Xét nghiệm máu “chui” hay đoạn trường sinh con ở Trung Quốc - Bài 2: Phòng lab Hồng Kông phát đạt

28/10/2019 - 12:00

PNO - “Nếu bạn xem xét số lượng lớn các phòng lab cung cấp xét nghiệm giới tính ở Hồng Kông, phải có hàng chục trường hợp chuyển lậu máu mỗi ngày”

Để né lệnh cấm xét nghiệm giới tính, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc bắt đầu gửi mẫu máu sang Hồng Kông. Điều này là bất hợp pháp, do Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc hồi năm 2017 đã ra thông báo cấm xuất khẩu máu người.

Tuy nhiên, Hồng Kông cho phép nhập khẩu mẫu máu, miễn là họ không nghi ngờ có chứa chất truyền nhiễm và miễn là giấy phép được bảo đảm. Từ năm 2015, Sở Y tế Hồng Kông đã chuyển ba trường hợp liên quan đến các phòng lab thực hiện xét nghiệm máu trước khi sinh cho cơ quan điều tra, nhưng tất cả đều bị bác bỏ “do thiếu bằng chứng”.

Xet nghiem mau “chui” hay doan truong sinh con o Trung Quoc - Bai 2: Phong lab Hong Kong phat dat
Số mẫu máu được giới chức hải quan Hồng Kông phát hiện trong ba-lô của một bé gái 12 tuổi - Ảnh: CNN

Các phòng lab Hồng Kông chỉ được phép thực hiện các xét nghiệm nếu mẫu máu của bệnh nhân được giới thiệu bởi một bác sĩ đã đăng ký, theo bộ quy tắc hành nghề của Hội đồng kỹ thuật viên phòng thí nghiệm y tế của đặc khu này. Tuy nhiên, nhiều phòng thí nghiệm đã bỏ qua điều này.

Đề cập vấn đề này, ông Kwok Ka-Ki, một thành viên cơ quan lập pháp Hồng Kông đồng thời là một bác sĩ tiết niệu, nói với CNN: “Chính quyền muốn nhắm mắt làm ngơ vì sợ làm tổn thương ngành công nghiệp phòng thí nghiệm y tế của Hồng Kông, vốn là một hoạt động kinh doanh lớn”.

Cho đến nay, chưa có một cuộc điều tra nào của Sở Y tế Hồng Kông dẫn đến khởi tố với lý do mà một phát ngôn viên của cơ quan nói là “thiếu bằng chứng”. Người này nói thêm rằng theo quy định, bất kỳ đơn kiện nào chống lại các phòng lab của Hồng Kông đều do Hội đồng kỹ thuật viên phòng thí nghiệm y tế xử lý.

Ngành công nghiệp xét nghiệm giới tính “ăn nên làm ra” của Hồng Kông được thúc đẩy bằng cuộc xét nghiệm máu gọi là xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT). “Trong khi một thai phụ trước đó phải đợi đến khi bào thai được 4-5 tháng mới biết được giới tính của con mình, thì với NIPT, cô ấy có thể biết sớm nhất là 10 tuần”, CNN dẫn lời ông Tom Shakespeare, một nhà xã hội học người Anh, đồng tác giả một cuộc nghiên cứu về khía cạnh đạo đức của NIPT cho Hội đồng đạo đức sinh học Nuffield (Anh) phát biểu.

Điều này tác động mạnh mẽ đối với các ca phá thai có chọn lọc giới tính. “Chấm dứt thai kỳ ở tuần thứ 10 đơn giản hơn nhiều so với lúc 18 tuần”, ông nói.

NIPT là đứa con tinh thần của giáo sư bệnh lý hóa học Dennis Lo tại Đại học Trung văn Hồng Kông. Đây là phương pháp xét nghiệm sàng lọc dựa trên các ADN tự do của thai nhi có trong huyết thanh mẹ mang thai, có tỷ lệ chính xác cao đến 99%. NIPT được xem là giải pháp thay thế thủ thuật chọc dịch màng ối và sinh thiết gai nhau - hai phương pháp xâm lấn thường được sử dụng để kiểm tra các bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi.

NIPT đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, mặc dù nó không thể được sử dụng để thử nghiệm giới tính. Phụ nữ Trung Quốc có xu hướng sinh con muộn hơn. được khuyến khích bởi sự tham gia ngày càng tăng của họ vào lực lượng lao động cùng việc dỡ bỏ một phần chính sách một con, khiến nhiều phụ nữ sinh con ở giai đoạn nửa sau độ tuổi 30 và nửa đầu độ tuổi 40. Điều đó làm tăng nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh và khiến họ dễ chấp nhận xét nghiệm di truyền trước khi sinh.

Nhưng trong khi ở hầu hết các quốc gia, NIPT cho phép phụ nữ tìm hiểu giới tính em bé ngay sau 10 tuần mang thai, tại Trung Quốc, các bác sĩ không tiết lộ thông tin cho các bà mẹ tương lai. Điều này góp phần thúc đẩy thị trường xét nghiệm giới tính ở Hồng Kông, vốn tăng trưởng mạnh và đều đặn kể từ năm 2015.

Tính đến tháng 9/2019, Sở Y tế Hồng Kông đã điều tra tổng cộng 53 trường hợp liên quan đến việc nhập mẫu máu từ Trung Quốc mà không có giấy phép. “Đây rất có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, dân biểu Kwok nói. “Nếu bạn xem xét số lượng lớn các phòng lab cung cấp xét nghiệm giới tính ở Hồng Kông, phải có hàng chục trường hợp chuyển lậu máu mỗi ngày”. 

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI