Xét tuyển đại học: Nhiêu khê không đáng có

08/08/2018 - 06:05

PNO - Nếu tổ chức nhiều đợt xét tuyển và các trường không xét tuyển cùng thời điểm thì chắc chắn sẽ không có “ảo” và không phải rối mù “lọc ảo” như hiện nay.

Lọc 10 lần, vẫn “ảo”

Theo cách đó, thí sinh cũng chẳng phải vội tham gia xét tuyển mà có thời gian “xả hơi” sau 12 năm học hành, thậm chí có thể đi chơi xa hoặc tranh thủ đi làm kiếm tiền trước khi vào học đại học (ĐH). Chẳng khó để thực hiện phương án này, nhất là khi các trường ĐH Việt Nam từ lâu đã chuyển sang đào tạo theo tín chỉ.

Xet tuyen dai hoc: Nhieu khe khong dang co
Một mùa thi nhẹ nhàng luôn là mong ước của thí sinh

Theo quy chế, thí sinh được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng nên tỷ lệ “ảo” lớn là không tránh khỏi. Điều này khiến các trường gặp khó khăn trong việc xác định điểm chuẩn cho tương đối chính xác, tránh được tình trạng đưa ra điểm chuẩn quá cao (sẽ không có người học) hoặc quá thấp (số người vào học vượt quá chỉ tiêu). Để xác định được điểm chuẩn, các trường buộc phải chờ “lọc ảo”.

Vì thế, năm nay, trước khi xác định điểm chuẩn, các trường ĐH phải chờ Bộ GD-ĐT hoàn tất quy trình “lọc ảo” trong ba ngày (từ ngày 3-5/8) trên một phần mềm đặc biệt, mỗi ngày chạy hai lần. Sau đó, nhóm 54 trường phía Bắc mỗi ngày lọc thêm 4 lần, nhóm các trường phía Nam cũng lọc thêm 10 lần nữa. 

Theo nguyên tắc, các trường sẽ thực hiện xét tuyển theo nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký. Phần mềm xét tuyển sẽ giúp các trường xác định thí sinh trúng tuyển theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên cao nhất. Khi thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng nào đó thì những nguyện vọng còn lại sẽ tự động bị hủy. 

Vào cuối buổi sáng và buổi chiều mỗi ngày, các trường sẽ “đẩy” dữ liệu trở lại hệ thống để Bộ GD-ĐT tiếp tục “lọc ảo”. Trong ba ngày xét tuyển, bộ thực hiện “lọc ảo” sáu lần, trước khi trả dữ liệu về để các trường có căn cứ xác định điểm chuẩn tương ứng với chỉ tiêu. 

Những tưởng quy trình “lọc ảo” như vậy sẽ rất kín kẽ, nhưng thực tế thì “ảo” vẫn… còn, bởi như một chuyên gia nhận xét: phần mềm “lọc ảo” chỉ có tác dụng với phương án xét điểm thi THPT quốc gia chứ không thể thỏa mãn được cho công tác tuyển sinh. Hầu hết các trường tư thục và công lập tốp dưới đều có xét tuyển bằng học bạ. Trường tốp trên thì có thêm thi đánh giá năng lực riêng, ưu tiên xét tuyển… Cho nên, có khi quy trình “lọc ảo” chưa xong thì thực tế đã thay đổi. 

“Sáng giờ, quá nhiều phụ huynh gọi hỏi, tôi lỡ nộp hồ sơ của con vào các trường ĐH tư thục khi bên đó thông báo xét học bạ. Giờ có tên trúng tuyển trường công thì phải làm sao để rút hồ sơ? Họ giữ luôn phiếu điểm nên giờ không có để nộp vào xác nhận bên trường mình.

Những trường ĐH xét tuyển học bạ chưa kịp đưa thông tin lên cổng thông tin của bộ nên vẫn còn tên thí sinh đã trúng tuyển để các trường xét tuyển lần nữa, tỷ lệ “ảo” là không nhỏ. Một vài trường công chủ quan nên lấy bằng điểm sàn xét tuyển cũng chưa đủ chỉ tiêu” - thành viên hội đồng tuyển sinh một trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết.

Quanh năm lo tuyển sinh vẫn không xong

Có thể thấy, quy trình “lọc ảo” để xác định điểm chuẩn vô cùng công phu, tốn rất nhiều công sức của các chuyên gia, nhưng cuối cùng vẫn “ảo” hàng loạt. Nguyên do của vấn đề là vì chúng ta vẫn loay hoay với những vấn đề kỹ thuật mà chưa có phương án tuyển sinh tối ưu. Rõ nhất là việc cho phép (cũng là bắt buộc) thí sinh đăng ký nguyện vọng (có thể đăng ký rất nhiều nguyện vọng) mà không biết căn cứ vào đâu (chưa thi, chưa biết điểm), đã khiến số lượt đăng ký nguyện vọng trở nên “ảo tung chảo”. 

Ở khía cạnh khác, chuyện có “ảo” hay không, tuyển như thế nào, tuyển đủ hay không, điểm chuẩn ra sao, là chuyện của các trường ĐH. Nếu bộ không làm thay mà để từng trường tự lo việc tuyển sinh thì “ảo” chắc chắn sẽ không xảy ra ở quy mô lớn như hiện nay. Nếu tổ chức nhiều đợt xét tuyển và các trường không xét tuyển cùng thời điểm thì chắc chắn sẽ không có “ảo” và không phải rối mù “lọc ảo”.

Theo cách đó, thí sinh cũng chẳng phải vội tham gia xét tuyển mà có thời gian “xả hơi” sau 12 năm học hành, thậm chí có thể đi chơi xa hoặc tranh thủ đi làm kiếm tiền trước khi vào ĐH. Chẳng khó để thực hiện phương án này, nhất là khi các trường ĐH Việt Nam từ lâu đã chuyển sang đào tạo theo tín chỉ.

Một vị phó phòng đào tạo cho biết: “Thí sinh xét điểm thi không được tự do như xét học bạ nên các em khá thiệt thòi. Vì để các trường bớt “ảo” nên thí sinh xét điểm phải xét tập trung, phải lựa chọn theo quy định của bộ. Cách làm này không vì thí sinh. Nếu vì các em phải để các em được tự do lựa chọn”. 

Như đã nói, tuyển sinh vốn là chuyện của các trường. Tìm chỗ học phù hợp là nhu cầu của người học. Trong quy trình đào tạo, tuyển sinh cũng chỉ là một mắt xích nhưng các trường ĐH trong nước gần như phải dành 3/4 thời gian trong năm chỉ lo mỗi chuyện tuyển sinh đầu vào.

Mỗi năm học có chín tháng nhưng tuyển sinh phải “chạy” nguyên năm. Trong khi nhiều chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài, chuyện tuyển sinh được thực hiện nhiều đợt trong năm và vô cùng nhẹ nhàng. Ai dám chê đầu vào của họ như vậy là không chất lượng và đầu ra của họ là kém chất lượng? Học tập họ không khó, lại có lợi cho thí sinh, thế nhưng bao năm qua ta cứ loay hoay hết giải pháp này đến giải pháp khác, chẳng khác gì đi vá một chiếc áo đã mục. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI