Trung tuần tháng 3/2018, NSƯT Minh Vương được Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đưa vào danh sách 17 NSƯT chờ xét duyệt lên NSND, cùng với Thanh Ngân, Thoại Miêu, Kim Xuân… Tuy nhiên, trong danh sách mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đưa ra vào chiều 2/7, sau khi Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước bỏ phiếu, NSƯT Minh Vương không có tên để được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.
|
NSƯT Minh Vương tiếp tục trượt danh hiệu NSND do không đủ huy chương theo quy định |
Đây là lần thứ ba NSƯT Minh Vương bị đánh trượt danh hiệu NSND. Trước đó, khi hồ sơ của nghệ sĩ Minh Vương được trình lên, nhiều người đã tỏ ra lo ngại bởi ông không có đủ huy chương theo quy định.
Về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt này, ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VH-TT-DL khẳng định, không có bất kỳ sự đặc cách nào: “Nghị định 89 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT không có quy định đặc cách nào. Cái gì không có quy định thì không áp dụng. Làm gì cũng phải bám theo luật, văn bản nhà nước”.
Chuyện sẽ không đáng bàn cãi nếu tất cả nghệ sĩ trong đợt xét danh hiệu NSND, NSƯT này đều được đối xử như nhau, theo luật mà ông Cẩn đề cập. NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn vì không đủ huy chương nên trượt danh hiệu NSND. Nhưng một số nghệ sĩ khác, dù rơi vào trường hợp tương tự, vẫn vượt qua được vòng bỏ phiếu của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, để được xét tặng danh hiệu NSND. Điều này có trái ngược với phát ngôn của ông Phùng Huy Cẩn?
NSƯT Minh Vương đi hát từ năm 1964 và vẫn còn hoạt động cho đến hiện tại. 54 năm làm nghề của ông đã đóng góp cho hơn nửa chặng đường phát triển của nghệ thuật cải lương tại Việt Nam với hàng trăm vai diễn, tuồng tích lẫn các bài tân cổ giao duyên, đến giờ vẫn còn được khán giả ghi nhớ.
Lẽ ra, NSƯT Minh Vương nên được phong tặng danh hiệu NSND từ lâu chứ không phải trầy trật qua 3 lần nộp hồ sơ, nhưng vẫn bị đánh trượt. Với cách hành xử này của những người trong Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các nghệ sĩ được đặc cách có phải ngại ngùng khi đối diện với nghệ sĩ Minh Vương và ngược lại, nghệ sĩ Minh Vương có cảm thấy bẽ bàng khi công sức của ông không được ghi nhận?
Thời điểm hồ sơ của Minh Vương được gửi đi, ông đã tỏ ra rất vui mừng, nhưng đến hôm nay, những gì còn lại trong ông là sự ngỡ ngàng. Minh Vương cho rằng, việc xét danh hiệu này thiếu đi sự công bằng. Vì sao từ một danh hiệu để tôn vinh, để trân trọng nghệ sĩ cho những đóng góp của họ, các cơ quan hữu quan lại biến thành nơi chứa đựng những cảm xúc tiêu cực như thế?
|
NSƯT Minh Vương đã có 54 năm đóng góp cho cải lương với hàng trăm vai diễn, vở tuồng, bản tân cổ, nhưng không được xét tặng danh hiệu NSND vì những quy định cứng nhắc |
Nhiều năm qua, cơ chế xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã bị dư luận phản ứng vì nặng tính hình thức. Ngoài ra, việc thẩm định của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước cũng bị cho là thiếu toàn diện, chính xác, không phản ánh đúng nguyện vọng của công chúng.
Danh hiệu NSND, NSƯT không phải món quà hoặc tình thương để các cơ quan ban phát cho nghệ sĩ. “Chưa biết ai được ai không nhưng rõ ràng họ đã chịu một sự tổn thương rất lớn khi phải làm đơn xin” - nghệ sĩ Minh Vương từng chia sẻ.
Trong khi đó, nghệ sĩ Bảo Quốc bày tỏ thái độ rất kiên quyết: “Tại sao nghệ sĩ phải khai thành tích và xin được xét tặng danh hiệu NSND? Lòng tự trọng không cho phép tôi làm điều đó, vì như vậy sẽ rất tổn thương cho danh dự nghệ sĩ, nếu không được xét tặng. Danh hiệu NSƯT, NSND của Nhà nước phong tặng là rất cao quý đối với nghệ sĩ. Được phong tặng thì tôi nhận, còn xin thì không”.
|
Chỉ vì quy định cứng nhắc, nghệ sĩ Hồng Nga vẫn chưa được trao tặng bất kỳ danh hiệu nào |
Với cơ chế xin - cho, nặng về thủ tục như hiện tại, không ít tài năng thực thụ đã bị bỏ sót và cũng không ít người chưa xứng đáng về năng lực, sự cống hiến vẫn được phong danh hiệu vì đủ huy chương. Nghệ sĩ Hồng Nga từng làm hồ sơ để được xét danh hiệu NSƯT, nhưng bị đánh trượt, dù đóng góp của bà với cải lương là không hề nhỏ.
Cũng từ đó, với nữ nghệ sĩ, có được phong tặng danh hiệu hay không không còn quan trọng. Như trường hợp của nghệ sĩ Thanh Sang, nghệ sĩ Út Bạch Lan… dù là những “cây đa”, “cây đề”, nhưng mãi đến lúc họ đã đi xa vẫn chỉ mang danh hiệu NSƯT, vì không đủ huy chương để xét lên danh hiệu NSND. Trong khi đó, đóng góp của họ với nghệ thuật nước nhà còn to lớn hơn thế.
Rõ ràng, với cơ chế xin - cho bấy lâu cùng cách làm việc thiếu thống nhất trong việc đặt cách xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đang hành xử thiếu tế nhị và gây tổn thương cho không ít nghệ sĩ. Hồng Nga, Minh Vương, Bảo Quốc… cùng nhiều nghệ sĩ kỳ cựu khác, khi đã ở tuổi này, cũng chẳng thể nào tiếp tục theo đuổi các cuộc thi, hội diễn để tìm huy chương cho đủ thủ tục. Như thế, với những lần xét danh hiệu tiếp theo, họ vẫn sẽ đứng ngoài cuộc đua. Sự bức xúc của dư luận cứ như thế mà kéo dài qua mỗi kỳ xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND.
Thụy Khuê