Xét nghiệm COVID-19 ở Myanmar “vỡ trận” sau cuộc đảo chính

09/02/2021 - 17:01

PNO - Chương trình xét nghiệm virus COVID-19 ở Myanmar đã mất kiểm soát sau khi cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ hợp pháp của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, kích hoạt một chiến dịch “bất tuân dân sự” do các bác sĩ lãnh đạo và các cuộc biểu tình lớn nổ ra trên khắp đất nước.

Biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu cử hợp pháp Aung San Suu Kyi ở Naypyitaw (Myanmar) ngày 8/2/2021 - Ảnh: Reuters
Biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu cử hợp pháp Aung San Suu Kyi ở Naypyitaw (Myanmar) ngày 8/2/2021 - Ảnh: Reuters

Số lượng các xét nghiệm hàng ngày được báo cáo cuối ngày 8/2 là 1.987 trường hợp - thấp nhất kể từ ngày 29/12, so với 9.000 xét nghiệm một tuần trước đó và trung bình hơn 17.000 xét nghiệm một ngày trong tuần trước cuộc đảo chính ngày 1/2. Tính bình quân, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự, mỗi ngày Myanmar thực hiện được 9.350 xét nghiệm COVID-19.

Số ca nhiễm phát hiện hôm 8/2 chỉ là 4 trường hợp so với mức trung bình 420 ca nhiễm một ngày trong tuần cuối cùng của tháng Giêng.

Khi được hỏi về tình hình này, một phát ngôn viên của Bộ Y tế Myanmar đã từ chối trả lời. Trong tuyên bố hôm 8/2, Bộ kêu gọi các nhân viên y tế giúp hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mới được bắt đầu cuối tháng trước. Tuyên bố của Bộ Y tế có đoạn: Tất cả các nhân viên y tế "được khuyến khích mạnh mẽ quay trở lại nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân”.

Myanmar đã hứng chịu một trong những đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất ở Đông Nam Á với tổng số hơn 141.000 ca nhiễm và 31.177 trường hợp tử vong.

Các nhân viên y tế nước này đã đi đầu trong chiến dịch “bất tuân dân sự” chống lại cuộc đảo chính, họ ngừng công việc của mình để xuống đường yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi và đòi công nhận đảng của bà chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Trước khi cuộc đảo chính nổ ra, chính phủ của bà Suu Kyi đã phong tỏa nhằm giảm sự lây lan của virus cũng như nỗ lực kéo giảm số ca tử vong đạt đỉnh hồi tháng 10, nhưng đất nước Myanmar là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực đã chịu tác động kinh tế khó khăn từ đại dịch.

Lãnh đạo nhóm quân đội làm đảo chính, ông Min Aung Hlaing, người đã loại bỏ và giam giữ bà Suu Kyi, đã hứa trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình quốc gia hôm 8/2 rằng, chính phủ mới sẽ ưu tiên cuộc chiến chống COVID-19, bao gồm cả việc tiêm chủng cho tất cả mọi người.

Quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính với lý do công bố là đảng của bà Suu Kyi gian lận trong cuộc bầu cử cuối năm 2020. Tuyên bố này đã bị ủy ban bầu cử quốc gia bác bỏ.

Thanh Hải (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI