Xem xét phương án đưa phi công Vietnam Airlines mắc COVID-19 về Anh

21/05/2020 - 13:00

PNO - Ngoài ghép phổi, phương án đưa phi công Vietnam Airlines về nước cũng đang được xem xét, dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Phổi của bệnh nhân 91 đã hoạt động 30%
Phổi của bệnh nhân 91 đã hoạt động 30%

Ngày 21/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết, dung tích vùng phổi hoạt động được của bệnh nhân thứ 91 (43 tuổi, phi công của Vietnam Airlines) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã tăng lên 30% thay vì chỉ 10% như cách đây gần 1 tuần.

Sáng nay, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để hội chẩn, chuẩn bị đón bệnh nhân 91 sang tiếp tục điều trị. Hơn 10 ngày qua, bệnh nhân này đã âm tính với SARS- CoV-2, với 6 lần xét nghiệm. Kết quả nuôi cấy virus chưa thấy sự hoạt động của virus. Bệnh nhân chính thức khỏi bệnh COVID-19.

Tới nay, bệnh nhân 91 vẫn không có người nhà đến nhận hay thăm nom. Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, bệnh nhân đã được các y, bác sĩ Việt Nam chăm sóc rất tích cực.

Chỉ trong 1 tuần qua, đã có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho viên phi công này, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi nhất 76 tuổi. Dù vậy, ông Khuê khẳng định, bệnh nhân này cần ghép toàn bộ phổi (gồm cả 2 thùy phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp.

Đặc biệt, ngoài phương án ghép phổi, một phương án nữa đang được xem xét là chuyển bệnh nhân về Anh vì hiện anh đã khỏi bệnh COVID-19. “Một bác sĩ người Isarel đã nhắn tin cho tôi, bày tỏ ý muốn tình nguyện chở bệnh nhân này về Anh. Tuy nhiên, về vấn đề này, chúng tôi cần báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế để cân nhắc" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Cụ thể, việc chuyển bệnh nhân ít nhất cũng phải đợi đến khi anh này tỉnh lại và nhiều chỉ định khác. Hiện sự sống bệnh nhân đang phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể), nhiều thuốc mê, an thần.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI