Đất cưu mang những phận đời chìm nổi. Đất nghèo khó khiến con người lầm lạc. Thời cuộc tạo nên bi cảnh. Nhưng cũng chính từ đất ấy, rừng đước mọc lên, xanh biếc bao bọc. Trong cơ hàn bĩ cực là vẻ đẹp hiện sinh của đời người…
Phim Cơn giông (kịch bản Ngô Hoàng Giang, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Lê Văn Thảo, đạo diễn Trần Ngọc Phong, hãng phim Giải Phóng sản xuất) từng được chiếu trên VTVGo dịp Liên hoan phim lần thứ XXII vào tháng 11. Bộ phim vừa chính thức ra mắt khán giả TP.HCM vào tối 22/12.
|
Tình đất, tình người đẫm đầy trong tác phẩm điện ảnh Cơn giông |
Cơn giông là một trong số ít phim được nhà nước đặt hàng, dự án đã nhận được sự quan tâm của nhiều người từ khi phim còn đang trong quá trình ghi hình. Đây cũng là dự án tâm huyết ấp ủ rất nhiều năm của đạo diễn Trần Ngọc Phong.
Đoàn làm phim chọn rừng đước Cần Giờ để thể hiện bối cảnh Cà Mau thập niên 1980 trên màn ảnh. Cú máy flycam đầu phim mở ra một không gian thoáng đãng, xanh biếc rất đẹp về hình ảnh của rừng ngập mặn. Và ẩn sau vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời ấy, là những phận người miền Tây Nam bộ.
Bằng (diễn viên Trung Dũng đóng) - từng đi tù vì tội kinh tế sau giải phóng - trở về quê xưa tìm nguồn cội. Long Trọc (diễn viên Thạch Kim Long) vì muốn kiếm tiền chữa mắt cho con mà hết lần này đến lần khác đi tù, vào trại cải tạo. Thủy (diễn viên Thủy Phạm), cô gái mồ côi vì số phận mà lưu lạc, nổi trôi đến nơi cuối đất. Chú Sáu Thiên (diễn viên Quách Tĩnh), thương binh hạng ba trở về với thời bình, nhưng người thân đã không còn... Bằng sự kết nối của số phận, họ đã gặp nhau ở miền đất nghèo khó nhưng đầy tình người.
Đạo diễn Trần Ngọc Phong kể chuyện bằng thủ pháp hồi tưởng, cũng vì vậy mà những “cơn giông” thật sự làm nên bi kịch cho những số phận được mờ hóa, giảm bi thương. Điều còn lại của hiện tại là tình đất, tình người - giá trị cốt lõi luôn được tìm thấy trong các tác phẩm của cố nhà văn Lê Văn Thảo.
Hiện tại của Bằng là bị lừa cướp sạch tiền, rồi phải vào trại cải tạo trồng rừng. Hiện tại của Thủy là làm không công trả nợ cho bà Tư Mập. Và hiện tại của Long Trọc là bất chấp cả tính mạng để kiếm tiền mổ mắt cho con… Trong những mảng màu u xám của mỗi cuộc đời, hiện tại của các nhân vật vẫn lấp lánh nhân nghĩa.
Đưa Cơn giông lên màn ảnh, đạo diễn Trần Ngọc Phong không hoàn toàn theo sát nguyên tác, nhưng anh đã thể hiện đúng tinh thần trong văn chương của cố nhà văn. Đẫm đầy trong từng thước phim là cái hào sảng của đất, của người. Một cựu chiến binh thiết tha yêu rừng yêu đất, một ông già trăm tuổi hồn hậu bên sông, một gã giang hồ bạt mạng nhưng trọng tình nghĩa, một kẻ lưu lạc bất cần nhưng giàu lòng trắc ẩn…
Sinh thời, cố nhà văn Lê Văn Thảo từng bày tỏ quan niệm rằng điều quan trọng nhất trong văn chương là tính chân thực, một chút “phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương là hỏng”. Trên màn ảnh rộng, thật mừng là Cơn giông cũng đã làm rung động bởi những thước phim chân thực, bởi sự lăn xả và hóa thân đầy cảm xúc của các diễn viên, từ vai chính đến vai thứ, vai phụ.
Nếu ai đã từng đọc tiểu thuyết Cơn giông, xem phim sẽ không quá chìm đắm vào cảm giác đau đớn, xót xa trước những bi kịch thân phận, cũng không quá ám ảnh trước những mất mát của đời người, của thời cuộc. Nhưng thay vào đó là cảm giác rưng rưng, cười đó nhưng rồi cũng rướm lệ đó trước những phân cảnh lay động lòng người. Phim không có bi kịch được đẩy đến đỉnh điểm, chỉ có những cao trào của cảm xúc thuộc về nỗi đau thân phận, về tình yêu, hạnh phúc, những cuộc tương phùng. Giản dị, hồn hậu mà đẹp. Mạch phim nhẹ nhàng, cứ thế dẫn dắt người xem đi đến cuối cùng của câu chuyện.
Cơn giông được kể trên nền nhạc trữ tình, nuôi cảm xúc khán giả khá tốt. Lời thoại đắt giá và sự hài hước được đan cài khéo léo, thể hiện qua tính cách của các nhân vật. Thật sự là một cuộc chắt lọc ngôn từ của biên kịch Ngô Hoàng Giang. Trung Dũng hóa thân xuất sắc vai Bằng, với vẻ ngoài ngang tàng, bất cần nhưng hào hiệp, trượng nghĩa và trái tim ấm áp. Các diễn viên Thủy Phạm, Quách Tĩnh, Thạch Kim Long, Lê Tấn Hoàng… cũng như các nhân vật họ thể hiện đều mang nét tính cách văn hóa của con người miền Tây Nam bộ.
Sự xuất hiện rất kiệm lời thoại của nhân vật người mẹ Long Trọc, hay ông già trăm tuổi sống heo hút bên cánh rừng ven sông cũng đều khắc họa rất sâu dáng hình, tâm hồn của người đất phương Nam. Cách người cha dạy con về cuộc sống và những lựa chọn của đời người khi đang cùng nhau trồng từng cây đước con trên đất sình lầy, gợi mở nhiều hơn một thông điệp. Lời răn dạy của cha và con gái trong câu chuyện của hơn 40 năm trước, vẫn vẹn nguyên giá trị cho hôm nay. Về sự trưởng thành của một đứa trẻ/một cái cây, về sự kết nối của thiên nhiên và con người, về sự hồi sinh và sức mạnh của những cánh rừng…
Cùng với câu chuyện về nhân vật Bằng, kịch bản còn có thêm các nhân vật chọn lọc từ các truyện ngắn khác của cố nhà văn Lê Văn Thảo: Đi thăm chồng, Ông cá hô. Nhưng đó cũng chỉ là những lát cắt thân phận để ráp nối hoàn chỉnh cho ước vọng thể hiện bao quát hơn về những cảnh đời miền Tây của các nhà làm phim. Kép Hoàng Dương trên phim không phải là “ông cá hô” si tình, chiếc lồng gà của người đàn bà đi thăm chồng được đặt trong khung hình đầy chủ ý nhưng chưa đủ để làm một điểm nhấn.
“Cảm giác so sánh” - nếu có cũng chỉ lấn cấn trong một vài khắc. Dẫu vẫn để lại chút tiếc nuối ở phân cảnh đắt giá nhất phim, nhưng Cơn giông vừa đủ cho một cuộc đắm mình vào không gian sông nước miền Tây, vừa đủ để khóc cười và thiết tha tin vào cõi thiện, vào vẻ đẹp hiện sinh của cuộc sống này…
Lục Diệp