Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là một trong những đơn vị có sự đóng góp lớn cho bộ môn nghệ thuật này tại miền Nam nói riêng, cả nước nói chung. Trên sân khấu nhà hát, nhiều vở cải lương kinh điển đã từng chiếm trọn trái tim khán giả, người hâm mộ. Riêng soạn giả Trần Hữu Trang đã để lại cho đời nhiều kịch bản sống mãi với thời gian. Các vở diễn góp phần tạo nên tên tuổi của loạt nghệ sĩ kỳ cựu như: NSND Lệ Thủy, NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Thoại Miêu, NSND Thanh Vy, NS Hồng Nga…
Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập nhà hát, nhiều trích đoạn trong các vở cải lương kinh điển của soạn giả Trần Hữu Trang cũng như các vở đã thành công tại nhà hát này được các nghệ sĩ đi sau tái diễn.
NS Đoàn Minh và NS Mỹ Linh thể hiện trích đoạn trong vở Rạng ngọc Côn Sơn. Vở diễn được tác giả Xuân Phong viết xong vào năm 1981, là một trong nhiều kịch bản thú vị về đề tài lịch sử. Thông qua hình tượng Nguyễn Trãi cảnh báo về nạn công thần, tài năng bị vùi dập, quan tham, nịnh thần thao túng triều đình. Đây là vở diễn từng ăn khách hơn mười năm liền trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang. Năm 1985, vai diễn Nguyễn Trãi trong vở này cũng giúp NSND Minh Vương nhận giải A trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc.
|
NS Đoàn Minh và NS Mỹ Linh trong trích đoạn Rạng ngọc Côn Sơn |
NS Hà Như tái hiện lại trích đoạn nhân vật Nguyệt gặp lại thầy Minh trong vở cải lương kinh điển Tô Ánh Nguyệt. Đây là kịch bản được soạn giả Trần Hữu Trang sáng tác năm 1935-1936. Tác phẩm gắn liền với tên tuổi của NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương và NSND Trọng Hữu.
Riêng tại Sài Gòn, NSND Lệ Thủy thường diễn chung với NSND Minh Vương, còn ở các tỉnh miền Tây thường bắt cặp với NSND Trọng Hữu. Đây là vở cải lương ăn khách bậc nhất vào khoảng thập niên 1980, 1990. Kịch bản gây xúc động bởi số phận éo le, sự bao dung, vị tha của người phụ nữ trước những giằng xé, bi kịch của cuộc sống. NSND Lệ Thủy đã diễn vai này hơn 1.000 lần trên các sân khấu tại Việt Nam lẫn hải ngoại. Vở diễn này đã từng phục vụ khán giả nhiều lần tại rạp Hưng Đạo, nay là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
|
NS Hà Như vào vai Nguyệt trong trích đoạn Tô Ánh Nguyệt |
Cùng trong giai đoạn sáng tác Tô Ánh Nguyệt, soạn giả Trần Hữu Trang cũng cho ra đời Đời cô Lựu, cũng lấy sự éo le, bi kịch của người phụ nữ làm chủ đạo, để từ đó bật lên tình yêu thương, nỗi thống khổ của con người trong xã hội với quá nhiều sự bất công. Đây được đánh giá là một trong những vở cải lương hay nhất trước năm 1975.
Đời cô Lựu từng được NSND Phùng Há, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Thanh Nga thể hiện. Sau này, tác phẩm gắn liền với tên tuổi của NSND Bạch Tuyết, NSND Diệp Lang, NSND Minh Vương, NSND Ngọc Giàu, NS Thành Được… Vở này đã được diễn hơn 1.000 suất, con số rất ấn tượng. Trong dịp đặc biệt này, trích đoạn cô Lựu chia sẻ sự thật với Kim Anh do NSƯT Lam Tuyền và NS Diễm Thanh đảm nhận.
|
NSƯT Lam Tuyền và NS Diễm Thanh trong trích đoạn Đời cô Lựu |
*Trích đoạn Đời cô Lựu - NSƯT Lam tuyền, NS Diễm Thanh:
NS Tô Tấn Loan và NS Tấn Lộc thể hiện trích đoạn trong vở Nàng Xê Đa, tác phẩm làm nên tên tuổi của NSND Thanh Vy (một trong những NS đầu tiên khi nhà hát thành lập), cố NSƯT Phương Quang… Đây cũng là vở diễn có hơn 1.500 suất, trong đó có những ngày NSND Thanh Vy diễn đến 3 suất tại rạp Hưng Đạo. Có lần, bà diễn nhiều quá đến nỗi mất tiếng. Gần đây, Nàng Xê Đa được soạn giả Hoàng Song Việt và cộng sự dựng lại.
Ngoài ra, nhiều trích đoạn khác trong các vở kinh điển, hoặc thành công gây tiếng vang của nhà hát được tái hiện như: Rồng phượng, Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Chiếc áo thiên nga… Với khán giả mộ điệu cải lương, những vở diễn này không còn xa lạ. Trong đó, nhiều vai diễn trở thành huyền thoại, khuôn mẫu để các thế hệ đi sau học hỏi. Các trích đoạn được tái hiện ít nhiều gợi lên hình ảnh về thời hoàng kim của nghệ thuật cải lương. Trong nỗi nhớ mong, các nghệ sĩ cũng có nhiều kỳ vọng.
|
NSƯT Lê Trung Thảo trong trích đoạn Rồng phượng |
NSND Thoại Miêu kỳ vọng với những thành quả đã có trong quá khứ, nhà hát sẽ tiếp tục có những vở diễn đột phá trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh sân khấu nói chung, cải lương nói riêng khá khó khăn. Trong đó, bà nhấn mạnh hiện tại nhà hát có nhiều nhân lực trẻ nên cần táo bạo, mạo hiểm hơn. Bà nhắc lại sự thành công của Chiếc áo thiên nga cũng nhờ sự mạnh dạn, táo bạo mới có được, trong giai đoạn cải lương có dấu hiệu xuống dốc.
Trong cuộc tọa đàm trước khi đêm diễn bắt đầu, NSƯT Lê Thiện cũng nhấn mạnh việc người trẻ giữ nghề sẽ nhiều chông gai hơn thế hệ của bà vì có quá nhiều trở ngại. Tuy nhiên, bà mong nghệ sĩ, cũng như người lãnh đạo sẽ dám làm, mạnh dạn, sai thì chịu trách nhiệm và sửa, mới hy vọng tiến bộ hơn trong tương lai. Làm sao để sân khấu có thể hút khách trở lại, hoặc được như các vở diễn trước đây là mục tiêu cần tiến tới trong bối cảnh yêu cầu văn hóa phải đóng góp vào kinh tế.
Trung Sơn