PNO - PNO - Sáng 27/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 công an dùng nhục hình khiến anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) tử vong càng trở nên “gay cấn”, khi bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành phủ nhận cáo buộc...
edf40wrjww2tblPage:Content
Phiên xử sáng 27/3
Quanh co, chối tội
Trước vành móng ngựa, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (cựu thiếu úy, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa, bị truy tố về tội dùng nhục hình, theo quy định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù) khai: Thành được Nguyễn Trần Nguyên Phúc phân công canh giữ anh Ngô Thanh Kiều. Khoảng 11 giờ 30 ngày 13/5/2012, Thành vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp. Lúc này, Kiều đang ngồi, hai tay bị còng. Nguyễn Tấn Quang đứng đối diện Kiều, còn Phạm Ngọc Mẫn và Nguyễn Minh Quyền đứng phía sau Kiều. Một trong hai người (Mẫn hoặc Quyền) đã đạp vào lưng Kiều. Sau đó, Nguyễn Trần Nguyên Phúc gọi Thành đi ăn cơm, trong phòng còn Mẫn và Quyền làm việc với Ngô Thanh Kiều.
Bị cáo Thành cho biết, cùng ăn cơm với Thành tại tiền sảnh khi đó còn có Hà Văn Đại, Nguyễn Trần Nguyên Phúc và một số người khác. Khoảng 12 giờ 20, Thành trở lại phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp, kêu Mẫn ra ăn cơm để Thành tiếp tục canh giữ Kiều. Lúc đó, trong phòng có Mẫn, Quyền với Ngô Thanh Kiều.
Cũng theo lời khai của Nguyễn Thân Thảo Thành, bị cáo thấy Quyền dùng gậy cao su vụt liên tục vào người Kiều. Khi Thành canh giữ, thấy Kiều cứ gục mặt xuống, Thành hỏi nhưng người bị bắt không trả lời. Thành cầm gậy cao su định đánh nhưng Kiều van xin: “Anh đừng đánh em nữa, sáng giờ em bị đánh bầm dập rồi”. Vì vậy Thành không đánh và cho Kiều uống nước, theo đề nghị của người bị bắt.
Người thân của bị hại Ngô Thanh Kiều tham dự phiên tòa
Lẫn trong lời khai của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là tiếng khóc tức tưởi, uất nghẹn của chị Ngô Thị Tuyết - chị ruột Ngô Thanh Kiều. Sau đó, không kìm được xúc động, người phụ nữ này tạm rời phòng xử án.
Thành khẳng định nhìn thấy Quang, Quyền đánh Kiều, còn Thành không xét hỏi, không đánh. “Tôi chỉ là người canh giữ, không tham gia chuyên án, không biết vụ án đó như thế nào nên không xét hỏi Kiều” - bị cáo Thành giải thích. Khoảng 14 giờ cùng ngày, Thành trở lại phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp, thấy Mẫn đứng sau lưng Ngô Thanh Kiều, Quang đứng đối diện, còn Kiều nằm dưới đất. Quang đã mở còng cho anh Kiều.
Trong 5 bị cáo ra trước vành móng ngựa, Thành là người duy nhất “trả treo”. Khi đại diện VKS hỏi về một số chi tiết trong căn phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp, Thành đáp: “Bị cáo xin không trả lời câu hỏi này, vì kiểm sát viên thử thách trí nhớ của bị cáo”. Nữ kiểm sát viên nhẹ nhàng đáp: “Đây không phải thử thách trí nhớ mà hỏi về hiện trường vụ án, nếu bị cáo không nhớ thì trả lời là không nhớ”.
Trước câu hỏi về việc có biết bị cáo nào đánh vào đầu anh Kiều gây chấn thương sọ não, Thành nói: “Bị cáo không biết. Trong số những người ngồi dưới kia (ý nói 4 bị cáo Mẫn, Quang, Quyền và Huy - PV) có người biết nhưng người ta không khai”.
Luật sư Võ An Đôn (bảo vệ cho bị hại) hỏi: “Các bị cáo khác khai đánh Kiều mấy cái nhưng Kiều không kêu la, vậy mà khi bị cáo Thành giơ dùi cui dọa đánh thì Kiều lại kêu la và van xin đừng đánh, sao lại như vậy?”. Thành trả lời ngay: “Những bị cáo khác khai không đúng. Ai bị đánh mà không kêu la? Bây giờ đánh luật sư thử luật sư có la không?”. Một số người dự phiên tòa đã bật cười khi nghe bị cáo Thành “lý sự”.
Tòa yêu cầu bị cáo Nguyễn Minh Quyền ra trước vành móng ngựa đối chất với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành về thời gian ra - vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp và chi tiết đánh anh Kiều tới tấp. Bị cáo Quyền xin “đính chính” lại lời khai của mình trong ngày đầu của phiên tòa (26/3), đồng thời phủ nhận đã dùng dùi cui đánh anh Kiều tới tấp.
Lời khai nhân chứng: Mâu thuẫn
Nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) khai: Khi Hoàn vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp thì Quang, Quyền, Mẫn đang xét hỏi Kiều. Trong phòng còn có một số người trong đơn vị. Khoảng 5-10 phút sau, Đại đi ra. Hơn 12 giờ trưa cùng ngày, Đại ăn cơm tại tiền sảnh, lúc đó có khoảng 10 người, trong đó có Quyền, còn Mẫn ra sau khoảng 5-10 phút. Trong khoảng thời gian đó, Đại không thấy Nguyễn Thân Thảo Thành.
Lời khai này mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng Hà Văn Đại trong hồ sơ vụ án, rằng khoảng 11g30, Đại ăn cơm tại tiền sảnh với khoảng 10 người, trong đó có Phúc, Thành. Cũng trong lời khai tại hồ sơ, Đại cho biết có nghe tiếng kêu la. Tuy nhiên trước tòa, Đại nói trong lúc ăn thì không nghe nhưng khi ăn xong, có Quyền, Mẫn ra ngồi cùng thì nghe tiếng kêu la. Ăn cơm xong, Đại xuống đội Trật tự ở phòng dưới để ngủ trưa và vẫn nghe tiếng kêu la.
Hai LS bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành
Đại diện Viện KSND hỏi về sự mâu thuẫn trong lời khai của Đại. Nhân chứng này này nói rằng lúc trước, do bị hỏi bất ngờ nên không nhớ chính xác. Luật sư Nguyễn Văn Thắng - một trong hai người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành - chất vấn: Điều tra viên mời anh đến làm việc, mà sao lại nói là bị hỏi bất ngờ? Nhân chứng Hà Văn Đại khai tận mắt thấy Thành cầm dùi cui đánh anh Kiều 2-3 cái, nhưng không thấy chính xác là đánh vào đâu.
Nhân chứng Trần Khải Hoàn (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) khai: Khi Hoàn vào phòng làm việc của đội Điều tra tổng hợp, thấy có Thành, Đại và người bị bắt. Lúc đó Đại đang ngồi trên ghế, Thành ngồi trên bàn. Lời khai này mâu thuẫn với lời khai của Hoàn trong hồ sơ vụ án, rằng Hoàn gặp Đại tại cửa phòng làm việc. Nhân chứng Khải Hoàn khai trước tòa, chỉ vào phòng trong chốc lát nên không thấy những gì bất thường xảy ra ở đó.
Về thời điểm ăn cơm, Khải Hoàn khai có Phúc và một số cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; không nhớ có Đại, Thành hay không, cũng không nhớ có Mẫn và Quyền. Trong lúc ăn cơm, Hoàn nghe tiếng kêu la nhưng không biết là tiếng kêu la của ai.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.