Xem "Song lang" nhớ cải lương xưa

24/02/2021 - 15:33

PNO - Nhìn bàn “tiệc xi nê” hơn 5 năm qua, bạn thấy gì? Tôi không dám chắc món ''Song lang'' là tuyệt đỉnh, nhưng thiếu ''Song lang" thì bàn tiệc ấy thật vô vị.

1. Tôi sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ. Tôi không phải người Sài Gòn và cũng chẳng biết gì nhiều về Sài Gòn. Vậy mà xem Song Lang, Sài Gòn những năm cuối thế kỷ XX hiện lên rõ mồn một. Sài Gòn lấp lánh vài mảnh kim sa mắt gà. Sài Gòn hoa lệ rạp Kim Châu cũ. Tôi chỉ nghe, đọc và mường tượng về cô đào Thanh Nga, minh tinh Thẩm Thúy Hằng; tôi cũng đâu biết Loan Mắt Nhung, Đại Ca Ca Thay ra sao, nhưng xem Song lang, tôi cảm giác đâu đó những đại diện của Sài Gòn xưa đang phả hơi thở vào từng thước phim. Tất cả phù trợ cho tác phẩm, để họ được hả hê và thảnh thơi ở một thánh đường nghệ thuật nào đó.

Xem Song lang chợt nhớ sân khấu cải lương của một thời
Xem Song lang chợt nhớ sân khấu cải lương của một thời

2. Lần đó, trong chương trình Sài Gòn - Bà đỡ của nghệ thuật cải lương, giữa hơn vài chục khán giả, tôi là cậu bé nhỏ tuổi nhất, và… tôi không thích cải lương. 

Tôi được biết xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho ngoài chức năng giao thông còn là bà đỡ của nghệ thuật cải lương. Mà nói về cải lương, trong thời điểm năm 2019 thì không thể không nhắc đến Song lang, ra đời trước đó một năm. Tôi chứng kiến đôi vợ chồng già bật khóc khi tâm sự về những thước phim tái hiện lại ký ức của họ. Họ nhớ về một thời hưng thịnh của cải lương, khi nhà nhà mê hát, người người đi xem hát. Cũng trong chương trình này, tôi mới biết từng có một nghiên cứu chỉ ra rằng có đến năm đoàn cải lương trên truyền hình, và 44% người xem được hỏi đã trả lời họ thích cải lương. Tôi cố hiểu rằng cái “rating” ấy chẳng khác nào rating của một bộ phim Hàn Quốc đình đám.

Tham dự chương trình còn có một vị khách Pháp. Tôi không nhớ rõ chi tiết ca từ cảm thán của ông ấy, nhưng ông không hề khen suông. Ông cảm ơn đạo diễn Leon Quang Lê vì đã sản xuất một bộ phim khiến một người ngoại quốc như ông phải trầm trồ. Cải lương và Song lang chẳng thua kém gì các bộ môn nghệ thuật và phim ảnh nước ngoài.

Song lang ra đời tại thời điểm kỷ niệm 100 năm cải lương. Nhiều người cho rằng đó là một bộ phim tài liệu. Nhưng Leon nói anh không làm phim tài liệu, càng không làm phim tài liệu về cải lương hay Sài Gòn. Anh chỉ cố gắng tái hiện những hình ảnh chân thật nhất về thành phố anh từng sống. 

Buổi chiếu phim Song lang tại Đường sách TP.HCM
Buổi chiếu phim Song lang tại Đường sách TPHCM

Trong năm 2019, chương trình Câu chuyện cải lương: Thật và đẹp diễn ra tại Đường sách TP.HCM là một trong những sự kiện thu hút nhiều người nhất mà tôi từng chứng kiến. Trong suốt hai ngày sự kiện, sân khấu lúc nào cũng đông. Buổi chiếu phim Song lang và giao lưu với đoàn phim là ấn tượng hơn cả. Tôi nhớ như in cảnh nhân vật Dũng thiên lôi bị đâm trước rạp hát. Tất cả đồng loạt lặng thinh, đâu đó có tiếng thút thít. Cái lặng im ấy đơn điệu nhưng cũng thật giằng xé. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi xem phim ngoài trời và chứng kiến một cảnh tượng đẹp đến vậy. Họ đâu chỉ yêu Song lang, họ còn yêu cải lương. Họ thương Dũng, thương Linh Phụng, và thương cả Leon Quang Lê.

Soạn giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, tại sự kiện, kể từng làm việc với nhiều đạo diễn, nhưng không phải ai cũng có cái trăn trở nghệ thuật như Leon. Cả hai như tri kỷ, đồng hành như hai tín đồ của thánh đường nghệ thuật cải lương. Sau Song lang, Leon dự định làm sách về bộ phim này. Và cuối cùng, sau Song lang điện ảnh, công chúng còn được thưởng thức thêm một phiên bản khác của Song langSong lang nhìn lại.

3. Ở Việt Nam, liệu có mấy cuốn sách được xuất bản sau khi phim ra đời? Hơn 200 trang sách là những gom nhặt tất cả tình yêu của khán giả dành cho Song lang về một mối. Ở đó, ngoài những khung hình mà mỗi bức đều có thể làm được một poster, người xem còn thổn thức và bất ngờ vì những câu chuyện chưa kể.

Trước khi Song lang ra đời, cả đạo diễn Leon Quang Lê và soạn giả Minh Ngọc đã có mười năm tri kỷ, vì cùng sẻ chia niềm đam mê phim ảnh và cải lương. Năm 2007, khi trở về Việt Nam lần đầu tiên, Leon dự tính sẽ dàn dựng một vở cải lương để thỏa mãn niềm đam mê thời thơ ấu của anh. Nhưng sau khi gặp soạn giả Minh Ngọc, anh quyết định chuyển dự án từ sân khấu sang điện ảnh.

Ngoài hai nhân vật chính là Dũng thiên lôi và Linh Phụng, tạo hình cho Lan (Thanh Tú) cũng là một điểm nhấn của phim. Leon cho biết tạo hình ấy lấy cảm hứng từ những cô bạn học từ thời cấp II của anh với tóc chải keo dựng cao, mái cong rất thịnh hành thập niên 80 bởi phong trào phim bộ Hồng Kông lúc bấy giờ.

Sách Song lang nhìn lại
Sách Song lang nhìn lại

Song lang nhìn lại đâu chỉ tái hiện Sài Gòn qua một mái tóc, mà còn nhiều hình ảnh ấn tượng khác. Đoàn phim được giới thiệu đến rạp Kim Châu, một trong những rạp hát cải lương xưa, và chuyến du hành vượt thời gian bắt đầu. Phần phục trang cải lương được thực hiện thủ công với cách kết kim sa mắt gà ngày xưa do chị Kim Phượng - truyền nhân của đoàn tuồng cổ Huỳnh Long hỗ trợ. Dù thời lượng của cải lương trong phim không nhiều, nhưng ai cũng nhận ra được cái thời vàng son của cải lương qua những chi tiết rất nhỏ ấy.

Tâm huyết của Leon không chỉ là kỳ công phục dựng hình ảnh, mà còn là 11 bản cổ nhạc và những trích đoạn được sử dụng trong phim do Leon chắp bút.

Song lang ra đời đã gần ba năm. Mỗi lần nhìn lại, Song lang được nhìn nhận như một tác phẩm đặc biệt của điện ảnh Việt. Cũng vì lẽ đó, trong công trình 101 Bộ phim Việt Nam hay nhất của nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm, Song lang xuất hiện ở vị trí cuối cùng trong năm cuối cùng của cuốn sách. Mỗi năm chỉ có hai bộ phim xuất hiện, và Song lang xứng đáng nhận được vị trí đó.

Rõ ràng, Song lang vẫn là một món ăn được trên “bàn tiệc” xi nê trong hơn 5 năm qua. Và Song lang nhìn lại, dù là một bộ phim hay một cuốn sách thì cả hai đều xứng đáng là những tác phẩm có giá trị để xem, để đọc. 

Như Ý

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI