edf40wrjww2tblPage:Content
5 bị cáo tại phiên toà
Đề nghị cho 4/5 bị cáo hưởng án treo
Đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa đọc bản luận tội, khẳng định hành vi của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành dùng gậy cao su đánh vào đầu Ngô Thanh Kiều gây chấn thương sọ não là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết. Hậu quả chết người là đặc biệt nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm, cách ly khỏi xã hội một thời gian nhất định để giáo dục bị cáo. Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy đã dùng gậy cao su đánh nhiều, làm nạn nhân bị đa chấn thương phần mềm nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung về thương tích trên người Ngô Thanh Kiều và cần được xử lý nghiêm.
Đại diện Viện KSND đề nghị xử phạt Nguyễn Thân Thảo Thành từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù về tội dùng nhục hình; xử phạt Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang từ 18 đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; xử phạt Đỗ Như Huy từ 12 đến 18 tháng tù, cho hưởng án treo.
Đền nghị này đã khiến khán phòng xì xào bàn tán.
Có bỏ lọt tội phạm?
LS Nguyễn Văn Thắng - một trong hai người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, nói: Hai cáo trạng (số 56, ra ngày 28/4/2013 và số 64, ra ngày 22/5/2013) của Viện KSND TP Tuy Hòa có nội dung giống hệt nhau, khác biệt duy nhất là 4 bị cáo được cho tại ngoại (Quyền, Mẫn, Quang và Huy) được chuyển từ khoản 2 xuống khoản 1 Điều 298 Bộ luật Hình sự.
LS Thắng yêu cầu HĐXX không sử dụng bản giám định pháp y số 91 làm chứng cứ buộc tội vì có quá nhiều điều phi lý. Điển hình của sự phi lý đó là tinh hoàn nạn nhân bị tụ máu, được bảo quản trong phooc-môn 10% và đã hoại tử mà cơ quan giám định pháp y vẫn kết luận là không tụ máu. LS Nguyễn Văn Thắng nói: Theo lời khai của 5 bị cáo, tổng cộng họ đã dùng dùi cui đánh anh Ngô Thanh Kiều hơn 20 cái. Tuy nhiên, trên tử thi nạn nhân có đến hơn 70 dấu vết. Vậy còn 50 dấu vết kia do ai tạo ra?
Vị luật sư này còn dẫn lời khai của các bị cáo, rằng anh Ngô Thanh Kiều ngồi trên ghế, mặt quay về hướng bắc, đầu sát tường. Như vậy, 4 bị cáo khai chỉ đánh vào chân anh Kiều là không đúng sự thật, vì trước mặt anh Kiều là cái bàn, chân để trong gầm bàn. “Các bị cáo có chui xuống gầm bàn để đánh hay không? Điều gì giúp dùi cui có thể xuyên qua mặt ghế, đánh vào mông nạn nhân để mông có dấu vết?” - LS Thắng đặt câu hỏi. Hơn nữa, bìu tinh hoàn nạn nhân sưng đỏ, căng tròn. Nếu nạn nhân ngồi trên ghế thì không thể có dấu vết này. Điều đó cho thấy Viện KSND TP Tuy Hòa bỏ sót nhiều chứng cứ, bỏ lọt tội phạm.
Đến lượt mình, LS Lê Ngọc Hoàng chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai của Hà Văn Đại - nhân chứng trực tiếp và duy nhất khai nhìn thấy Thành đánh Kiều: Trần Khải Hoàn khai sau khi ăn cơm từ 12 giờ đến 12 giờ 20 thì vào phòng và gặp Hà Văn Đại đi ra khỏi phòng. Đại đi ra thì làm sao nhìn thấy Thành đánh Kiều vào phòng khoảng 13 giờ? “Lời khai của nhân chứng trực tiếp và duy nhất không đảm bảo tính khách quan và hợp pháp?. Thân chủ của tôi (bị cáo Thành) không dùng nhục hình theo quy định tại điều 298 Bộ luật Hình sự”- LS Hoàng khẳng định.
LS Hoàng nói ông chia sẻ với gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều về những thiệt hại, đau thương từ cái chết của nạn nhân, nhưng với chứng cứ yếu ớt, tội danh không rõ ràng mà buộc tội Nguyễn Thân Thảo Thành thì “thân chủ tôi cũng hứng chịu những dùi cui pháp lý”.
Bị cáo Thành tiếp tục khẳng định không dùng dui cui đánh Kiều, người đánh Kiều nhiều cái là Nguyễn Minh Quyền.
Xin lỗi, xin tha thứ
Bị cáo Nguyễn Tấn Quang nói lời xin lỗi gia đình nạn nhân Ngô Thành Kiều và cảm ơn họ đã xin giảm nhẹ tội cho mình trong phiên xử sáng. Sau đó Quang tự bào chữa cho mình, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Đỗ Như Huy cảm ơn gia đình nạn nhân đã xin giảm nhẹ tội cho mình. “Dù pháp luật áp dụng hình phạt như thế nào đối với tôi thì cũng không tương xứng với mất mát của gia đình anh Kiều. Tuy nhiên, bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để kiếm việc làm, góp phần nuôi hai con anh Kiều khôn lớn” - bị cáo Huy vừa khóc vừa nói.
Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn xin lỗi gia đình người bị hại, xin HĐXX tạo điều kiện để bị cáo làm lại cuộc đời và tham gia khắc phục hậu quả.
Bị cáo Nguyễn Minh Quyền cũng xin lỗi gia đình nạn nhân và xin giảm nhẹ hình phạt.
Bằng giọng đanh thép, chị ruột nạn nhân Ngô Thanh Kiều chất vấn: 5 bị cáo đều khai đánh em tôi khi nó đang ngồi trên ghế. Vậy những vết thương trên mông do ai gây ra? Nội tạng bị xung huyết, ai là người gây ra? “Bị cáo Quang khai đã nhìn thấy Lê Hải Phú đạp vào người em tôi lúc nó nằm dưới đất, vậy cơ quan chức năng có bỏ lọt tội phạm không? Ông Lê Đức Hoàn - Phó Công an TP Tuy Hòa chỉ đạo bắt giữ người trái pháp luật, chỉ đạo điều tra xét hỏi từ sáng đến 2 giờ chiều, em tôi bị đánh tả tơi đến hơn 70 dấu vết, ông Hoàn ở đâu mà không hay biết?” - người phụ nữ này đặt ra hàng loạt câu hỏi.
LS Võ An Đôn (Đoàn LS tỉnh Phú Yên) - người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều - cho biết, ông không đồng ý với cáo trạng của Viện KSND TP Tuy Hòa và đặt câu hỏi: “Viện KSND căn cứ vào đâu để truy tố 5 bị can cùng một tội danh nhưng khung hình phạt thì khác nhau?”. LS Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn về 2 tội: bắt giữ người trái pháp luật và dùng nhục hình.
Vị luật sư này xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo có con nhỏ, có bố mẹ già yếu bệnh tật để thể hiện tinh thần nhân đạo, khoan dung.
Đã kỷ luật ông Lê Đức Hoàn
Đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa tranh luận: Viện KSND TP Tuy Hòa truy tố 5 bị can dựa trên những quy định của pháp luật chứ không phải “tưởng tượng ra”. Viện KSND là cơ quan duy nhất ra cáo trạng và có quyền bổ sung, thay đổi cáo trạng. Đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa cũng khẳng định, bản kết luận giám định pháp y là căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này, và việc truy tố 5 bị can về tội dùng nhục hình là hoàn toàn có căn cứ.
Về ông Lê Đức Hoàn, đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa nói: Có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, bắt giữ người trái pháp luật nhưng xét nhiều yếu tố, xét nhân thân của người này, Viện KSND đã đề nghị xử lý kỷ luật và ông Hoàn đã bị cảnh cáo.
Sáng mai (29/3), phiên tòa sơ thẩm sẽ tiếp tục phần tranh luận.
Luật sư Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành) Bản giám định đã bỏ sót ít nhất 8 vết thương trên đầu nạn nhân (trong Bản giám định chỉ có 3 vết thương trên đầu nạn nhân). Điều này trùng hợp kỳ lạ với cáo trạng của Viện kiểm sát cho rằng thân chủ tôi dùng dùi cui đánh lên đỉnh đầu nạn nhân 2- 3 cái). Vấn đề đặt ra ở đây là : Những công cụ nào là đối tượng tác động để tạo ra 3 vết thương diện rộng có kích thước khác nhau, hình dáng khác nhau? Nếu đối tượng tác động là chiếc dùi cui không thể tạo ra được cái gọi là 3 vết thương trên đầu nạn nhân. Còn nếu là dùi cui thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh. Nội dung của Bản giám định pháp y còn có nhiều mâu thuẫn thể hiện tính không chân thực, khách quan của mẫu gửi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm trái ngược với nội dung ghi trong bản giám định pháp y và các tài liêu khác có trong hồ sơ vụ án. |
BẰNG LĂNG