Hàng xóm nói đi bệnh viện được xét nghiệm COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố đã có ca mắc bệnh, số lượng ca đang có dấu hiệu tăng dần khiến người dân lo lắng, nhiều người đến các cơ sở y tế tại TP.HCM yêu cầu được xét nghiệm COVID-19, mặc dù không có triệu chứng bệnh, cũng không có yếu tố dịch tễ gợi ý.
|
Thay vì đi tìm vắc-xin ngừa COVID-19, các bà mẹ nên đưa con đi tiêm ngừa các loại vắc-xin cần thiết theo đúng chỉ định của bác sĩ |
Ngồi ở khu vực tiêm ngừa của Viện Pasteur TP.HCM, bà Trần Thị Giàu (ở Long An) thở dài: “Tôi bắt xe lên đây từ 4g sáng rồi ngồi đợi ngoài kia. Lên sớm để làm xét nghiệm “con vi-rút phổi” mà không được. Bác sĩ nói tôi không có nguy cơ, nhưng mà mấy ngày nay tôi khó thở, ho nữa, sợ lây cho mấy đứa cháu. Ba mẹ tụi nó đi làm hết rồi, gửi về tôi giữ 4 đứa, tôi mà bị bệnh thì tụi nhỏ cũng lây theo”.
Bà Giàu thắc mắc, mấy hôm trước ở xóm của bà, cũng có nhiều người lên thành phố xét nghiệm máu để tìm “con vi-rút phổi gì đó”, người ta được xét nghiệm còn bà thì không. Hỏi ra mới biết, hàng xóm của bà nói như vậy chứ không ai có phiếu báo kết quả.
Bà nói thêm, tuy không được làm xét nghiệm COVID-19 nhưng bác sĩ tại đây đã phân tích cho bà về triệu chứng, vùng dịch tễ, và những yếu tố nguy cơ khác, bà đều không “dính” chỗ nào nên khá yên tâm. “Tốn hơn 100.000 đồng tiền xe, không được xét nghiệm nhưng cũng đỡ lo rồi, bác sĩ nói kỹ lắm, cũng hướng dẫn tôi cách đề phòng “con vi-rút phổi” cho cả nhà, coi như không uổng công”, bà Giàu cười.
Viện Pasteur TP.HCM cho hay, từ khi COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, đã có nhiều người ngoài muốn xét nghiệm COVID-19, cũng yêu cầu được tiêm vắc-xin phòng ngừa loại vi-rút này. Tuy nhiên, tính đến hiện tại trên thế giới chưa có vắc-xin phòng ngừa COVID-19.
Khi nào mới được xét nghiệm COVID-19?
Tương tự trường hợp của bà Giàu, chị Nguyễn Trần Hồng Thu (ở Bình Dương) nghe tin tại địa phương có ca nghi ngờ nhiễm bệnh, cũng đã ôm con gái 5 tuổi đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM xét nghiệm COVID-19 vì bé sốt, nôn ói, tiêu chảy liên tục hai ngày. Mặc dù bác sĩ đã khám bệnh, chẩn đoán bé bị tiêu hóa nhưng chị Thu vẫn không chấp nhận, chị nằng nặc đòi bác sĩ phải xét nghiệm COVID-19 cho con mình.
Chị nói: “Xung quanh nhà tôi đều đi vào đây để xét nghiệm cho mấy đứa nhỏ, tại sao con tôi lại không được xét nghiệm? Nếu bệnh viện không xét nghiệm, tôi sẽ qua Bệnh viện Nhi Đồng 2, hay qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm”.
Nói đoạn, chị ôm con đi, mặc dù thông tin được xét nghiệm COVID-19 chị cũng “nghe hàng xóm nói vậy”.
Những ngày qua, nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng khá đau đầu khi người dân tại các tỉnh miền Tây cũng đến khám, xét nghiệm COVID-19. Theo nhân viên hướng dẫn, mặc dù số lượng người dân yêu cầu không nhiều nhưng tốn rất nhiều thời gian để giải thích bởi các cô, các bác chỉ nghe lời hàng xóm, người quen chứ không chấp nhận tư vấn của nhân viên, hoặc hỏi người này xong, sẽ qua hỏi người khác và lại cho rằng người bên cạnh nhà được xét nghiệm rồi.
Về việc này, tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, triệu chứng như sốt, ho và đau ngực, đau đầu, viêm họng, tiêu chảy… thường thấy ở người bị cảm cúm, nhiễm siêu vi, cúm mùa, cúm gia cầm… và đây cũng là những triệu chứng tham khảo đối với người có nguy cơ nhiễm COVID-19 nhằm sàng lọc, chứ không phải để xác định xét nghiệm COVID-19.
Bác sĩ Hùng nói thêm: “Ngoài biểu hiện bệnh, yếu tố dịch tễ rất quan trọng trong sàng lọc bệnh COVID-19. Ví dụ nếu một người bị ho, sốt vào bệnh viện, nhưng về dịch tễ, người này ở nhà, bản thân và gia đình, những người xung quanh chưa từng đi xa, địa phương chưa có ai bị bệnh thì khả năng người này có bệnh là rất thấp. Nhưng nếu một người mới đi nước ngoài về, nhất là những nước có dịch, tâm dịch, phải sàng lọc ngay”.
Theo bác sĩ Hùng, để xét nghiệm COVID-19, trước đó người nghi ngờ nhiễm bệnh phải được xét nghiệm máu, xét nghiệm chức năng gan, thận, phổi… và rất nhiều xét nghiệm cận lâm sàng khác. Khi các mẫu xét nghiệm này lần lượt đưa ra dấu hiệu nghi ngờ, kết quả ngày càng gần với COVID-19, lúc này bệnh viện mới quyết định xét nghiệm COVID-19 cho người nghi ngờ nhiễm bệnh. Ngược lại, nếu có nghi ngờ bệnh, nhưng các mẫu xét nghiệm cho ra khả năng nhiễm bệnh thấp, bác sĩ sẽ sàng lọc và đưa qua các khu cách ly để theo dõi.
“Bên cạnh đó, chỉ cần có một yếu tố nghi ngờ, người này sẽ được cách ly ngay, và đợi thời điểm thích hợp tiếp tục xét nghiệm COVID-19. Bởi vì, khi một người có nguy cơ, có thể vùng hầu họng đã có vi-rút SARS-CoV-2 nhưng số lượng vi-rút chưa đủ để xác định bệnh, nếu lúc này nhân viên y tế lấy mẫu, sẽ cho ra kết quả âm tính giả, khẳng định quá sớm sẽ bị vi-rút “đánh lừa” rất nguy hiểm”, bác sĩ Hùng nói thêm.
Trên thực tế, bệnh nhân thứ 59 nhiễm COVID-19 tại Việt Nam có kết quả 3 lần âm tính với COVID-19, nhưng lần thứ 4 lại dương tính, bởi vì những lần trước do lượng vi-rút SARS-CoV-2 trong hầu họng chưa đủ, khi phết họng lấy mẫu sẽ cho ra kết quả âm tính giả. Vì vậy, người dân nên hợp tác với nhân viên y tế trong cả việc thực hiện đúng các phương thức phòng, chống COVID-19, khai báo trung thực, cách ly đúng yêu cầu, và không chạy theo tin đồn, ào ạt đổ về bệnh viện, trạm y tế để làm xét nghiệm COVID-19, lúc này nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn.
Theo bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, bệnh viện vẫn đang sàng lọc các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 trong những người đến khám bệnh. Tính đến hiện tại, những người nghi ngờ đều có kết quả âm tính. Tuy nhiên, mọi người cần phải bình tĩnh, nên nhớ rằng ngoài COVID-19 còn những loại vi-rút gây bệnh khác như cúm mùa, cúm gia cầm, siêu vi… vẫn đang song hành, không phải cứ ho, sốt, sổ mũi đều mắc COVID-19.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào được phép thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu. Vì vậy, người dân nên tỉnh táo đừng để bị mắc lừa kẻo tiền mất, tật mang.
Để phòng tránh lây nhiễm, hãy hạn chế tiếp xúc nơi đông người, giữ thói quen rửa tay bằng xà phòng, mang khẩu trang (bất kỳ loại khẩu trang nào nhưng không sử dụng lại; nếu là khẩu trang vải, sau khi mang phải giặt sạch bằng xà phòng và phơi ngoài nắng), súc họng và vệ sinh sạch sẽ.
Khi có việc bắt buộc đến nơi đông người, phải mang khẩu trang; khi nói chuyện giữ khoảng cách xa ít nhất 1 mét; thay khẩu trang, sử dụng nước rửa tay nhanh sau tiếp xúc. Hạn chế sử dụng các thiết bị công cộng như tay nắm cửa, thành cầu thang…
Nơi làm việc, nơi ở cần phải sạch sẽ, thoáng mát, mở cửa cho luồng khí tự nhiên, ánh nắng lùa vào, hạn chế tối đa máy lạnh.
Khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh hoặc đi ngang, về từ vùng dịch phải khai báo y tế rõ ràng, không trốn tránh mới “cứu” được bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh, tự giác trình báo, đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe khi nghi ngờ bản thân đã tiếp xúc hoặc liên quan với người tiếp xúc trực tiếp các ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trường hợp phát hiện người khác có liên quan cũng phải báo ngay với cơ quan địa phương, cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xác định ca nghi nhiễm, ca nhiễm COVID-19 để sàng lọc, cách ly, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Phạm An