Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân: Những vướng mắc cần được tháo gỡ

06/05/2020 - 07:36

PNO - Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú là sự công nhận về nỗ lực, đóng góp của các nghệ nhân trong việc nắm giữ, thực hành và truyền nghề đối với các di sản văn hóa phi vật thể, là động lực cho các nghệ nhân tiếp tục cống hiến. Tuy nhiên một số quy định, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu hiện hành đang bộc lộ những hạn chế, bất cập…

Quy định gây khó cho nghệ nhân

Hiện nay các địa phương đang triển khai văn bản số 316/BVHTTDL-TĐKT hướng dẫn xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND) và Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) lần thứ ba. Theo quy định, trường hợp cá nhân hoàn toàn được truyền nghề trong cộng đồng, sau đó công tác và hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì thời gian hoạt động trong nghề chỉ tính từ khi cá nhân đó nghỉ hưu, thực hành và truyền dạy di sản trong cộng đồng đến thời điểm nộp hồ sơ lên hội đồng cấp cơ sở.

Một số quy định, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND- NNƯT đang gagya khó cho các nghệ nhân
Một số quy định, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND- NNƯT đang gây khó cho các nghệ nhân

Quy định này được cho là bất hợp lý. Chẳng hạn, trường hợp của nhà giáo Nhứt Dũng và Kim Loan, công tác tại trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, vừa lành nghề, vừa đào tạo ra nhiều nghệ sĩ cho nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử trong hơn 30 năm qua, nhưng vì vướng quy định hiện hành nên không thể làm hồ sơ xét danh hiệu.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên (nguyên Phó trưởng khoa Sau đại học, Đại học Văn hóa TP.HCM) chia sẻ: “Việc xét tặng danh hiệu nên phân định rạch ròi các khái niệm. Hoạt động tại trường đại học là sự nghiệp giáo dục, còn xét danh hiệu nghệ nhân, thì chỉ cần tính đến việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Có như thế, danh hiệu được trao mới không để sót người tài”.

Dẫu không đặt nặng về thành tích như huy chương đối với xét danh hiệu của nghệ sĩ, nhưng trong các tiêu chí xét duyệt danh hiệu cho nghệ nhân có tính đến thành tích, giải thưởng. Điều này gây bất lợi cho những nghệ nhân hoạt động lâu năm, đã đào tạo nhiều học trò. Bởi khi có các liên hoan diễn ra, họ đã quá tuổi, hoặc không thể tham gia do sức khỏe, hay không muốn cạnh tranh với học trò, hậu bối. 

Nghệ nhân Xuân Đào (sinh năm 1961, ngụ Q.6, TP.HCM) bắt đầu chơi đờn ca tài tử từ năm 18 tuổi, có thể hát nhiều bài bản cổ, sáng tác lời, truyền dạy cho nhiều học trò. Hiện, chị vẫn tiếp tục sinh hoạt tại các câu lạc bộ đờn ca tài tử để lan truyền các giá trị của môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, trong đợt xét danh hiệu lần thứ hai, nghệ nhân Xuân Đào đã bị trượt. Trong bảng thành tích của chị, chỉ có những giải ở cấp quận, thành phố.

Liên hoan Múa bóng rỗi ít được tổ chức, các nghệ nhân bao giờ mới đủ giải thưởng, huy chương để được làm hồ sơ?
Liên hoan Múa bóng rỗi ít được tổ chức, các nghệ nhân bao giờ mới đủ giải thưởng, huy chương để được làm hồ sơ?

Một số môn nghệ thuật không thường xuyên tổ chức hội diễn, liên hoan riêng để nghệ nhân có được thành tích. Đơn cử như nghệ thuật múa bóng rỗi. Trong đợt xét danh hiệu lần thứ hai, TP.HCM có hai nghệ nhân múa bóng rỗi là Ngọc Đào và Ngọc Thanh được trao danh hiệu NNƯT. Một trong hai giải thưởng quan trọng mà họ đạt được là tại Liên hoan đàn, hát dân ca ba miền năm 2016, chứ không phải là sân chơi riêng của nghệ thuật bóng rỗi. Giải thưởng còn lại ở Liên hoan Bóng - Rỗi - Địa - Nàng 2017, nhưng đây lại không phải là liên hoan thường xuyên của loại hình này. 

Trường hợp của nhà giáo Kim Loan (nguyên giảng viên trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), nhiều năm tham gia truyền dạy đờn ca tài tử tại các câu lạc bộ, nhưng theo quy định, thời gian hoạt động của chị chỉ được tính từ khi nghỉ hưu đến nay là bốn năm. Để đủ điều kiện làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NNƯT, ngoài việc phải có đủ thời gian hoạt động 15 năm theo quy định, chị còn phải tham dự liên hoan, thi đấu cùng học trò để kiếm cho đủ huy chương, giải thưởng! 

Cũng có trường hợp nghệ nhân gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin, tài liệu về việc truyền dạy học trò. Thạc sĩ Phạm Thái Bình (Khoa Du lịch trường đại học Hùng Vương) - người từng hỗ trợ nhiều nghệ nhân làm hồ sơ xét tặng danh hiệu cho biết: “Quá trình truyền dạy của những nghệ nhân lớn tuổi diễn ra trong thời gian dài, không phải ai cũng có sự chuẩn bị để đợi đến ngày xét danh hiệu. Vì thế, những thủ tục này có thể gây khó cho nghệ nhân”.

 Nghệ nhân Ngọc Huệ- 30 năm gắn với ĐCTT, đào tạo nhiều học trò và cũng có nhiều giải thưởng nhưng vẫn bị loại khi xét duyệt hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú Nhà giáo Kim Loan và Nhứt Dũng là hai trường hợp khiến người trong nghề thấy bức xúc về sự bất cập của quy định hiện hành.
Nhà giáo Kim Loan và Nhứt Dũng là hai trường hợp khiến người trong nghề bức xúc về sự bất cập của quy định hiện hành.

Một thực tế khác, có nhiều nghệ nhân giỏi nghề, nhưng trình độ văn hóa lại giới hạn. Trong khi đó, việc xét duyệt hiện tại chủ yếu dựa vào văn bản, tài liệu được cung cấp. Khi không có người hướng dẫn, hồ sơ của nghệ nhân dễ bị đánh trượt do thiếu thông tin, sai quy cách - ngay từ cấp cơ sở. Có nghệ nhân khi phải làm đi làm lại hồ sơ xét danh hiệu, họ chán nản bỏ cuộc, trong khi sự đóng góp của họ đủ xứng đáng để được vinh danh. 

Bất cập trong công tác thẩm định hồ sơ, xét duyệt

Quy định được ví như rào chắn để sàng lọc, nhưng hiện tại vẫn đang có kẽ hở. Việc xét chọn chủ yếu vẫn dựa trên hồ sơ của nghệ nhân cung cấp. Vì thế, cũng xảy ra trường hợp nghệ nhân cố “vượt rào” khi chưa đủ chuẩn. 

Trong đó, việc xác định thâm niên làm nghề của nghệ nhân không dễ như nghệ sĩ, bởi họ có thể không gắn với một đơn vị nào, đặc biệt với các loại hình nghệ thuật dân gian. Điều này dẫn đến việc có trường hợp nghệ nhân “khai gian” thời gian làm nghề để đủ chuẩn theo quy định.

Một điều bất cập nữa trong cơ chế xét tặng hiện tại là chỉ dựa vào hồ sơ nghệ nhân cung cấp, mà thiếu sự thẩm định năng lực thực tế, dẫn đến có trường hợp được vinh danh nhưng năng lực chưa xứng đáng.

Hội đồng xét duyệt danh hiệu cũng là một rào cản. Những lá phiếu được định đoạt dựa trên cảm tính là điều hoàn toàn có thể xảy ra, khiến các nghệ nhân có thực lực không được vinh danh. Chưa kể thành viên hội đồng xét duyệt có người chưa nắm rõ được tính chất, đặc trưng vùng miền của từng bộ môn nghệ thuật, điều này cũng gây khó cho nghệ nhân khi hồ sơ xét duyệt đi đến hội đồng cấp bộ, Nhà nước.

Thạc sĩ Thái Bình chỉ ra thực tế những năm qua, nhiều nghệ nhân được vinh danh đều ở tuổi không thể tiếp tục làm nghề, hoặc cũng có trường hợp chỉ mới làm hồ sơ xét tặng danh hiệu thì đã về bên kia thế giới. Như trường hợp của nghệ nhân Mười Sáng (tỉnh Bến Tre) - một tay thổi tiêu nổi tiếng, nhưng hiện đã qua đời mà vẫn chưa được trao tặng danh hiệu xứng đáng.

 Nghệ nhân Ngọc Huệ- 30 năm gắn với ĐCTT, đào tạo nhiều học trò và cũng có nhiều giải thưởng nhưng vẫn bị loại khi xét duyệt hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú
Nghệ nhân Ngọc Huệ- 30 năm gắn với ĐCTT, đào tạo nhiều học trò và cũng có nhiều giải thưởng nhưng vẫn bị loại khi xét duyệt hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú

Hay nghệ nhân Ngọc Huệ, Tư Đém (tỉnh Bến Tre) nổi tiếng với những đóng góp trong gìn giữ, phát huy và truyền dạy đờn ca tài tử, đầy đủ huy chương, giải thưởng... nhưng vẫn "tay trắng". Theo anh, đây là điều đáng tiếc, bởi không chỉ làm buồn lòng người trong cuộc, mà còn khiến dư luận băn khoăn, thậm chí mất niềm tin với những lời đồn đoán: phải chăng có “yếu tố cá nhân” trong việc xét hồ sơ trao tặng danh hiệu ngay tại hồi đồng xét duyệt cấp cơ sở?

Trong những lần xét duyệt trước, có trường hợp hồ sơ nghệ nhân bị đánh trượt với lý do tuổi đời còn trẻ. Tuy nhiên, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cho rằng điều này không hợp lý: “Một người trẻ tuổi mất 10 năm để có được thành tựu ngang ngửa với người hoạt động nghề 

15-20 năm, đồng nghĩa họ có năng lực và giỏi hơn, xứng đáng được vinh danh hơn. Tài năng không phụ thuộc tuổi tác, ai đã xứng đáng thì nên trao”.

Trước những vướng mắc hiện tại, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đưa ra một số đề xuất. Về mặt quản lý nhà nước, địa phương cần có người hỗ trợ, hướng dẫn cho nghệ nhân trong việc lập hồ sơ, tránh việc nghệ nhân bỏ cuộc khi gặp rắc rối với giấy tờ, hoặc hồ sơ bị gạt do thông tin không đủ, không đúng. Việc xét duyệt ở cấp tỉnh, thành phố nên thực hiện qua hai bước: hồ sơ do nghệ nhân cung cấp và thẩm định năng lực trình diễn. Điều này giúp hồ sơ xét tặng danh hiệu của nghệ nhân có nhiều cơ hội được thông qua ở hội đồng cấp bộ, Nhà nước. 

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI