Đa dạng hóa các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - cho hay, tại TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 13 về lãnh đạo thực hiện Đề án nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động chính quyền các cấp ở TPHCM giai đoạn 2021-2030 (Đề án 06).
Qua gần 2 năm thực hiện, hệ thống MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức 333 cuộc giám sát chuyên đề, 1.182 cuộc hội nghị nhân dân với 11.180 lượt ý kiến về các nội dung: thực hiện chính quyền đô thị, bảo dưỡng camera an ninh, sắp xếp khu phố, tổ dân phố, cải tạo tuyến đường, tuyến hẻm, trật tự lòng lề đường, công tác vận động nhân dân… Nhiều đoàn giám sát có mời thêm chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ về hưu tham gia để tăng hiệu quả giám sát.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động giám sát theo Đề án 06 chưa tập trung giám sát và đề xuất xử lý dứt điểm nhiều vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài của dân. Vẫn còn tình trạng e ngại hoặc lợi dụng dân chủ trong phản ánh, góp ý trực tiếp đối với cấp ủy; chưa có sự phối hợp theo dõi đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát...
|
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - cho rằng chưa có sự phối hợp theo dõi đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát |
Theo bà Phạm Phương Thảo, TPHCM là nơi được thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đang khuyến khích tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cán bộ, công chức. Trong bối cảnh chính sách pháp luật còn chồng chéo và xung đột, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ giúp phát hiện những bất cập và đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn cũng như phòng ngừa sai phạm, giúp giảm thiểu rủi ro cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Ông Lê Minh Đức - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM - cho hay, thời gian qua, HĐND TPHCM tăng cường hoạt động giám sát thông qua việc mở rộng, đa dạng hóa kênh tiếp nhận thông tin, tăng cường cơ chế đối thoại với cử tri. Cụ thể, thành lập nhánh số 1 của Tổng đài 1022 để tiếp nhận thông tin nhằm lắng nghe đề xuất kiến nghị cử tri, kịp thời tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong vòng 24 giờ.
HĐND thành phố cũng thực hiện chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” định kỳ hằng tháng. Trong đó, các cơ quan, sở ban ngành tham gia chương trình đã trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, cam kết giải quyết những việc khó khăn, tồn đọng.
“Ngoài ra, việc tạo Fanpage HĐND TPHCM trên Facebook (từ tháng 12/2021) đã tăng tính tương tác, tiếp thu các phản ánh của người dân thành phố. Có những ý kiến cử tri phản ánh, chỉ vài tiếng sau đã được giải quyết. HĐND TPHCM, các cơ quan chính quyền thành phố xem mỗi phản ánh, mỗi bức xúc của người dân là nhiệm vụ phải giải quyết” - ông Lê Minh Đức nói.
Đừng để dân chê “thế mà cũng là đảng viên”
Tiến sĩ Trần Thị Hà Vân - Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM - nhìn nhận, “dân giám sát” sẽ giúp nâng cao hiệu quả thực hiện đường lối, chủ trương, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để cảnh báo, cảnh tỉnh, nhắc nhở cán bộ, đảng viên tránh được những sai phạm đáng tiếc xảy ra.
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “nhân dân là “tai mắt” của Đảng”, “muốn biết cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu thì cách tốt nhất là hỏi dân”, bà Trần Thị Hà Vân cho rằng cần có các biện pháp phù hợp để nhân dân giám sát đến cùng.
Theo bà, quy chế dân chủ ở cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Đảng đề ra trong Chỉ thị số 53 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1984. Sau gần 40 năm thực hiện, phương châm này đã đi vào cuộc sống, ngoài việc biết, bàn, làm thì việc “dân kiểm tra” đã góp phần phát hiện tình trạng ách tắc, chậm trễ; đặc biệt là phát hiện cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, kiểm tra thường chỉ thực hiện khi hoạt động, sự việc đã kết thúc. Vì vậy, việc sớm phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện vi phạm để cảnh báo cho cán bộ, đảng viên, tránh được sai phạm thông qua hoạt động “giám sát” phải được bổ sung và cụ thể hóa.
|
Tiến sĩ Trần Thị Hà Vân - Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM - cho rằng có thể nghiên cứu tiếp nhận ở một mức độ nhất định các đơn thư nặc danh có cơ sở, có bằng chứng gửi kèm |
“Cần có cơ chế khuyến khích nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nghiên cứu tiếp nhận ở một mức độ nhất định các đơn thư nặc danh có cơ sở, có bằng chứng gửi kèm. Bởi vì, vẫn có tình trạng người phản ánh tham nhũng, tiêu cực còn có tâm lý e ngại, sợ bị trù dập, sợ bị trả thù” - bà Trần Thị Hà Vân góp ý.
Thạc sĩ Ọi-chay Vị-lay-phon (Trường Chính trị - Hành chính thủ đô Viêng Chăn, Lào) cho hay, HĐND thủ đô Viêng Chăn cùng với lãnh đạo Quốc hội Lào đặc biệt chú trọng công tác giám sát. Trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, đã thực hiện hàng trăm cuộc giám sát hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, tư pháp, quốc phòng - an ninh... Bên cạnh đó, HĐND thủ đô Viêng Chăn tiếp nhận 587 đơn thư của người dân, nghiên cứu, chuyển các cơ quan xem xét, giải quyết được 454 thư, trong đó có 88 vấn đề dân sự, 55 vấn đề hình sự và 311 kiến nghị khác, chiếm hơn 77%.
|
Ông Trần Bá Hà - Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Bến Nghé, quận 1 - cho rằng đội ngũ cán bộ, đảng viên phải biết tiếp thu các góp ý của người dân một cách thiện chí, có trách nhiệm |
Ông Trần Bá Hà - Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường Bến Nghé, quận 1 - cho rằng: "Ở cấp cơ sở, nếu cán bộ, đảng viên không gương mẫu, không “ngay ngắn” thì nói dân không nghe. Câu khen hay nhất của người dân là: ông ấy đúng là đảng viên, còn câu chê là: thế mà cũng là đảng viên. Cho nên muốn tập hợp quần chúng, muốn nhân dân lắng nghe thì bản thân cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Tổ chức đảng ở cơ sở phải làm sao để khuyến khích, khơi dậy cho người dân tinh thần dám nói, dám trình bày suy nghĩ của mình. Muốn như vậy thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải biết tiếp thu các góp ý của người dân một cách thiện chí, có trách nhiệm".
P.Thanh