị cáo Lã Tuấn Hưng làm Tổng giám đốc và Công ty AIC do Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT, cùng xuất hiện đặt vấn đề sẽ "xin" ngân sách chính phủ cho tỉnh mua thiết bị. Song, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi đó phải cho 2 công ty này đấu thầu bán thiết bị.

Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Thế có phải giai đoạn năm 2013-2015, cứ doanh nghiệp nào xin được vốn là trúng thầu phải không?", cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh đáp: "Đây là một thông lệ ở Bắc Ninh từ khoảng năm 2006 nên thế hệ sau thực hiện theo".

Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi thông lệ này ai đặt ra, ông Quỳnh chỉ trả lời chung là lãnh đạo đời trước, được truyền đạt bằng lời trong các cuộc họp chứ không có văn bản nào.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Chi Mai
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: Chi Mai

Đến phần cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến trả lời thẩm vấn, ban đầu bị cáo phủ nhận "thông lệ" ai xin vốn được cho tỉnh, sẽ được trúng thầu. Tuy nhiên, khi luật sư lật lại vấn đề "có xác nhận có cái thông lệ này không?", ông Chiến cho biết: "Đây là thông lệ đã qua nhiều thời kỳ, tuy không có văn bản, chúng tôi nghe nói với nhau, vì các địa phương khác cũng làm thế. Nhưng dù thế nào, tôi chấp nhận thỏa thuận vì cả nể, thì vẫn là sai".

Giải thích lý do cho sự cả nể này, ông Chiến cho rằng "AIC rất mạnh về quyền lực và ảnh hưởng chính trị, cũng có công lao với không chỉ Bắc Ninh mà còn nhiều địa phương khác. Thực sự, rất khó từ chối".

Đây là vụ án thứ tư bà Nhàn bị xét xử vắng mặt do liên quan đấu thầu thiết bị y tế. Ngoài Bắc Ninh, nhiều cựu cán bộ của các tỉnh thành: Quảng Ninh, TPHCM, Đồng Nai cũng vướng lao lý vì "tiếp tay" cho AIC.

Sáng nay 30/10, TAND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và các bị cáo trong vụ án liên quan Công ty AIC.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI