Xếp hạng đại học: Chất lượng quan trọng hơn thứ hạng

03/05/2022 - 06:08

PNO - Hàng loạt tổ chức xếp hạng đại học thế giới liên tục công bố các bảng xếp hạng với sự có mặt một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Các chuyên gia nhìn nhận việc này ra sao?

Theo các chuyên gia, xếp hạng đại học (ĐH) là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển, một trong những tiêu chí để đánh giá nền giáo dục ĐH một quốc gia. Để đảm bảo đánh giá xếp hạng bền vững phải gắn với đảm bảo chất lượng, công tác kiểm định chất lượng.

Đa dạng bảng xếp hạng đại học thế giới

Mới đây, tạp chí Times Higher Education (THE) ngày 28/4 đã công bố bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2022 - xếp hạng các ĐH có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững năm 2022, trong đó có bảy trường Việt Nam. THE Impact Rankings không phải là bảng xếp hạng về học thuật, nghiên cứu hay giảng dạy như THE World University Rankings, mà là bảng xếp hạng lấy việc tiên phong thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc làm tiêu chí đánh giá các tổ chức giáo dục ĐH trên toàn cầu. Bảng xếp hạng này đánh giá tầm ảnh hưởng và sự đóng góp của các cơ sở giáo dục đối với sự phát triển xã hội, con người và nỗ lực bảo vệ môi trường. 

Các bảng xếp hạng đại học trên thế giới
Các bảng xếp hạng đại học trên thế giới

Năm 2020, Việt Nam chỉ có hai cơ sở giáo dục ĐH có mặt trong bảng xếp hạng này, và năm 2022 có bảy cơ sở giáo dục. Cụ thể là: ĐH Quốc gia Hà Nội (vị trí 601 -800), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (601 - 800), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (601 - 800), Trường ĐH Phenikaa (801 - 1.000); cùng ba trường mới được xếp hạng năm 2022: Trường ĐH Duy Tân (601 - 800), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (601 - 800) và Trường ĐH FPT (801 - 1.000).

Trong khi hiện nay đang có khá nhiều tổ chức xếp hạng ĐH thế giới với các bảng xếp hạng khác nhau: bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới của QS (Tổ chức Quacquarelli Symonds, Anh) - QS World University Rankings; bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới của THE - Times Higher Education World University Rankings; bảng xếp hạng học thuật các trường ĐH thế giới - Academic Ranking of World Universities (ARWU); bảng xếp hạng SCImago (SCImago Institutions Rankings) - tổ chức gồm các cơ sở nghiên cứu của Tây Ban Nha; bảng xếp hạng ĐH Webometrics của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha); bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới cho “Xếp hạng toàn cầu về các ngành học” - Global Ranking of Academic Subjects (GRAS) của Tổ chức xếp hạng ĐH Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc); CWUR (thuộc Trung tâm xếp hạng các ĐH thế giới - The Center of World University Rankings)…

Vị trí của các trường ĐH Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế vẫn còn khiêm tốn, thường có thứ hạng thấp
Vị trí của các trường ĐH Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế vẫn còn khiêm tốn, thường có thứ hạng thấp

Bên cạnh đó, THE còn có bảng xếp hạng Young University Rankings - các ĐH trẻ tốt nhất thế giới; bảng xếp hạng THE Emerging Economies University Rankings - ĐH thế giới ở các nền kinh tế mới nổi; xếp hạng các trường ĐH thế giới theo các lĩnh vực chuyên môn; bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất thế giới… Tổ chức QS còn có bảng xếp hạng ĐH thế giới: QS World University Rankings (QS WUR); bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 dành cho các trường ĐH có thời gian thành lập dưới 50 năm; bảng xếp hạng các ĐH có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới: QS Graduate Employability Rankings - QS GER…

Thứ hạng đại học Việt Nam còn khiêm tốn

Theo giáo sư Nguyễn Lộc, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, hiện nay có ba bảng xếp hạng ĐH thế giới được coi là uy tín nhất, gồm: QS World University Rankings, THE World University Rankings và ARWU. Các bảng xếp hạng quốc tế được công bố từ năm 2003 nhưng đến năm 2019, lần đầu tiên hai cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM mới có mặt ở bảng xếp hạng ĐH thế giới của QS.

Đến nay, số trường ĐH Việt Nam có mặt trong ba bảng xếp hạng uy tín nêu trên rất ít, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân. Vị trí của các trường ĐH Việt Nam trên bảng xếp hạng quốc tế vẫn còn khiêm tốn, thường có thứ hạng thấp. Theo bảng xếp hạng năm 2022 của QS, hai ĐH quốc gia Hà Nội và TPHCM cùng trong hạng 801 - 1.000, Trường ĐH Tôn Đức Thắng: 1.001 - 1.200 và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: 1.201+.

Đến hết năm 2019, không có ĐH nào của Việt Nam được xếp hạng của THE. Các năm 2020 và 2021 chỉ có hai ĐH quốc gia Hà Nội và TPHCM cùng với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có mặt trong THE với thứ hạng từ 801 - 1.001+. Năm 2022, THE công bố ngoài ba trường trên, lần đầu tiên xuất hiện Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân. Đáng chú ý, hai trường này mới vào đã có thứ hạng rất cao là 401 - 500, trong khi đó ba ĐH “đàn anh” trên tụt thứ hạng xuống còn 1.001 - 1.200 và 1.200+.

Nếu nhìn sang bảng xếp hạng QS thì hai ĐH quốc gia Hà Nội và TPHCM cùng với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng, tùy thời điểm thường có mặt trong những năm 2020, 2021 và 2022. Trường ĐH Tôn Đức Thắng luôn có thứ hạng thấp hơn các trường khác. Đáng chú ý, Trường ĐH Duy Tân hiện đang có các vị trí xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng thế giới như QS Rankings, CWUR, URAP, Webometrics… và mới đây là Shanghai Ranking. 

Lo ngại xếp hạng đại học dỏm

Theo giáo sư Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, thực trạng liêm chính khoa học ở Việt Nam thật sự nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn không chỉ cá nhân mà còn có cả trường ĐH vi phạm liêm chính khoa học. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam đang tiệm cận Pakistan, nước vốn nổi tiếng thế giới về thành tích công bố dỏm và xếp hạng ĐH dỏm. Thậm chí, một số trường ĐH chúng ta còn tinh vi hơn họ trong việc ngụy tạo thành tích nghiên cứu để có xếp hạng cao trên thế giới. Cứ tưởng tượng xem nếu chúng ta cho phép tồn tại những ĐH hay giáo sư kiểu này, thì họ sẽ đào tạo ra những con người cũng coi chuyện giả mạo là bình thường”.

Trường ĐH Duy Tân hiện đang có các vị trí xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng thế giới như QS Rankings, CWUR, URAP, Webometrics…
Trường ĐH Duy Tân hiện đang có các vị trí xếp hạng cao trên các bảng xếp hạng thế giới như QS Rankings, CWUR, URAP, Webometrics…

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng xếp hạng ĐH có ưu điểm làm nền tảng cho công tác đảm bảo chất lượng các trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. “Các trường ĐH Việt Nam cần chọn bảng xếp hạng phù hợp và đầu tư có trọng điểm. Để đảm bảo đánh giá xếp hạng bền vững phải gắn với đảm bảo chất lượng, công tác kiểm định chất lượng. Đồng thời phải xây dựng đơn vị chuyên trách về quản lý, phân tích số liệu giáo dục và xây dựng trung tâm độc lập đánh giá tác động của các cơ sở giáo dục ĐH”, ông Chính nói.

Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cũng cho rằng việc xếp hạng ĐH rất quan trọng với tất cả các bên. Đối với nhà trường, xếp hạng ĐH sẽ giúp trường biết được mình đang ở đâu, còn thiếu gì. Đối với Nhà nước, có thể chọn được trường ĐH mạnh để đầu tư. Đối với người học, giúp họ chọn được trường học phù hợp. Các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu nên quan tâm và đăng ký tham gia các bảng xếp hạng quốc tế khi thấy đủ tự tin, nhưng không vì thế mà chạy đua theo bằng mọi giá. 

Đầu tư không đúng sẽ khiến xếp hạng đại học bị méo mó

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Hải Quân, mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí và phương pháp đánh giá khác nhau, vì thế sẽ không thể cho rằng một trường ĐH có tên trong bảng xếp hạng này sẽ là tốt hơn so với các trường trong bảng xếp hạng khác. Nhưng với mỗi bảng xếp hạng, các trường có thể tự thấy mình đứng ở đâu, có những thế mạnh, ưu điểm nổi bật nào cũng như các điểm yếu cần khắc phục để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu đầu tư không đúng, ví dụ như quá chú trọng vào công bố khoa học và xem nhẹ công tác đào tạo, kiểm định chất lượng theo các chuẩn mực quốc tế thì sẽ làm cho việc xếp hạng ĐH bị méo mó, không phản ánh đúng bản chất của giáo dục ĐH, thậm chí làm phát sinh tiêu cực.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, cho rằng xếp hạng ĐH là một cuộc chơi khắc nghiệt, vì mỗi bảng xếp hạng có một phương pháp, quy tắc riêng - và bởi ĐH là một thực thể rất phức tạp (các trường kém nói chung giống nhau, còn tốt thì mỗi trường tốt một kiểu), nên khó có quy tắc nào phù hợp với tất cả. Thực tế, việc gian lận để có số liệu đẹp nhằm tăng hạng là căn bệnh từ ta đến Tây đều có.

Thu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI