Xét hạnh kiểm HS dựa vào mũ bảo hiểm, tại sao không?

14/05/2015 - 08:16

PNO - PN - Đọc bài viết ‘Thật kỳ khôi khi xét hạnh kiểm học sinh dựa vào mũ bảo hiểm’ đăng trên Phụ Nữ Online, tôi cũng xin có mấy ý kiến:

Tôi đồng ý với tác giả, không thể hạ hạnh kiểm học sinh vì lý đi học trễ nhiều lần, không đeo phù hiệu, không mặc đồng phục .v.v.

Nhưng, xét hạnh kiểm học sinh dựa vào mũ bảo hiểm thì tại sao không?

Xet hanh kiem HS dua vao mu bao hiem, tai sao khong?

Nhà tôi ở cạnh một trường THPT. Từ vài năm nay, tôi để ý thường xuyên trong những buổi chào cờ đầu tuần, các em học sinh được nhà trường, thầy cô nhắc nhở phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, ngồi sau xe máy của bố mẹ... Dường như tôi không trông thấy em học sinh bậc THPT nào tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện cho tới khi có sự ra tay quyết liệt của nhà trường (bắt đầu từ tháng 4 vừa rồi). Chế tài, xử phạt của nhà trường đánh vào hạnh kiểm của học sinh tất nhiên cũng có xét thêm các tiêu chí rèn luyện khác nữa để đánh giá.

Cùng với đó là những buổi tuyên truyền an toàn khi tham gia giao thông tới tận trường, các phương tiện truyền thông tha thiết kêu gọi nâng cao ý thức chấp hành luật... nhưng học sinh vẫn không tự giác thực hiện việc đội mũ, hoặc có mang mũ thì bỏ ở giỏ xe để "đề phòng".

Khi chúng ta "ngoan cố" không tự ý thức được tầm quan trọng của chiếc mũ thì chịu chấp nhận một chế tài xử phạt như vậy là hoàn toàn xứng đáng.

Tôi cũng thích "cách chúng ta - những người lớn - làm gương để trẻ em noi theo một cách tự giác, chứ không phải ép các em vào khuôn khổ bằng những hình thức doạ nạt, thậm chí trừng phạt" (ý kiến của tác giả Duy Bách). Nhưng cũng phải nói thêm, hiện nay phụ huynh của các em học sinh rất "có vấn đề" khi tham gia giao thông...

Đó là những vị phụ huynh đi đón con mà đầu không đội mũ bảo hiểm, tự ý dừng đỗ xe chen lấn giữa đường, phóng nhanh, vượt ẩu hoặc đang đi xe máy lại nhổ nước bọt, xả rác bừa bãi ra đường ... Rất nhiều và rất nhiều vị như thế.

Khi người lớn nghĩ chưa "thông" vấn đề nhỏ này thì đừng mong sẽ "làm gương" và dạy bảo được con em mình.

Chuyện chiếc mũ, không thể đổ thừa cho con không đội mũ vì bố mẹ không nhắc. Tự giác đội mũ bảo hiểm tốt hơn đội mũ vì "đối phó"... Nhưng nhìn thẳng vào những con số thống kê học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chúng ta không thể ngồi đó yên tâm chờ đợi tới khi nào các em tự giác.

Qua câu chuyện chiếc mũ, mới thấy được chúng ta thiếu hiểu biết, liều lĩnh và thiếu kỷ luật đến nhường nào!

ANH ĐOÀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI