Xét tuyển bằng IELTS: Cửa hẹp với thí sinh vùng khó

18/07/2023 - 06:05

PNO - Mùa tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều trường công bố xét tuyển chứng chỉ IELTS kết hợp các điều kiện khác như điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hoặc đánh giá năng lực. Trong đó, có không ít trường tuyển thẳng thí sinh có IELTS từ 4.0-6.5. Đây là điều kiện mà các thí sinh ở những địa phương khó khăn khó có thể đạt được.

Cả trường không có bạn nào thi chứng chỉ ngoại ngữ 

Ngày càng nhiều trường đại học ưu tiên xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trong đó có cả các đại học tốp đầu. Như Trường đại học Kinh tế Quốc dân xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS, TOEFL iBT, TOEIC 4 kỹ năng kết hợp điểm thi đánh giá năng lực hoặc điểm thi 2 môn thi tốt nghiệp THPT 2023. Trường đại học Công nghiệp TPHCM ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ khác tương đương, ngưỡng nhận hồ sơ cho các đối tượng này là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt 21 điểm…

Nhiều người cho rằng việc đa dạng phương thức xét tuyển giúp thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, các phương thức xét tuyển ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không khác gì đang tạo ưu thế cho những thí sinh có điều kiện kinh tế. Cánh cửa vào những trường này đang hẹp dần với thí sinh vùng khó.

Thí sinh tìm hiểu xét tuyển vào Trường đại học Gia Định
Thí sinh tìm hiểu xét tuyển vào Trường đại học Gia Định

Nguyễn Thái Anh (học sinh lớp Mười hai, tỉnh Thái Bình) cho rằng, việc xét tuyển đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế rõ ràng là ưu thế cho những học sinh ở thành phố. Em nói: “Ở quê em, ít bạn nghĩ đến việc thi chứng chỉ IELTS. Phần vì ở huyện không có trung tâm ngoại ngữ để luyện thi, phần vì luyện thi tốn kém và chi phí đi thi cũng tốn cả mấy triệu bạc nên cả trường em học không có bạn nào thi chứng chỉ ngoại ngữ này. Khi xét tuyển vào đại học tốp đầu đương nhiên những thí sinh như em và những thí sinh miền núi không có cơ hội xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Đó là thiệt thòi”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - khẳng định, bản chất tuyển sinh đại học là tìm những thí sinh đủ năng lực, tư duy, kỹ năng để đáp ứng chương trình học. Ngoài ngoại ngữ, học sinh cần có những năng lực khác nên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không nói lên tất cả. “Tôi cho rằng việc tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang chiếm lượng chỉ tiêu lớn tại các trường đại học tốp trên chắc chắn sẽ tạo sự bất bình đẳng với học sinh các vùng miền, nhất là vùng quê nghèo khi các em không có điều kiện ôn và thi chứng chỉ này”, ông nói.

Tuyển sinh phải công bằng

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - hiện nay có 60% dân số Việt Nam sống vùng nông thôn, đặc biệt mức độ phân bổ học sinh phổ thông ở vùng sâu, vùng xa khá nhiều. Với những thí sinh ở thành phố dễ dàng tiếp cận với trung tâm luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ. Còn ở tỉnh, học sinh không có điều kiện học ở trung tâm ngoại ngữ nên trình độ ngoại ngữ yếu hơn hẳn. “Nếu các trường xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ tạo sự bất công khá lớn với thí sinh ở các vùng miền. Bởi lẽ, chỉ tiêu có hạn và khi xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ nhiều thì đương nhiên chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm. Điều đó có nghĩa là học sinh thành phố sẽ chiếm hết chỉ tiêu, cản trở cơ hội vào đại học tốp đầu của học sinh vùng sâu, vùng xa”, ông nhấn mạnh. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng: “Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ nên là tiêu chí phụ để xét tuyển vào khối ngành ngoại ngữ hoặc các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, chất lượng cao. Các trường đại học có thể quy đổi điểm IELTS để xét miễn học hoặc miễn thi đối với các học phần ngoại ngữ cho sinh viên trong quá trình học tập tại trường chứ không nên dùng nó làm tiêu chí xét tuyển vào đại học tốp đầu”.

Đại học Quốc gia TPHCM cũng vừa công bố danh sách gần 100 trường đại học và cao đẳng đăng ký sử dụng điểm bài thi đánh giá năng lực năm 2023 để xét tuyển một phần chỉ tiêu tuyển sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết đơn vị này dành đến 50% chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực những ngành cạnh tranh cao. Ngoài ra, có 74 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển.

Cũng theo nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, việc tổ chức thi đánh giá năng lực hiện nay chỉ diễn ra ở các thành phố lớn. Như năm 2023, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức 8 điểm thi đánh giá năng lực ở các thành phố lớn. Với những thí sinh gia đình khó khăn hay vùng núi, mỗi lần dự thi là mỗi lần tốn kém chi phí đi lại, thuê nhà… 80% số học sinh đi thi đánh giá năng lực là học sinh thành phố lớn, gia đình có điều kiện. Chưa kể, ở thành phố lớn cũng đã hình thành trung tâm luyện thi và các em ở đây cũng quen với bài thi đánh giá năng lực. Học sinh vùng sâu vùng xa hay vùng núi khó mà cạnh tranh với học sinh thành phố lớn.

Một số trường dành 70 - 80% chỉ tiêu cho thi đánh giá năng lực cộng với xét tuyển học sinh trường chuyên, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và cuối cùng là số chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT (chủ yếu học sinh vùng sâu vùng xa) nên sẽ đẩy điểm chuẩn lên rất cao tới 28-30 điểm mới đậu. “Như vậy rõ ràng là cản trở, bất công với học sinh những vùng nghèo. Chưa kể học phí các trường tăng, lên mức 30-50 triệu đồng/năm, cơ hội vào các trường tốt không còn, các em phải vào trường tư và trường chất lượng thấp là sự lãng phí lớn. Đã nhà nghèo không có cơ hội lại phải vay tiền đi học nên nhiều học sinh tốt nghiệp THPT chấp nhận không học đại học”, phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nhận xét. 

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI