PNO - Ngày 28/7, Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT đã công bố mức điểm sàn xét tuyển đại học (ĐH) năm 2016 là 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi và tổ hợp môn xét tuyển.
Hàng chục ngàn thí sinh (TS) có tổng điểm thi ba môn dưới sàn sẽ không được xét tuyển vào ĐH bằng điểm thi. Đây là năm đầu tiên Bộ bỏ điểm sàn vào bậc cao đẳng (CĐ), tất cả học sinh tốt nghiệp THPT đều được xét vào CĐ.
"Lọt sàn" xuống... ngoài công lập
Theo phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, D1 của TS đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ (thi tại 70 cụm thi do trường ĐH chủ trì) mà Bộ GD-ĐT công bố, các khối thi D, D1 có điểm trung bình dưới 15, khối C có điểm trung bình xấp xỉ 15, các khối thi còn lại đều có điểm trung bình trên 15. Như vậy, khi xác định điểm sàn là 15, những TS dưới mức điểm này phải “lọt sàn” rơi xuống… ngoài công lập. Trong đó, trượt nhiều nhất là TS khối C và D. Với nguồn tuyển khan hiếm hiện nay, chắc chắn các trường tốp dưới sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu đối với khối C và D. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2016 tăng hơn 20% so với năm 2015, tức cần tuyển hơn 420.000 chỉ tiêu.
Như vậy, “cuộc chiến” giành người học sẽ hết sức căng thẳng. Với tình hình này, nhiều trường ĐH công lập cũng không dám mạo hiểm, chỉ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển tương đương điểm sàn chung. Trong số 19 ngành ở bậc ĐH, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có đến 13 ngành lấy điểm sàn xét tuyển bằng điểm sàn 15 điểm, sáu ngành còn lại cũng chỉ nhỉnh hơn một điểm. Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo của trường dự báo, nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ thấp hơn khoảng hai điểm so với năm trước.
Tương tự, các trường ĐH “chiếu trên” như Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, ĐH Sư Phạm TP.HCM cũng lấy mức điểm sàn xét tuyển bằng sàn chung là 15 điểm. Trường ĐH Sài Gòn đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH là 16 điểm, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng xác định 15 điểm. Một chuyên gia cảm thán: với kiểu sàn này sẽ có hàng ngàn TS điểm từ 15-22 khóc hận. Vì năm rồi trường này lấy... 23 điểm. Một khi các trường đưa ra mức điểm xét tuyển thấp, cái khó bị đẩy về phía người học.
Phụ huynh, thí sinh nêu thắc mắc về phương thức xét tuyển tại Ngày hội xét tuyển do Bộ GD-ĐT và báo Tuổi Trẻ tổ chức hôm 24/7
Khi xét tuyển, TS phải đủ tỉnh táo, trừ hao điểm để chọn trường, dự phòng điểm khá mà vẫn rớt oan. Thống kê nhiều năm cho thấy, điểm chuẩn của những trường ĐH công lập hầu hết đều cao hơn điểm sàn chung. Hiếm hoi có Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển khá cao. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, mức điểm nhận xét tuyển là 19 điểm, cao hơn năm trước một điểm. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lấy 18 và 19 điểm cho các ngành có điểm chuẩn không nhân hệ số; những ngành điểm xét tuyển có nhân hệ số thì điểm môn chính phải đạt từ 5 trở lên…
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Phương thức xét tuyển năm nay khác, khi TS đã nộp hồ sơ vào xét tuyển thì sẽ không được rút ra trước ngày đóng đợt xét tuyển và công bố kết quả. Vì vậy, trường phải xác định ngay mức điểm phù hợp để TS lượng sức khi nhắm đến các trường tốp đầu, tránh việc nhiều em có điểm khá, đủ điều kiện nộp vào nhưng lại trượt NV1”.
"Lận lưng" xét tuyển bằng học bạ
Các trường ĐH “đàn anh” không dám mạo hiểm đồng nghĩa với việc nhóm trường tốp dưới, trường địa phương và trường ngoài công lập sẽ càng khó khăn hơn. Nhiều trường cho biết, chỉ tính riêng nguồn tuyển thì các trường tốp giữa cũng sẽ rất khó tuyển đủ chỉ tiêu. Ngoài ra, với quy định ở đợt xét tuyển đầu tiên mỗi TS được đăng ký vào hai trường, mỗi trường hai ngành, sẽ đẩy con số ảo lên đến 50%. Trường nào không có sức hút với TS thì dù điểm trúng tuyển có bằng điểm sàn cũng không thoát khỏi nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu.
Để cạnh tranh với các trường tốp trên, ngoài việc xác định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn chung, hầu hết các trường ĐH ngoài công lập, ĐH địa phương đều phải “lận lưng” phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT để rộng thêm nguồn tuyển. Đây cũng là lối thoát để những TS “lọt sàn” có thể vào được giảng đường ĐH. Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: “Trường xác định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia là 15 điểm cho tất cả các ngành ở bậc ĐH. Phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ lấy mức điểm trung bình cộng theo tổ hợp môn từ 6 trở lên.
Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM đưa ra mức xét tuyển bằng điểm thi từ 15-16 điểm và mức điểm xét bằng học bạ là 18 điểm trở lên. Tương tự, Trường ĐH Văn Hiến ngoài xét tuyển bằng kết quả thi từ 15 điểm cho các khối thi, còn xét thêm điểm học bạ từ 18 điểm trở lên. Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng xác định mức điểm xét tuyển bằng kết quả thi là 15 điểm cho tất cả các ngành, riêng ngành dược là 16 điểm; mức điểm học bạ là 19 điểm cho ngành dược, các ngành còn lại là 18 điểm…
Theo quy chế xét tuyển, từ ngày 1/8 đến 12/8, TS sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường. Trong đợt 1 xét tuyển, mỗi TS được nộp vào hai trường, mỗi trường hai ngành học. Theo các chuyên gia tuyển sinh, TS nên thận trọng chọn một trường yêu thích và một trường thường có điểm chuẩn thấp hơn để dự phòng. Kinh nghiệm các mùa xét tuyển trước cho thấy, khi trượt NV1 hầu như TS không còn cơ hội để vào các trường ĐH công lập nữa.