Xếp hàng mua đồ khuyến mãi: Nhu cầu thực, chiêu trò, hay hiệu ứng đám đông?

21/09/2017 - 06:59

PNO - Thời mạng xã hội lên đỉnh thì chuyện “9 người 10 ý” càng thịnh hành. Điều này càng thể hiện rõ qua các góc nhìn về hành vi xếp hàng mua hàng khuyến mãi sản phẩm của các thương hiệu mới “chào sân” thị trường Việt.

Xếp hàng chờ… thì sao?

Không sao cả!

Cái nhìn của xã hội về việc xếp hàng chờ đến lượt mua hàng khuyến mãi giảm giá hay để được tặng sản phẩm gì đó, đã không còn khắt khe như hàng chục năm trước.

Vả lại, các chương trình hẹn đúng ngày giờ, sale-off với tỉ lệ 30%, 50% hay thậm chí 70%... đang ngày càng phổ biến, người tiêu dùng quen hơn, xã hội cũng thấy đó là một sinh hoạt thương mại, tiêu dùng bình thường. Có sao đâu!

Trường hợp được đơn cử là vào lúc 11h ngày 9/9/2017 vừa qua thương hiệu thời trang của Thụy Điển H&M khai trương cửa hàng đầu tiên tại tòa nhà Vincom (đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TPHCM).

Xep hang mua do khuyen mai: Nhu cau thuc, chieu tro, hay hieu ung dam dong?
Xếp hàng dài chờ một thương hiệu thời trang ngoại khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.

Theo phía thương hiệu này, ngày hôm đó đã có tới trên 4.000 người rồng rắn xếp hàng chờ được vào mua “thời trang nhanh” (Fast Fashion) giảm giá. Không ít người chạy xe ngang qua nhìn thấy bĩu môi “rãnh quá” hay cho rằng “đánh mất lòng tự trọng”…

Trong khi đó, một nhân viên PR thổ lộ với chúng tôi: “Với thương hiệu như H&M mà bên đó (ý chỉ công ty làm truyền thông, sự kiện) mà không thu hút được đông người tiêu dùng đến chờ mới là chuyện lạ”.

Nghĩa là trong số đông người tiêu dùng Việt, cái tên H&M hay Zara, Uniqlo… đã rất quen thuộc với họ. Và bao năm qua, khi H&M chưa chính thức xâm nhập thị trường Việt Nam, thì đã có nhiều cửa hàng tư nhân nhập về bán theo đường này hay đường khác.

Hoặc mỗi chuyến du lịch đặc biệt là các cô các bà, khi về thường trĩu túi mua các loại thời trang, trong đó có H&M. Nhận định chung là: Giá mềm, chất lượng khá, nhiều mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng thiết kế thay đổi nhanh theo mùa hay từng thời điểm… đáp ứng được lớp người tiêu dùng Việt có thu nhập từ trung bình đến khá vốn đang ngày càng nhiều lên tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.

Nghĩa là, những người xếp hàng kia, họ có nhu cầu thực. Họ từng biết đến những thương hiệu “thời trang nhanh” ngoài H&M còn có những Uniqlo, Zara, Forever 21…

Những thương hiệu này, các shop thời trang nhỏ nhập về thì bán giá trên trời như thương hiệu cao cấp. Khi các thương hiệu chính thức đến Việt Nam, họ định vị một cách rõ ràng và minh bạch, người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng hơn.

Chiêu trò ngày xưa và bây giờ…

Suy cho cùng, việc xếp hàng dài dằng dặc trong dịp khai trương hay mở bán sản phẩm mới rồi cũng sẽ qua đi và chìm vào quên lãng nếu sản phẩm ấy, thương hiệu đó không khẳng định được chất lượng cũng như giá cả không hợp lí.

Một góc nhìn khác, những cái mới đến vốn dĩ được trông chờ, người tiêu dùng luôn có tâm lí là muốn thử trước. Như trường hợp Mc Donald’s khai trương cửa hàng đầu tiên tại TPHCM, tiếp theo đó là càphê Starbucks hay gần đây nhất là cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven…

Xep hang mua do khuyen mai: Nhu cau thuc, chieu tro, hay hieu ung dam dong?
Việc xếp hàng dài dằng dặc trong dịp khai trương hay mở bán sản phẩm mới rồi cũng sẽ qua đi.

Rồi khi số shop của thương hiệu nhân lên, thì hình ảnh xếp hàng ngày khai trương cũng nhạt dần. Hoặc chỉ có những dịp/chương trình khuyến mãi “khủng”, người tiêu dùng mới xếp hàng chờ đợi, đúng “lập trình” tạo ra hiệu ứng đám đông để các thương hiệu sử dụng làm nguyên liệu truyền thông, quảng bá…

Quay lại cách đây khoảng chục năm về trước, các thương hiệu điện thoại hay dùng chiêu mở bán một số lượng nhất định giảm giá đến 50%, thế là không ít bạn trẻ xếp hàng chờ ở tòa nhà Vincom từ đêm hôm trước.

Về sau, chiêu này cũng nhạt dần và cũng ít được các hãng điện thoại áp dụng. Bây giờ, thịnh hành là chiêu “đặt gạch” trên website của các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop… với những phần quà được cho rằng có trị giá vài triệu đồng nhưng không phải lúc nào cũng đạt được như kì vọng.

Ngày trước, thậm chí một số công ty truyền thông và tổ chức sự kiện còn thuê người đứng “lót gạch” để tạo hiệu ứng đám đông chờ đợi mỏi mòn sản phẩm công nghệ hot. Bây giờ ít thấy hơn rất nhiều.

Cũng đúng thôi, chiêu trò cũ rồi qua đi lại đến chiêu trò mới, nhưng cũng chỉ giúp cho doanh nghiệp/thương hiệu quảng bá nhất thời, ngắn hạn. Chứ về lâu dài, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố hàng đầu để thuyết phục.

Nhưng tại thị trường Việt, yếu tố rất quan trọng nữa là giá cả. Thương hiệu đã uy tín và được ưa chuộng, lại còn thỉnh thoảng “xả cửa” khuyến mãi đến 50%, 70%... thì nhất định thu hút được người tiêu dùng. 

Tất nhiên, nếu không có sự chủ động tổ chức, truyền thông từ nhà sản xuất bằng cách này hay cách khác, thì khó mà tạo ra hiệu ứng đám đông.

Nghĩa là những người xếp hàng kia hầu hết xuất phát từ nhu cầu rất thực, nhưng những chiêu trò tạo hiệu ứng đám đông cũng chưa bao giờ hoàn toàn mất đi.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI