Xét tuyển đại học bằng học bạ có đảm bảo công bằng?

01/08/2022 - 05:35

PNO - Đó là câu hỏi cần đặt ra khi dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 và điểm học bạ năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy: Một số địa phương thuộc tốp đầu cả nước về điểm học bạ nhưng điểm thi tốt nghiệp lại xếp cuối danh sách 63 tỉnh thành.

Điểm học bạ cao nhưng điểm thi tốt nghiệp cuối bảng

Điển hình như tỉnh Đồng Tháp có mặt trong danh sách mười địa phương có điểm học bạ cao nhất cả nước ở hầu hết các môn, gồm toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, vật lý, sinh học, hóa học nhưng không có môn nào lọt tốp 10 về điểm thi tốt nghiệp. Điểm thi các môn của Đồng Tháp đa số xếp trong khoảng thứ 20, thậm chí một số môn có vị trí rất thấp như điểm thi môn vật lý xếp thứ 52, môn hóa học xếp thứ 38.

Tỉnh Phú Yên có điểm học bạ môn địa lý và lịch sử cùng xếp thứ 10 nhưng điểm thi gần cuối bảng, cùng ở vị trí số 61/63 tỉnh thành. Môn sinh học, Phú Yên cũng có điểm học bạ xếp hạng cao ở vị trí số 5 nhưng điểm thi rơi xuống vị trí số 56. Tỉnh Sóc Trăng xếp thứ 7 cả nước về điểm học bạ môn lịch sử và địa lý nhưng điểm thi các môn này lần lượt ở vị trí thứ 52 và 53. Tỉnh này cũng có điểm học bạ môn giáo dục công dân xếp thứ 3 nhưng điểm thi xếp thứ 40, điểm học bạ môn sinh học xếp thứ 9 nhưng điểm thi xếp thứ 34. Môn sinh học, tỉnh Hưng Yên có điểm trung bình học bạ học sinh toàn tỉnh xếp thứ 6 nhưng điểm thi có vị trí 62. 

Nhiều trường đại học chỉ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT  (trong ảnh: Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 ở Hà Nội) - ẢNH: ĐẠI MINH
Nhiều trường đại học chỉ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT (trong ảnh: Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 ở Hà Nội) - Ảnh: Đại Minh

Thống kê cho thấy đa số địa phương dẫn đầu về điểm học bạ không phải là những địa phương dẫn đầu về điểm thi tốt nghiệp. Nhóm các tỉnh dẫn đầu về điểm thi là Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bình Dương, Nam Định gần như không có mặt trong tốp 10 điểm học bạ ở hầu hết các môn.

Từ đó, dư luận đặt câu hỏi liệu việc các trường đại học dùng điểm học bạ để xét tuyển có khách quan? Thầy Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Hải Phòng) - nói: “Dùng học bạ để xét tuyển đầu vào đại học không có sự công bằng cho thí sinh. Các địa phương, các trường ra đề, đánh giá khác nhau, tạo sự chênh lệch về điểm. Giữa các lớp trong một trường cũng có chênh lệch, rồi chênh lệch giữa trường công lập và ngoài công lập, chưa kể chênh lệch vùng miền”. Thầy Trần Đức Ngọc kể, có những trường THPT đầu vào cực kỳ thấp, chỉ hơn 20 điểm/50 điểm nhưng điểm học bạ cao hơn cả những trường lấy đầu vào 40 điểm/50 điểm. Bởi hiện nay, nhiều giáo viên có quan điểm “tạo điều kiện cho học sinh của mình”.

Học sinh giỏi nhưng không thực chất

Đáng lo ngại, theo thầy Trần Đức Ngọc, việc các trường đại học xét tuyển đầu vào bằng học bạ vô hình trung tạo áp lực cho giáo viên về thành tích. Giáo viên phải chịu những tác động bên ngoài như phụ huynh muốn con có học bạ “đẹp” thì tìm mọi cách can thiệp, xin - cho. “Bản thân lãnh đạo các trường cũng chịu chi phối về vấn đề điểm của học sinh. Các trường mong muốn giáo dục học sinh và thực hiện nghiêm túc thi cử, công bằng để học sinh sau khi ra trường thành công dân tốt. Thế nhưng, nếu làm chặt học sinh thiệt, làm lỏng thì mình là người nói dối”, thầy Trần Đức Ngọc nhấn mạnh và cho rằng cứ tiếp tục thì cả nước sẽ toàn học sinh giỏi nhưng chất lượng không thực chất. 

Là một trong số ít trường đến nay chưa áp dụng phương thức xét tuyển học bạ, phó giáo sư - tiến sĩ Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Y Hà Nội - cho biết: “Các trường y công lập hiện nay chưa có trường nào xét tuyển học bạ để tuyển đầu vào. Để thực hiện xét tuyển học bạ, theo tôi cần có thêm thông tin về chuẩn mực trong dạy học ở trường phổ thông, cũng như chương trình, sách giáo khoa, phương thức đánh giá, cách thức tổ chức thực hiện chương trình của các trường cả nước để đảm bảo rằng kết quả học bạ là đồng đều giữa các học sinh”.

Theo thầy Tùng, kết quả sinh viên xét tuyển đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây phản ánh trung thực năng lực của sinh viên. Với năng lực ấy, các em trúng tuyển vẫn theo học được với thiết kế của chương trình và đáp ứng chuẩn đầu ra cũng như yêu cầu của các nhà tuyển dụng. 

Nói thêm về việc chưa dùng học bạ xét tuyển đầu vào, thầy Tùng cho hay: “Tôi cho rằng quan trọng nhất trong tuyển sinh là phải đảm bảo được chất lượng nguồn tuyển và kết quả kiểm tra, đánh giá phải tin cậy. Để sử dụng học bạ xét tuyển phải kiểm soát và đánh giá đúng mới sử dụng được. Trong khi điểm học bạ hiện nay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như suy nghĩ chủ quan của thầy cô, quan điểm trường học, chênh lệch kiểm tra đánh giá. Thế nên, thực tế là có địa phương dẫn đầu về điểm học bạ nhưng điểm thi tốt nghiệp rất thấp, điều này cho thấy kết quả học bạ chưa thể mang lại sự công bằng cho tất cả thí sinh, khó để đánh giá người học trên thang đo chung”. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò quản lý chắc chắn nhìn ra thực tế tình trạng chênh lệch điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Cần thiết phải có những tác động nhất định để việc tuyển sinh đầu vào thực chất hơn, công bằng hơn và quan trọng là sinh viên có đủ năng lực theo học chương trình của các trường đại học. Điều quan trọng nữa là đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Thầy Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Hải Phòng)

Đại Minh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI