Xét nghiệm sốt xuất huyết tại nhà tiện và… hại

23/08/2017 - 19:00

PNO - Dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát trên diện rộng, số ca mắc bệnh tăng đột biến. Trong khi nhiều người hoang mang lo lắng, dịch vụ xét nghiệm SXH tại nhà đã nở rộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát hiện bệnh sớm.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ (BS), tin vào kết quả này sẽ cực kỳ nguy hiểm. 

Cứ sốt là gọi tới… rút máu 

Nghe tôi than con gái bị sốt hai ngày qua, chị bạn tên T.D.H. (ngụ Q.7, TP.HCM) mách nước: “Em gọi điện thoại cho trung tâm xét nghiệm X., họ sẽ cho người tới tận nhà lấy máu làm xét nghiệm SXH”. Theo chị H., hôm rồi hai con chị bị sốt cùng lúc. Lo ngại con bị SXH, chị đưa con đi khám phòng mạch tư và được BS chỉ định làm xét nghiệm ở trung tâm nói trên.

Tại đây, chị biết trung tâm này có dịch vụ xét nghiệm tận nhà, đỡ mất thời gian di chuyển, chờ đợi. Lúc được trả kết quả xét nghiệm, BS xem và xác định hai bé không bị SXH, nguyên nhân sốt là do siêu vi. 

Xet nghiem sot xuat huyet tai nha tien va… hai
Ảnh quảng cáo trên mạng


Theo chỉ dẫn của chị H., tôi liên hệ với trung tâm xét nghiệm X. Nhân viên lễ tân yêu cầu cho biết tên và số điện thoại, địa chỉ, sẽ có điều dưỡng đến tận nhà lấy máu. Nhân viên này cho biết thêm, giá dịch vụ tới nhà lấy máu xét nghiệm SXH 300.000 đồng/người. Nếu có hai người trở lên cùng xét nghiệm, chi phí sẽ giảm 15%.

Chị P.T.D. (ngụ tại Q.10) chia sẻ, thấy dịch SXH bùng phát, chỉ trong hai tháng qua gia đình chị đã hai lần xét nghiệm máu tại nhà. “Hễ người thân bị sốt là hoang mang. Vì thế tôi gọi ngay dịch vụ này tới tận nhà làm xét nghiệm. Tốn tiền nhưng đỡ lo”, chị D. bộc bạch.

Cơ sở xét nghiệm mà chị D. giới thiệu nằm ở khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.10). Trao đổi với chúng tôi, nhân viên tư vấn cho biết, thủ tục làm xét nghiệm rất đơn giản: “Chị cứ chọn ngày, giờ, bên em sẽ cho điều dưỡng tới tận nhà lấy máu. Chi phí 280 ngàn đồng/lần ở một số quận trung tâm TP.HCM, xa hơn sẽ tính thêm phí”. Cũng theo nhân viên này, kết quả xét nghiệm sẽ được gửi email cho khách hàng sau ba giờ. Trên giấy kết quả ghi rõ âm tính hay dương tính với SXH. 

Lạm dụng xét nghiệm, chậm trễ điều trị

Theo khảo sát của phóng viên Báo Phụ Nữ, hầu hết các trung tâm xét nghiệm chỉ cung ứng dịch vụ lấy máu xét nghiệm tại nhà, nhưng không đưa ra tư vấn cụ thể. Theo nhiều BS, các kết quả xét nghiệm chỉ mang tính tham khảo để chỉ định nhập viện hay không.

Điều đáng lưu ý, nếu xét nghiệm không đúng thời điểm sẽ không hiệu quả, từ đó có thể đưa ra kết luận thiếu chính xác, chủ quan, dẫn tới tiên lượng sai, điều trị chậm trễ. Bên cạnh đó, khi nhập viện, bệnh nhân có thể  bị chỉ định làm xét nghiệm lại lần nữa. Việc lấy máu nhiều lần sẽ tạo tâm lý hoảng sợ , đặc biệt đối với trẻ em. Chẩn đoán SXH cần dựa vào nhiều yếu tố, không phải chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm máu.

Chị N.T.V., có con trai 9 tuổi đang điều trị SXH tại BV Nhi Đồng 1. kể, con chị nhập viện ba ngày, may mắn bé được cấp cứu kịp thời. Trước đó con trai chị V. sốt cao. Theo chỉ dẫn của các bà mẹ trên diễn đàn xã hội, chị V. gọi dịch vụ tới làm xét nghiệm máu. Kết quả gửi email cho biết, con chị âm tính với SXH.

Đinh ninh con không bị SXH, sau đó bé lại bớt sốt nên chị chủ quan. Bất ngờ, chân tay bé lạnh toát, đưa vào cấp cứu ở BV, BS lại xác định bị sốc do SXH.

BS Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 1 cảnh báo, nhiều trường hợp khi xét nghiệm âm tính, nhưng lại nhập viện cấp cứu vì bị SXH. “Tất cả các xét nghiệm chỉ để tham chiếu. Chẩn đoán SXH, BS phải căn cứ nhiều yếu tố. Test nhanh SXH đôi khi vẫn cho kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả. Phụ huynh không được chủ quan và tự ý điều trị tại nhà. Sốt cao không rõ nguyên nhân, phải đi BV khám”, BS Phương nói. 

BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH, BV Nhi Đồng 1: Xét nghiệm tìm kháng nguyên SXH chỉ thực hiện khi trẻ bị sốt từ 1-3 ngày. Còn nếu đã sốt trên 5 ngày, phải làm huyết thanh mới chẩn đoán được. Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán SXH chỉ những BV hoặc những trung tâm xét nghiệm lớn mới đủ máy móc và điều kiện thực hiện.

Phụ huynh không nên lạm dụng việc xét nghiệm SXH. Triệu chứng ban đầu của bệnh SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng. Ngay cả khi trẻ bị SXH thì không phải trường hợp nào cũng cần nhập viện. 

Các trường hợp SXH nhẹ, điều trị ngoại trú sẽ được BS hướng dẫn cách lau mát, hạ sốt, bổ sung dưỡng chất, vitamin C nâng cao đề kháng. Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi con thật kỹ lưỡng. 

Khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng: chảy máu chân răng, đi tiêu ra máu, đang sốt cao bỗng dưng bớt sốt, nhưng vẫn lừ đừ thì nhanh chóng đưa trẻ tới BV để được cấp cứu kịp thời. 

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, đến thời điểm này, số ca SXH tại TP.HCM gần 10.200 ca, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. 17/24 quận, huyện có số ca SXH nhập viện gia tăng (Q.12 tăng 85%).

Từ đầu năm đến nay, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 2.000 ca SXH, 3 trường hợp tử vong. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do bệnh nhân nhập viện chậm trễ. Gia đình thường chỉ quan tâm tới tình trạng trẻ sốt cao 3 ngày đầu, khi thấy trẻ bớt sốt lại lơ là, không biết rằng đây là thời điểm bệnh nhân dễ trở nặng và bị biến chứng nguy hiểm.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI