edf40wrjww2tblPage:Content
BS khoa Ung bướu, BV Q.Thủ Đức tư vấn cho người bệnh
Tìm ung thư tuyến tiền liệt cho… phụ nữ
Trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, chị T.H.P. (33 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) được bác sĩ (BS) tại một phòng mạch chỉ định xét nghiệm máu tầm soát ung thư (UT). Dựa vào kết quả xét nghiệm, BS chẩn đoán nghi chị P. mắc UT vú hay buồng trứng do chỉ số CA 125 tăng cao. “Tai họa” bất ngờ, con gái mới hai tuổi, chị P. buồn bã.
Được gia đình động viên, chị P. đến khoa Ung bướu - ngoại tổng quát, Bệnh viện (BV) Q.Thủ Đức để kiểm tra lại. Qua thăm khám lâm sàng, chụp phim, xét nghiệm máu, các BS không phát hiện bệnh nhân bị UT. Chỉ số CA 125 trong ngưỡng bình thường. Sau quá trình tìm hiểu, các BS nhận định, nguyên nhân khiến chỉ số CA 125 tăng là do lúc xét nghiệm, chị P. đang vào những ngày hành kinh.
Theo ThS-BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - ngoại tổng quát, BV Q.Thủ Đức, một số phòng mạch căn cứ kết quả xét nghiệm CA 125 để chẩn đoán mắc UT là không đúng. CA 125 tăng ở một số bệnh lý ác tính như: ung thư buồng trứng, vú, tụy, phổi, đại tràng, nhưng ở bệnh lý lành tính, CA 125 cũng tăng như: lạc nội mạc tử cung, thời kỳ mang thai, hành kinh, tràn dịch màng bụng hay màng phổi do lao, xơ gan... Đôi khi, có trường hợp bệnh nhân UT vú, buồng trứng… nhưng chỉ số CA 125 lại không tăng.
Cầm một xấp giấy xét nghiệm do BS ở một phòng khám tư chỉ định, chị H.T.N.H. (34 tuổi, ngụ Q.12) tá hỏa vì có rất nhiều chỉ định xét nghiệm tìm UT, trong khi kết quả khám sức khỏe định kỳ của chị đều tốt. Đến BV Nhân dân 115 TP.HCM tư vấn, chị H. được các BS cho biết, không cần tầm soát UT.
Sau khi xem xét kỹ các phiếu chỉ định, BS Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng khoa Ung bướu và y học hạt nhân, BV Nhân dân 115 giật mình vì chị H. được BS ở phòng khám tư cho xét nghiệm tìm UT tuyến tiền liệt (chỉ có ở nam giới). Thực tế hiện nay, nhiều phòng mạch in sẵn các phiếu xét nghiệm để BS chỉ định và có không ít trường hợp BS đánh dấu một loạt từ trên xuống cho… khỏi sót. Không chỉ có chị H., BV Nhân dân 115 tiếp nhiều bệnh nhân nam đến với tâm trạng hoang mang vì phòng mạch tư chỉ định tìm... UT cổ tử cung...
Để tìm hiểu thực trạng việc các phòng mạch tư chỉ định xét nghiệm UT tùy tiện, tôi ghé ngẫu nhiên nhiều phòng mạch. Bên cạnh những phòng mạch khuyên khách hàng nên đến các BV chuyên khoa UT để tư vấn, tầm soát, có không ít nơi tận dụng sự thiếu hiểu biết của người bệnh để chỉ định nhiều xét nghiệm.
Trước sự hoành tráng của bảng hiệu giới thiệu dịch vụ tầm soát UT của phòng khám đa khoa T.A trên đường Tân Hòa Đông, Q.6, tôi thử ghé vào. Sau khi được tiếp tân ghi thông tin tên tuổi, số nhà và đóng phí 50.000 đồng, tôi được y tá đo huyết áp và dẫn vào phòng khám nội tổng quát để gặp BS tư vấn.
BS Q. nhìn tờ khai trong sổ khám bệnh liền hỏi: “Tầm soát UT hả? Thức ăn bây giờ hóa chất tùm lum, môi trường ô nhiễm… không UT mới là lạ. Hồi sáng giờ ăn gì chưa? Em muốn thử cái gì khác nữa không hay chỉ thử UT thôi? Nếu xét nghiệm tổng quát của em tốt rồi thì cho tìm UT. Để tìm UT thì có hai cách: xét nghiệm máu và chụp phim, siêu âm. Vậy em có chụp phim, siêu âm không hay chỉ muốn xét nghiệm máu thôi?”.
Cầm phiếu chỉ định xét nghiệm, tôi thấy BS Q. đánh dấu hàng loạt chỉ số cần xem xét, thậm chí còn ghi thêm những chỉ số cần xét nghiệm chưa có trong phiếu chỉ định đã in sẵn. Khi tôi nói hôm sau quay lại, BS Q. vội đưa cho cô y tá và nói: “Làm luôn đi chứ quay lại gì nữa!”.
Phiếu chỉ định xét nghiệm tìm ung thư tràn lan của một phòng mạch tư
Đối tượng nào nên tầm soát?
Cầm phiếu chỉ định do tôi đưa, BS Nguyễn Ngọc Anh lắc đầu: “Nhiều người ngộ nhận chất chỉ định xét nghiệm tìm UT là nhằm tầm soát UT. Thực tế, chất này được chỉ định trên người bệnh có các dấu hiệu nghi mắc UT, để từ đó phối hợp xét nghiệm, chụp hình ảnh theo dõi. Đặc biệt, với nam giới mới 30 tuổi thì chỉ định xét nghiệm tìm UT tuyến tiền liệt là không cần thiết. UT tuyến tiền liệt thường ghi nhận ở bệnh nhân trên 50 tuổi, hiếm khi xuất hiện ở tuổi dưới 40. Còn những chỉ số mà BS Q. chỉ định như: AFP (tìm UT gan), CEA (tìm UT đại trực tràng), CYFRA 21-1 (tìm UT phổi), CA 72-4 (tìm UT dạ dày) thì không cần thiết và chỉ chỉ định trên những người đã có dấu hiệu nghi mắc UT như: sụt cân, nhiễm vi khuẩn ở dạ dày, ho khan kéo dài, vết loét không lành, có u… Xét nghiệm tràn lan như vậy sẽ gây lãng phí”.
BS Nguyễn Triệu Vũ khuyến cáo: mục đích của việc tầm soát UT nhằm phát hiện sớm, giúp việc chữa trị đạt hiệu quả cao. Hiện chưa có chất chỉ điểm nào đáp ứng được yêu cầu này trên những bệnh nhân khỏe mạnh, không nằm trong nhóm nguy cơ cao. Ngay cả đối với việc theo dõi bệnh lý ác tính, chất đánh dấu bướu ít khi được dùng đơn độc mà phải kết hợp với phương tiện chẩn đoán hình ảnh và đánh giá của thầy thuốc. Do đó, mỗi năm người bệnh chỉ khám sức khỏe thông thường là đủ và dựa vào những biểu hiện bất thường, BS sẽ tiếp tục cho thử các chất đánh dấu bướu, tránh lãng phí; thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Câu hỏi mà người bệnh thường hỏi BS là “có kỹ thuật nào để phát hiện sớm tất cả các loại UT?”.
Trả lời câu hỏi này, TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM nói: “Hiện chưa có một kỹ thuật nào có thể phát hiện sớm tất cả UT. Để tầm soát UT, chỉ cần khám định kỳ mỗi năm một - hai lần, không cần phải xét nghiệm với các chất chỉ điểm tìm UT. Với phụ nữ, nên tầm soát một số loại UT phổ biến: UT vú, UT cổ tử cung. Nam giới trên 50 tuổi nên tầm soát UT tuyến tiền liệt. Riêng với những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như: nghiện thuốc lá nặng, uống nhiều rượu bia, gia đình có người bị UT, viêm gan siêu vi, thường viêm nhiễm phụ khoa, làm việc trong môi trường hóa chất, đầu bếp…, cần tìm UT với các chất chỉ điểm sinh học, nhưng kết quả cũng chỉ mang tính tham khảo. Để xác định chính xác mắc bệnh UT, cần kết hợp nhiều chẩn đoán khác”.
VĂN THANH