Xếp lại buồn đau sau một năm dịch bệnh

08/08/2022 - 06:34

PNO - Theo thời gian, những gia đình mất người thân do dịch COVID-19 ở TPHCM đã bớt buồn đau, cố gắng sống vui để lo cho lớp trẻ.

Xếp lại nỗi buồn

Chỉ vào rổ rau củ đã được cắt nhỏ để chuẩn bị cho bữa cơm chay, bà Nguyễn Kim Loan (khu phố 1, phường 15, quận 8) nhắc về người con dâu đã mất cách đây tròn một năm: “Hồi con Trân còn sống, nó hay làm từ thiện. Cứ ngày rằm, mùng Một, nhất là trong tháng 7 âm lịch, nó nấu đồ chay mang đi cho khắp xóm. Đến lúc Trân mất, chồng nó kêu tôi thay vợ nó làm. Nhưng một mình lo năm đứa nhỏ, tôi đâu có thời gian”.

Không thực hiện được mong muốn của con trai, bà mang hết nồi niêu, rổ rá cỡ lớn mà con dâu từng dùng tặng lại cho những người chuyên nấu ăn từ thiện. Bà nói với con trai: “Nếu con có đồng dư nào thì góp cho chùa hoặc cho mấy cô mấy chị làm, chứ má muốn cũng không làm được”. “Vậy tháng Bảy này, má nấu chay giùm con. Con muốn ăn hết tháng” - con trai bà đề nghị. Bà Loan liền gật đầu: “Ừ, con muốn thì má nấu, cả nhà mình cùng ăn”.

Mỗi khi nhìn ba đứa cháu nhỏ mồ côi mẹ, bà Nguyễn Kim Loan (bìa trái) tự dặn mình phải mạnh mẽ để lo cho cháu
Mỗi khi nhìn ba đứa cháu nhỏ mồ côi mẹ, bà Nguyễn Kim Loan (bìa trái) tự dặn mình phải mạnh mẽ để lo cho cháu

Hai tuần trước, gia đình bà Loan đã làm đám giỗ đầu cho con dâu. Con dâu bà mất ngày 19/7/2021. Bà kể: “Trước đó, nó đi khám thai về rồi tự nhiên ho khiến tôi nóng ruột. Xét nghiệm cho kết quả mắc COVID-19, chồng nó đưa nó vô khu cách ly rồi về, nó ở lại một mình trong đó với cái bầu gần tám tháng. Đến ngày 14/7, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho nó sinh sớm. Hôm sau, nó tỉnh dậy, gọi video về nhà nói chuyện rổn rảng, bảo rằng “con khỏe rồi, má với cả nhà yên tâm, vài bữa nữa ổn, hai mẹ con con về”. Nhưng đến ngày 19/7, y tế phường báo nó mất. Nó đi bỏ lại ba đứa con”.

Bà ôm chặt lấy đứa cháu trai mới vừa thôi nôi trước ngày giỗ đầu của mẹ năm ngày, để kìm những giọt nước mắt chực trào ra. “Trời khiến sao thằng bé dễ nuôi, ai cho sữa gì cũng uống. Nó không chỉ là báu vật của ông nội nó đâu, mà cả xóm ai cũng thương, bồng đi chơi giáp xóm. Có khi các sư thầy, ni cô ngoài chùa vô ẵm ra chơi đến khi nào khóc mới trả về”, bà Loan vừa nói vừa hôn tới tấp vào khuôn mặt đứa cháu. Thằng bé trắng trẻo, bụ bẫm, chơi ú òa cùng các chị gái với biểu cảm khuôn mặt khiến cả nhà bật cười. Từ khi thằng bé biết bò rồi tập đi, cả nhà bận rộn hơn, thậm chí nhiều khi “cười ra nước mắt” với những trò nghịch không ai ngờ tới.

Cũng từ ngày có thêm đứa cháu nhỏ, mọi công việc trong nhà cũng đều phải sắp xếp lại. Bà Loan phải nghỉ việc tại quán trà để ở nhà chăm lo cơm nước, học hành cho 5 đứa cháu. Đổi lại, chồng bà tranh thủ chạy xe ôm để kiếm tiền phụ con trai lo tã sữa cho cháu. “Nay trong nhà cứ choàng gánh cho nhau. Cha nó thiếu thì chú nó lo, chú nó thiếu thì còn ông nội”, bà Loan tạm hài lòng với cuộc sống của gia đình hiện tại.

Khi cả gia đình buồn đau, chỉ có bà Loan đủ mạnh mẽ, bình tĩnh để lo mọi việc: “Không phải tôi không đau, mà bao nhiêu việc khiến tôi không còn thời gian để khóc nữa. Cũng vì mấy đứa nhỏ này mà tôi dặn mình phải mạnh mẽ lên. Cha tụi nó cũng vậy, phải gác nỗi buồn đau lại để ráng làm, nuôi ba đứa con”. 

“Mẹ tụi con về trời rồi. Hiếm có ai được về trời như vậy lắm” - bà Loan vẫn thường nói như vậy với hai đứa cháu nhỏ đã có đủ nhận thức để cảm nhận sự hụt hẫng khi mất mẹ. Ngày nào đi học về, hai chị em cũng ghé lại ngôi chùa đang giữ hài cốt của mẹ để đọc kinh, hứa học giỏi để mẹ yên lòng.

Con trai bà Loan làm nhân viên giao hàng cho một công ty tư nhân chuyên về văn phòng phẩm, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Sau khi vợ mất, anh ráng làm thêm, được gần 7 triệu đồng/tháng, vừa giúp anh có thêm tiền lo cho con, vừa khiến anh có ít thời gian rảnh để buồn rầu.

Đứng lên nhờ tình người

“Khoảng thời điểm này năm ngoái, trong hẻm này, rất nhiều nhà có tang” - chị Ngô Thị Lệ Chi, ở hẻm số 10 Bình Đông, tổ 12, khu phố 1, phường 15, quận 8, TPHCM, nói.  

Cụ Nguyễn Thị Chẩn - 81 tuổi, ở khu phố 1, phường 15, quận 8 - nói về đám giỗ sắp tới của con gái mình là Nguyễn Thị Cúc: “Tui định hôm đó làm vài mâm chay rồi cúng ở ngoài chùa luôn, chớ nhà chật vầy, lấy đâu chỗ cho hàng xóm ngồi. Ở nhà, mình thắp hương cho nó là được rồi”. 

Cụ Chẩn có hai người con gái, gồm chị Cúc và chị Hồng. Chị Hồng lấy chồng và định cư ở Đài Loan (Trung Quốc) hơn 20 năm nay. Ngày nghe tin chị Cúc mất, chị Hồng không có cách nào về nước được bởi chi phí đi lại vượt khả năng, hơn nữa, việc về nước lúc cao điểm dịch cũng rất khó. Chị đành gọi điện thoại cho những người hàng xóm nhờ trông coi, giúp đỡ mẹ già. 

“Mẹ tôi sống được qua thời điểm khó khăn đó là nhờ lòng tốt của bà con, hàng xóm. Tôi đi xứ người mới thấy, không ở đâu mà tình làng nghĩa xóm tốt đẹp như ở Việt Nam mình” - chị Hồng xúc động nói khi đã trở về thăm mẹ và chuẩn bị làm đám giỗ chị Cúc.

Cụ Chẩn cũng xúc động: “Tôi sống được là nhờ hàng xóm”. Những ngày cụ đau buồn, hụt hẫng về cái chết của con gái, nhiều người quen và không quen trong hẻm đã mang đồ ăn đến tận nhà, khuyên dỗ cụ ráng ăn. Có hôm, cụ mở cửa ra thì thấy mấy hũ nước yến để trước nhà mà không biết của ai. “Người ta lo lắng cho mình, lẽ nào mình cứ đau buồn hoài. Con Cúc chắc cũng không muốn vậy” - cụ nghĩ. Thế là cụ thôi không nhốt mình trong nhà nữa. Ngày nào khỏe, cụ lội bộ ra chùa Pháp Thiền ở đầu hẻm phụ các ni cô cắt gọt rau củ. “Cũng nhờ vậy mà tui thấy mình khỏe hơn, lòng cũng bớt đau buồn” - cụ tâm sự. Sắc diện cụ Chẩn cũng tốt hơn nhiều so với một năm trước. Giữ nét mặt bình thản, trấn an con gái sắp trở lại Đài Loan, giọng cụ Chẩn cũng trở nên cứng cỏi: “Con cứ yên tâm về bên đó lo chuyện nhà cửa rồi tính tương lai mấy đứa nhỏ. Mẹ bên này ổn, có bà con lối xóm tới lui, hỗ trợ”. 

Thu Lê

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI