Đọc bài Chấm dứt ngay kiểu “sáng tạo nội dung” coi thường phụ nữ! trên báo Phụ Nữ TPHCM, tôi rùng mình không biết khi nào thì mình trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của những kẻ bệnh hoạn, vô đạo đức được đăng tải trên TikTok.
Do đặc tính ngắn nhưng lại cần truyền tải thông điệp mạnh mẽ để thu hút tương tác của người xem, những người dùng TikTok thường lồng vào đó nội dung gây sốc, chặt chém, càng giật gân càng tốt. Nhiều người đã bất chấp các chuẩn mực chung của xã hội, miễn có nhiều người xem và tương tác là được.
Những nội dung mang tính giáo dục, truyền tải những thông điệp tích cực, mang tính xây dựng thì ít mà ngược lại nội dung phô trương cách ăn mặc sang chảnh, lối sống xa hoa, đề cao lối sống hưởng thụ, "bóc phốt" nghệ sĩ... không loại trừ cả lừa đảo thì tràn lan.
|
Thực tế đang có một bộ phận giới trẻ chơi TikTok theo kiểu "ăn TikTok, ngủ TikTok" (ảnh minh hoạ) |
Một số nội dung có vẻ nghiêm túc như dạy làm giàu, bí quyết giữ sức khoẻ, chữa bệnh, ăn uống lành mạnh, giữ gìn hạnh phúc gia đình... thì na ná nhau, chủ yếu sao chép từ các nguồn khác và không có gì để kiểm chứng về độ chính xác, tin cậy. Điều này nguy hiểm khi được nhiều người dễ dãi tin và làm theo mà không lường được hậu quả.
Nhiều nội dung trên TikTok khá... xàm, dễ dãi, hời hợt, dù biết để giải trí là chính nhưng không khỏi lo ngại về mức độ ảnh hưởng tiêu cực nếu người xem không đủ bản lĩnh, kiến thức và cả sự trưởng thành để phân định đúng - sai, tốt - xấu, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên.
Những nội dung này không chỉ đầu độc tinh thần của người xem, sự độc hại còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày từ việc làm theo những "lời khuyên, bí quyết" của các "chuyên gia" trên TikTok. Người lớn thì tin sái cổ trong việc làm đẹp, ăn kiêng, chữa bệnh bằng cây cỏ. Thanh thiếu niên thì học đòi thần tượng, yêu như phim, ăn mặc phản cảm, thậm chí tìm ăn những món chẳng giống ai như trà sữa hành lá, nhưng tự hào mình là người biết "đu trend".
|
Trở thành "hot TikToker" là một "giấc mơ có thật" của không ít người, bất kể già trẻ lớn bé (ảnh minh hoạ) |
Với những "hạt sạn" đáng kể như thế, tôi chọn không dùng TikTok như một thông điệp mà mọi người vẫn hay ngầm thông báo đến những người xung quanh: cách dùng mạng xã hội sẽ cho biết bạn là người như thế nào dù vẫn biết nếu cực đoan như thế, tôi có thể bỏ lỡ nhiều nội dung đáng tiếc.
Mạng xã hội là xu hướng phát triển chung của công nghệ số trên toàn thế giới nên Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng muốn "hoà nhập" cũng cần kiểm soát và có chọn lọc chứ không thể chấp nhận "hoà tan", càng không thể quản không được thì cấm như ý kiến của không ít người.
Ở đây có thể thấy thiếu sót trong việc quản lý nội dung của các bên liên quan, cụ thể là đại diện của Tiktok tại Việt Nam. Xa hơn nữa là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa có giải pháp xử lý quyết liệt.
Xét về mặt trách nhiệm, để TikTok như một cái lẩu thập cẩm với nhiều "nguyên liệu" độc hại như hiện nay, không thể không nhắc đến vai trò của người xem. Nếu có ý thức xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh vì lợi ích chung, thiết nghĩ người xem cũng cần phát huy quyền của mình, biết nói không hay mạnh mẽ hơn là tẩy chay những nội dung, tác giả (hay tác phẩm) bẩn để các thể loại phi văn hoá không có đất tồn tại và phát triển. Được như vậy, chúng ta sẽ không mất đi một kênh thông tin, giải trí thú vị chứ không toàn những điều vô bổ mà ngược lại, sẽ có nhiều lựa chọn hơn để tiếp cận với thế giới mạng đa sắc, đa chiều này!
Lê Thị Ngọc Vi