PNO - Do công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã chuyển sang giai đoạn mới nên nhiều chuyên gia cho rằng không nên duy trì xét nghiệm diện rộng như hiện nay.
Anh P.T.L. (ở P.15, Q.8, TPHCM) cho hay, anh đã có giấy xác nhận của địa phương là F0 khỏi bệnh và hoàn thành cách ly. Thế nhưng, trong chưa đầy một tuần nay, anh và hai thành viên khác trong gia đình đều phải xét nghiệm nhanh theo yêu cầu của phường đến ba lần. “Họ để các kit test nhanh trước nhà và sau 30 phút quay lại thu gom cây lấy mẫu xét nghiệm”, anh L. cho biết và cho rằng điều này đối với anh là không cần thiết và tốn kém cho Nhà nước.
Mong ngày mở cửa trở lại, nhưng chị N.T.T.M. ở P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TPHCM hết sức lo âu về việc y tế phường cứ đến khu phố 6 để thực hiện test nhanh. Từ thứ Ba tuần trước đến ngày 28/9 đã xét nghiệm ba lần. “Tùy theo khu vực và các đợt, có khi kêu dân ra điểm xét nghiệm tập trung, có khi đi đến từng nhà để cây xét nghiệm dưới đất để chúng tôi ra lấy. Còn như hôm nay là test lưu động, nghĩa là ai muốn test thì test”, chị M. cho hay.
Chị T.T.N. (ở P.13, Q.6, TPHCM) kể rằng, chị vừa trải qua hai ngày sốc tâm lý cực độ. Vào chiều 23/9, chị thực hiện test nhanh cộng đồng do phường triển khai và được thông báo dương tính. “Tôi là dược sĩ nên ngày nào cũng tự test. Kết quả thông báo dương tính khiến tôi hơi bất ngờ. Tối đó, tôi thử lại thì vẫn âm tính. Hai nhà bên cạnh cũng dương tính. Cán bộ y tế đã lấy mẫu lần hai để kiểm tra PCR”, chị N. cho biết. Khoảng 10g đêm cùng ngày, có một giọng nữ gọi cho chị bảo chuẩn bị đồ dùng đề sáng hôm sau có xe đến đưa đi cách ly. Cả đêm chị không ngủ được vì lo rằng đi cách ly thì đứa con còn chưa cai sữa sẽ như thế nào, hơn nữa, chị cũng tin mình không mắc bệnh.
Xét nghiệm diện rộng tại P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TPHCM trong ngày 28/9 - Ảnh: Quốc Ngọc
Sáng sớm 24/9, chị tự test nhanh tại nhà vẫn âm tính. Khi nhân viên y tế đến đưa đi cách ly, chị đã đề nghị test lại. Bất ngờ là kết quả âm tính. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì chị lại tiếp tục nhận được cuộc gọi vẫn với một yêu cầu là chuẩn bị đồ đạc đi cách ly. “Sang ngày 25/9, tôi test lại vẫn âm tính và chờ kết quả PCR. Cảm giác lo lắng và hồi hộp lại ập đến. Lúc 9g47 phút, tôi nhận được cuộc gọi lần nữa vẫn nói 14g sẽ có xe đón đưa đi cách ly. Tôi bảo chỉ khi nào có kết quả PCR dương tính tôi mới đi. Nhưng đầu dây bên kia nói rằng tôi buộc phải đi”, chị N. kể. Trước sự cương quyết của chị, chị được ở nhà thêm một ngày, trong khi hàng xóm đều đã bị chở vào khu cách ly tập trung.
Vào lúc 17g ngày 25/9, chị N. đã có kết quả PCR âm tính và được gỡ phong tỏa trước nhà. Bi hài là trong lúc niềm vui dâng lên sau hai ngày lo nghĩ, thì chị chạnh lòng khi vài tiếng sau, hàng xóm cho biết bên nhà họ cũng nhận được kết quả PCR âm tính, nhưng người thì bị đưa đi cách ly rồi. “Tôi đang bình thường thì trở thành F0 và rồi trở lại bình thường nhưng may mắn chưa bị đưa đi cách ly. Còn hàng xóm tôi bị cho là F0 phải lên xe ngồi chung với gần 20 F0 khác đến nơi cách ly và khuya 25/9 họ được xe chở về”, chị N. băn khoăn.
Chuyên gia và cơ quan chức năng nói gì?
Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Dũng (về hưu tại Bệnh viện Bình Dân), việc xét nghiệm đại trà không khả thi. Chúng ta chỉ nên xét nghiệm nhanh khu trú tại một điểm nào đó có ca nhiễm mới để phát hiện xem bao nhiêu người trong nhóm đó mà thôi. Làm theo cách này có cơ sở vì TPHCM gần như tiêm đủ một mũi vắc-xin rồi.
“Làm xét nghiệm cộng đồng rất tốn kém dù có làm mẫu gộp, chưa kể làm phiền người dân rất nhiều. Ví dụ gộp 10 mẫu, nếu dương tính, 10 người đó phải làm lại rất khổ sở về tinh thần. Nếu kết quả khẳng định đó có nhanh cũng phải trong 24 giờ. Trong từng ấy thời gian, họ cũng đã tiếp xúc bao người rồi. Tôi cho rằng chỉ khi nào có ổ dịch mới làm thôi. Chi phí vẫn phát sinh nhiều nhưng có lợi là người dân không phải xét nghiệm nhiều vì đã chấp nhận sống chung thì phải tự cẩn thận bảo vệ bản thân”, ông Đỗ Hoàng Dũng nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng, không thể cứ xét nghiệm diện rộng như hiện nay. Cần tiến hành tùy theo vùng. Đi sâu vào cộng đồng xét nghiệm thì đôi khi phí tiền và vẫn không thay thế được vắc-xin. Chỉ cần việc chủng ngừa bao phủ thành phố thì việc người ta nhiễm bệnh có lẽ không thành vấn đề nữa, trừ một số người dù đã tiêm nhưng có bệnh nền. Với những người này thì cần theo dõi đặc biệt. Còn lại đa số đã được chích ngừa thì không còn mối đe dọa cộng đồng.
Một chuyên gia dịch tễ của Đại học Y Dược TPHCM nêu quan điểm, khi đã vào giai đoạn dịch đi vào cộng đồng, xét nghiệm để bóc tách F0 ít có ý nghĩa. Lý do thứ nhất, ở giai đoạn này, chắc chắn số lượng F0 rất lớn trong cộng đồng. Và 90% F0 không có triệu chứng, một số ít dưới 10% có triệu chứng và dưới 1% trở nặng. Tỷ lệ tử vong còn thấp hơn nữa. Lúc này, chỉ cần tập trung phát hiện các ca có triệu chứng và theo dõi xử lý các ca này.
Nhiều người thường đặt câu hỏi nếu không xét nghiệm làm sao phát hiện, bóc tách F0? Vị này nhắc lại phải đặt câu trả lời trong bối cảnh 90% cộng đồng là F0 thì lúc đó sẽ thấy rằng, tất cả ca nặng, có triệu chứng không cần xét nghiệm cũng phát hiện được, bởi chính họ sẽ tự tìm đến cơ sở y tế và tự khai với bác sĩ. Chúng ta chỉ xét nghiệm những ca này, nếu xác định dương tính thì đưa vào theo dõi cách ly.
Lý do thứ hai, khả năng tái nhiễm là không tránh khỏi. Nhưng tỷ lệ không cao và khi đã nhiễm một lần, họ có kháng thể tự nhiên và lần nhiễm sau sẽ nhẹ. Việc xét nghiệm những ca này cho kết quả âm hay dương tính không quan trọng nữa. Một khi bệnh tồn tại trong cộng đồng, về mặt dịch tễ, không bao giờ số ca mắc mới trở về số 0. Do vậy, việc xét nghiệm đi xét nghiệm lại hết sức vô ích.
Tuy nhiên, phó giáo sư - tiến sĩ Bùi Quang Vinh, Trường đại học Y Dược TPHCM, lại nghĩ khác. Theo ông, số lượng mẫu xét nghiệm của Việt Nam còn quá ít so với thế giới và ngay cả Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia. Như tại Úc, đã xét nghiệm 1,4 triệu test trên 1 triệu dân. Việt Nam chỉ mới thực hiện 430.00 test/1 triệu dân. “Vấn đề cần chấn chỉnh ở đây là những mặt yếu kém của xét nghiệm đại trà mà chúng ta đang triển khai, như chi phí, khả năng test âm giả hoặc dương giả, việc lây nhiễm do tập trung đông người… Còn lợi ích của test chắc chắn giúp chẩn đoán dịch trong cộng đồng”, ông Bùi Quang Vinh nói.
Trao đổi với chúng tôi, Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đều cho biết, việc thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND thành phố. Công tác thực hiện xét nghiệm cho từng vùng nguy cơ cơ bản đạt được chỉ tiêu về số lượng lấy mẫu. Kết quả tỷ lệ phát hiện dương tính qua các đợt xét nghiệm có xu hướng giảm dần ở tất cả các khu vực nguy cơ. Điều này cho thấy việc tổ chức xét nghiệm tầm soát đạt được mục tiêu phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý ổ dịch, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.
Trả lời câu hỏi của báo chí về kế hoạch sau ngày 1/10, nếu TPHCM tiếp tục xét nghiệm diện rộng thì sẽ triển khai như thế nào, đại diện HCDC cho hay hiện chưa có chỉ đạo. Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM khẳng định, các nội dung về kế hoạch sau ngày 30/9 đang trong quá trình hoàn thiện trên tinh thần tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia và sẽ cố gắng thông tin sớm nhất đến người dân.
Liên quan đến xét nghiệm, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, cách duy nhất để tìm ra vi-rút là xét nghiệm, nhưng phải làm sao cho khoa học, tiết kiệm, hiệu quả. Xét nghiệm diện rộng không nhất thiết là đại trà toàn bộ người dân.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM, kiến nghị Chính phủ vẫn nên giữ biện pháp giãn cách nhưng cần phải bỏ những biện pháp cực đoan và không thực tế. Theo ông, chỉ nên giãn cách ở khu vực đỏ và không phong tỏa.
Kế đến là nên bỏ biện pháp tập trung cách ly F0 bởi vì “sống chung” không có triệu chứng thì cũng không việc gì phải đưa họ vào khu cách ly. “Tiếp theo, tôi cho rằng cần ngừng lại việc xét nghiệm diện rộng. Đây là chính sách hết sức lỗi thời và tốn kém cho người dân, cho ngân sách và doanh nghiệp”, ông nói.
Song song đó, ông Đinh Hồng Kỳ đề nghị hủy bỏ các chính sách buộc doanh nghiệp phải xét nghiệm 2 - 3 ngày một lần hay một tuần vài lần.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.