Xét tốt nghiệp trong tình huống đặc biệt, tại sao không?

09/07/2021 - 13:17

PNO - Câu hỏi “có thể không tổ chức kỳ thi được không?” vẫn còn đau đáu. Bởi, lỡ như trong tương lai có những tình huống đặc biệt xảy ra, chúng ta vẫn phải mạo hiểm đưa những học sinh tuổi 18 đương đầu trong những kỳ thi?

Cuối cùng, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 cũng đã xong. Không chỉ người trực tiếp thi, làm thi, mà cả những người quan sát cũng nơm nớp theo từng con số. Sau mỗi buổi thi, số thí sinh nghi nhiễm không ngừng tăng lên như bóp nghẹt trái tim của người dõi theo, xót và lo cho những sĩ tử 2K3 (sinh năm 2003) bất đắc dĩ phải trở thành những chiến binh trong một kỳ thi quan trọng. Giờ thì có thể tạm thời thở phào với lời trấn an: mọi khó khăn cũng đã qua. 

Đề thi và kết quả - vốn là điều được quan tâm nhất ở mọi kỳ thi - đã rớt xuống hàng thứ yếu ở kỳ thi năm nay. Thí sinh rời trường thi, câu đầu tiên cha mẹ hỏi con không còn là “đề thi dễ không, làm bài được không?”, mà là “con có thấy khó chịu chỗ nào không, phòng thi có bạn nào là F không?”. Chỉ có những câu hỏi xoay quanh sự an toàn của lứa học sinh chịu quá nhiều thiệt thòi trong một kỳ thi lịch sử, ở đó không chỉ có áp lực thi cử, mà chồng lên trên là sự bất an về dịch bệnh. 

Những sĩ tử 2k3 chờ xét nghiệm để được dự thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: Tam Nguyên
Những sĩ tử 2k3 chờ xét nghiệm để được dự thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: Tam Nguyên

Từ lúc nhận thông tin một thí sinh có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính COVID-19 ngay tại điểm thi mà con mình dự thi, nhiều phụ huynh đã trào nước mắt. Bao nhiêu âu lo con đi thi khi dịch bùng phát dữ dội giờ không còn kìm nén được nữa. Những phụ huynh có con đột nhiên trở thành F1 tại trường thi đã không thể ngồi yên. Một phụ huynh chia sẻ: “Trong mười mấy năm, lần đầu tiên tôi đưa con đi thi mà điều lo lắng nhất đã xảy ra: con thi xong không về, phải ở lại cách ly”. Tại các điểm thi có thí sinh F0, tâm trạng lo âu đè nặng.

Hơn ai hết, những người cầm trịch kỳ thi này còn căng thẳng hơn bất kỳ phụ huynh nào, bởi thứ họ gánh trên vai không chỉ là kết quả của một kỳ thi. 

Kỳ thi rồi cũng kết thúc, những lo lắng tạm thời lắng xuống. Nhưng đến giờ, câu hỏi “có thể không tổ chức kỳ thi được không?” vẫn còn đau đáu. Bởi, lỡ như trong tương lai có những tình huống đặc biệt xảy ra, chúng ta vẫn phải mạo hiểm đưa những học sinh tuổi 18 đương đầu trong những kỳ thi?

Đành rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng, không chỉ dùng xét tốt nghiệp mà còn làm căn cứ để xét vào đại học. Nhưng khó khăn này đâu phải không có lời giải. Chẳng phải nhiều trường đại học đã nói họ có cách để tuyển những thí sinh được xét tốt nghiệp đó sao. Các trường có thể tự lo đúng với tinh thần tự chủ đại học của Luật Giáo dục đại học. Sao chúng ta phải cưỡng cầu? 

Việc mỗi năm vẫn phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT là căn cứ vào Luật Giáo dục (sửa đổi) đã quy định về việc tổ chức kỳ thi với nhiều mục đích. Tuy nhiên, thời điểm luật ra đời vào năm 2019. Năm 2020, khi dịch bùng phát, năm học nhiều lần bị gián đoạn, kỳ thi đã phải hoãn nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn phải tổ chức làm hai đợt. Cứ ngỡ với kinh nghiệm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có động thái quyết liệt, có sự dự báo, chuẩn bị phương án cho những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra. 

Thế nhưng, một năm trôi qua, dịch bùng phát càng dữ dội, mức độ nguy hiểm càng tăng, việc quyết thi hay không thi càng trở nên cân não các nhà chức trách mà học trò vẫn phải thi giữa đầy rẫy lo âu là một sự thất bại. Suy cho cùng, luật là do con người đặt ra thì có thể sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Xét tốt nghiệp cho học sinh trong tình huống đặc biệt là giải pháp an toàn trên nhiều khía cạnh và các trường đại học sẽ tự lo việc tuyển sinh. 

Lứa thí sinh 2K2 từng thăng trầm vì dịch bệnh, nhưng những sĩ tử 2K3 cũng gian truân không kém. Hy vọng rằng, những lứa học sinh sau sẽ không phải nơm nớp đi thi, sẽ có những giải pháp, thước đo chất lượng dạy và học linh hoạt, hiệu quả hơn trong những tình huống đặc biệt. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI