Xét nghiệm ADN phân biệt thịt bò: 'Nghe mà buồn cười'

12/04/2016 - 07:42

PNO - Trước tin Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia xét nghiệm ADN để phân biệt thịt bò, nhiều tiểu thương cho rằng cách làm này là không thiết thực.

Vừa qua, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia công bố kết quả giám sát, kiểm tra thịt bò tươi và các sản phẩm làm từ thịt bò tại nhiều quận trên địa bàn TP. Hà Nội khiến người dân không khỏi hoang mang, bức xúc.

Bằng phương pháp tách chiết ADN được thực hiện với các mẫu sản phẩm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiến hành phân tích xác định loài từ đó xác định chính xác thành phần thịt bò - lợn trong các mẫu.

Kết quả khá sốc khi cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều thịt lợn giả thịt bò hoặc các sản phẩm làm từ thịt bò thì không có thịt bò hoặc hàm lượng thịt bò vô cùng thấp.

Cụ thể với 44 mẫu thịt bò tươi thì chỉ có 35 mẫu là thịt bò “xịn”, còn lại 1 mẫu thịt trâu, 8 mẫu thịt lợn. Với 12 mẫu thịt nạm bò thì 10 mẫu là thịt bò, 2 mẫu là thịt lợn.

Với 10 mẫu thịt bò tại cửa hàng phở bò thì phòng phân tích tìm thấy 8 mẫu thịt bò, 2 mẫu là thịt lợn.

Bên cạnh đó, với các mẫu xúc xích, giò bò thì hàm lượng thịt bò cũng là rất thấp, thậm chí có những mẫu tuyệt nhiên không có tí thịt bò nào hoặc có phần trăm thịt bò hỏng ôi thiu.

Trước thông tin này, người tiêu dùng không khỏi lo lắng vì không biết rằng từ trước đến nay, đã bao nhiêu lần mua dính đồ giả, mất tiền thật mua của giả. 

Xet nghiem ADN phan biet thit bo: 'Nghe ma buon cuoi'
Việc bán thịt bò đã trở nên quá phổ biến.

Tuy nhiên khi tham khảo ý kiến những người bán thịt bò lâu năm ở một số chợ thì PV báo Phụ Nữ TP.HCM lại nhận được những ý kiến trái chiều.

Chị M.T.V (40 tuổi), một người bán thịt bò lâu năm ở chợ Phùng Khoang, Hà Đông cho rằng: "Tôi làm ăn buôn bán lâu năm rồi nên không có chuyện nhập thịt lợn nái rồi lòe bịp là thịt bò. Tôi sẵn sàng để cơ quan chức năng xét nghiệm hay muốn làm gì thì làm. Mình bán thịt thật mình không sợ. Chỉ những người bán thịt giả thì mới lo thôi."

Chị V. cho biết thêm: "Nói thật là ở các chợ hiện nay không thiếu gì thịt lợn giả thịt bò mà người mua khó lòng phát hiện ra được. Không phải nói đâu xa chứ ngay như mấy người cùng nhập thịt với tôi cũng không ít người về lấy thêm thịt lợn nái cài vào bán lẫn thịt bò để tăng lợi nhuận. Lời cả trăm ngàn một kg tội gì mà người ta không làm chứ. Những kiểu lòe bịp như thế tôi chứng kiến đầy rồi."

Còn chị N.T.A (37 tuổi) bán thịt bò ở chợ Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Đống Đa, Hà Nội thì cho rằng: "Nghe đến việc mang thịt bò, thịt lợn ra xét nghiệm ADN ra xét nghiệm tôi thấy cứ buồn cười làm sao ấy. Có nhất thiết chỉ như vậy không, thiếu gì cách để nhận biết thịt giả thịt thật chứ. Điều quan trọng là người mua hàng họ không thể xét nghiệm được và vẫn mua phải thịt giả như thường thôi. Thời đại bây giờ, thật thật giả giả lẫn lộn lắm."

Khá đồng quan điểm với chị A., chị H.T.H (43 tuổi), bán thịt bò ở chợ La Khê, Hà Đông thì cho rằng: "Trời ạ có miếng thịt bò cũng lôi ra xét nghiệm ADN. Thử hỏi người đi mua có xét nghiệm được hay không hay vẫn mua dính thịt giả, giò giả như thường thôi. Cái chính là ở người mua, họ cần phải tinh hơn, biết cách chọn thực phẩm."

Sau đó, chị H. cũng nhiệt tình bày cho người tiêu dùng biết cách lựa thịt bò mà không bị nhầm lẫn với thịt lợn. "Thịt bò thật thường có màu hồng đậm hoặc đỏ au khi ngửi có mùi gây, hôi hôi của bò còn thịt bò giả dù được tưới huyết bò vẫn nhạt màu hơn, không đều, không tự nhiên.

Với bắp bò thường có gân đặc trưng, thớ thịt bé và dài, mỡ màu vàng nhạt còn thịt lợn thường có thớ to và ngắn, nhìn không mịn, mỡ màu trắng đục.

Khi chọn thịt, người mua cứ ấn nhẹ tay lên miếng thịt. Nếu là thịt bò thật, miếng thịt sẽ dẻo, khô, ít đàn hồi, thịt dính tay. Với thịt bò giả, ấn tay vào thấy mềm, bở, không có cảm giác thịt dính vào tay. Nếu thấy những miếng thịt nào thỏi bé, được lọc sạch sẽ còn nguyên tảng nạc thì người mua cần chú ý hơn. Vì đó rất có thể là miếng thịt lợn được cài vào. Miếng thịt bò thật thường có thêm mỡ giắt màu trắng đục.

Đặc biệt khi nấu lên, người ăn sẽ rất dễ dàng nhận ra đó là thịt bò hay thịt lợn. Nếu là thịt bò, nấu lên miếng thịt vẫn giữ nguyên màu hồng sậm, ăn có vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng của thịt bò.

Còn với thịt giả, nấu lên màu sẽ nhợt nhạt, ăn vào vị không đậm đà, khô rai, không có vị thơm của bò, thậm chí có mùi hôi".

Theo chị H. đây cũng là cách để người tiêu dùng khi đi ăn các quán ăn, nhà hàng không bị đánh lừa, nếu có chót ăn thì cùng biết đường rút kinh nghiệm cho lần sau để không phí đồng tiền bỏ ra.

Thương Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI