Xét nghiệm ADN phân biệt thịt bò: Không ai làm như thế...

13/04/2016 - 07:31

PNO - "Việc kiểm tra ADN ở người còn khó chứ đừng nói đến kiểm tra ADN ở thịt bán ngoài thị trường", ông Luận cho hay.

Vừa qua Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành điều tra, xét nghiệm các mẫu thịt bò và các sản phẩm làm từ thịt bò tại nhiều quận trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả xét nghiệm cho thấy có rất nhiều thịt bò và các sản phẩm từ thịt bò bị làm giả mà người tiêu dùng rất khó phân biệt được.

Để có được kết quả này, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiến hành việc phân tích xác định loài theo phương pháp tách chiết ADN được thực hiện với các mẫu sản phẩm, do đó cho phép xác định chính xác thành phần thịt bò - lợn trong các mẫu.

Tuy nhiên, đứng trước thông tin Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm phải sử dụng đến việc xét nghiệm ADN để tiến hành phân biệt thịt bò, nhiều người lên tiếng không đồng ý với cách làm này và cho rằng không phải lúc nào cũng đem thực phẩm ra để xét nghiệm được, cần phải có những cách làm khác.

Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết: "Từ trước đến nay tôi chỉ nghe nhiều đến việc xét nghiệm ADN để tìm ra các mối quan hệ ở người chứ sao giờ lại đem thịt heo, thịt bò ra xét nghiệm thì nghe hơi lạ. Còn việc cơ quan xét nghiệm tiến hành theo cách đó thì đó là ý đồ của họ thôi, tôi cũng không nắm được vấn đề này."

Xet nghiem ADN phan biet thit bo: Khong ai lam nhu the...
Ở Việt Nam việc tiến hành xét nghiệm ADN cho thực phẩm ở Việt Nam là chưa nhiều.

Ông Lê Văn Luận, Trưởng chi cục thú ý tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Việc xét nghiệm ADN để phân biệt thịt bò, thịt lợn hay thịt trâu thì ở Việt Nam chưa làm nhiều. Có thể nói, tiến hành phân biệt bằng cách này cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, trước hết là về mặt kinh phí bởi chi phí cho một lần xét nghiệm là rất tốn kém.

Nói về độ chính xác của cách này thì cũng chưa thể khẳng định là chính xác hay không, tôi cũng không dám chắc điều này. Nếu như ở người có thể lấy máu để xét nghiệm còn nếu chỉ lấy xương cốt để xét nghiệm thì cũng chưa chắc. Ở cấp cơ sở chúng tôi thì chưa từng tiến hành bao giờ.

Theo ông Luận: "Việc kiểm tra ADN ở người còn khó chứ đừng nói đến kiểm tra ADN ở thịt bán ngoài thị trường. Về thuyết có thể là đúng nhưng về thực tế thì nó không có cơ sở, không có điều kiện và cũng không ai làm thế cả."

Hiện tại, có quá nhiều thực phẩm, bẩn độc, giả đang trà trộn trên thị trường khiến người tiêu dùng khó lòng phân biệt được bằng mắt thường. Về vấn đề này, ông Luận cho rằng: "Người tiêu dùng cũng không có đủ thời gian và khả năng để kiểm tra tỉ mỉ từng tí một để phát hiện đâu là thịt thật, đâu là thịt giả nên việc phân biệt là rất khó khăn.

Cho nên, điều này phụ thuộc phần nhiều vào các cơ quan chức năng, nếu kiểm tra theo đúng quy trình, văn bản đề ra thì việc xảy ra sai sót là không có. Vấn đề là nhiều nơi vẫn làm theo kiểu chiếu lệ hay qua loa thì mới có sự không chính xác.

Bây giờ, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm một cách tốt nhất các cơ quan chức năng phải làm sát xao khâu kiểm soát giết mổ, kiểm dịch của thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm và chất cấm trong chăn nuôi và thực phẩm."

Thương Nguyễn
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI