Xét tuyển đại học 2022: Thí sinh có thêm cơ hội vào các trường top đầu

28/03/2022 - 14:38

PNO - Ở thời điểm này, nhiều trường đại học cho biết lượng hồ sơ xét tuyển bằng kết quả học bạ chưa nhiều. Sau khi dịch bệnh tạm lắng, dường như phương thức xét tuyển bằng học bạ - vốn được xem là giải pháp trong suốt mùa dịch - cũng bắt đầu “hạ nhiệt”.

Trường lo ảo với phương thức xét học bạ

Trường đại học (ĐH) Gia Định đã nhận hồ sơ xét học bạ từ tháng 1/2022 nhưng đến nay cũng chỉ mới nhận được vài trăm hồ sơ. Đợt xét tuyển này, trường “chờ” hồ sơ của thí sinh đến hết ngày 30/3. Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, lượng hồ sơ xét học bạ nộp vào cũng chỉ tròm trèm chỉ tiêu ở đợt xét tuyển này (khoảng 1.400 chỉ tiêu). Nhiều trường ĐH khác tại TPHCM cho biết hồ sơ xét học bạ nhận được chưa nhiều như cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia tuyển sinh, có lẽ sau những biến động của việc học online rồi offline ngắn ngủi khiến nhiều thí sinh chưa tự tin lắm vào học bạ của năm học này nên còn chần chừ. Các em cần thời gian để cân nhắc chọn phương thức xét tuyển tốt nhất trước khi quyết định.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực sáng 27/3 tại Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực sáng 27/3 tại Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM

Nhưng đó không phải là mối lo lớn nhất của các trường ĐH ở thời điểm này, bởi cái khó lớn nhất của xét tuyển bằng học bạ chính là thí sinh ảo rất cao. Mỗi thí sinh thường “rải” hồ sơ ở rất nhiều trường, mỗi trường chọn nhiều ngành nên khi công bố kết quả xét tuyển thì nhiều thí sinh trúng tuyển không nhập học. Thạc sĩ - luật sư Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, thừa nhận phương thức tuyển sinh nào cũng có tỷ lệ ảo nhưng phương thức xét học bạ thường ảo nhiều hơn. Trường hy vọng những thí sinh đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường đã được tư vấn kỹ nếu trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học. 

Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết theo đánh giá các năm trước thì tỷ lệ ảo khoảng 60%, tức là trúng tuyển thì tỷ lệ nhập học chừng 40% so với lượng hồ sơ nộp vào. Lý  do: thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng lúc vào nhiều trường, nhiều ngành nhưng chỉ có thể học tại một trường. Ngoài ra, nhiều thí sinh trúng tuyển học bạ vẫn không xác nhận nhập học mà chờ cơ hội khác từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực…

Chính vì vậy, hầu hết các trường đều phải gọi tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao gấp 3 - 5 lần chỉ tiêu như một giải pháp chống… ảo, mới mong đảm bảo chỉ tiêu.

Nhiều phương thức = nhiều cơ hội

Là một trong số ít trường có lượng hồ sơ xét tuyển nhận vào khả quan hơn năm ngoái, tính đến hết ngày 26/3, Trường ĐH Công nghệ TPHCM đã được khoảng hơn 800 hồ sơ, tăng 10% so với cùng kỳ mùa tuyển sinh 2021. Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó phòng Tuyển sinh và Truyền thông trường này, cho hay: Hiện tại, gần như học sinh lớp 12 cả nước đã có đủ điểm học kỳ I để đăng ký xét học bạ theo tổng điểm ba học kỳ.

Xu hướng năm nay, thí sinh ngoài quan tâm đến các ngành thời thượng như: quản trị kinh doanh, ô tô, công nghệ thông tin, truyền thông... thì cũng tập trung vào các ngành học mang tính xu hướng như digital marketing, thương mại điện tử... Thí sinh thận trọng đăng ký xét tuyển cũng là một tín hiệu đáng mừng, tránh việc chọn không đúng nguyện vọng và phần nào có thể giảm tỷ lệ ảo. Việc các trường ngày càng đa dạng phương thức xét tuyển cũng giúp người học có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng… 

Sáng 27/3, gần 85.000 thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt một của ĐH Quốc gia TPHCM. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, đây là đợt thi thu hút đông thí sinh nhất từ trước tới nay. Tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi đợt một năm nay đạt 121,66% so với cùng đợt năm 2021. Trong số thí sinh đăng ký dự thi đợt một, nhiều nhất là cụm thi TPHCM có 32 điểm thi với 42.000 thí sinh. Cụm thi tỉnh Khánh Hòa có bảy điểm thi với 4.900 thí sinh, Đồng Nai có bảy điểm thi với 4.100 thí sinh, Bình Định có hai điểm với 4.100 thí sinh... Điều này cho thấy các trường tin tưởng và có thêm một công cụ khảo thí uy tín để lựa chọn người học; thí sinh cũng có thêm cơ hội để vào các trường top đầu. 

Còn nhớ kỳ thi đánh giá năng lực được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đầu tiên vào năm 2018. Năm 2019, ngoài các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM thì chỉ có thêm 24 trường ĐH, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Đến năm 2020, số trường sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh tăng lên 67, năm 2021 là 72 và năm 2022 là hơn 80 trường. 

Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia Hà Nội và TPHCM, thí sinh còn các lựa chọn khác là kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM lần đầu tiên tổ chức; ưu tiên xét tuyển bằng các chứng chỉ và bằng cấp quốc tế… Theo các chuyên gia tuyển sinh, mỗi phương thức xét tuyển đều có giá trị trúng tuyển như nhau. Vì vậy, thí sinh phải tỉnh táo để chọn phương thức thế mạnh, phù hợp với năng lực của mình nhất để tăng cơ hội trúng tuyển vào đúng ngành, trường yêu thích. 

Minh Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI