“Xem mặt mà bắt hình dong…”?

06/07/2016 - 09:42

PNO - Bạn học cao, bạn kiếm được nhiều tiền, bạn sắp xếp cuộc sống tốt… vậy là bạn giỏi giang? Hẳn nhiên rồi. Nhưng có một thế giới rầm rộ những “dấu hiệu giỏi giang, thông minh” khác liên quan đến phụ nữ...

“Xem mat ma bat hinh dong…”?
Ảnh minh họa: Internet

Bạn học cao, bạn kiếm được nhiều tiền, bạn sắp xếp cuộc sống tốt… vậy là bạn giỏi giang? Hẳn nhiên rồi. Nhưng có một thế giới rầm rộ những “dấu hiệu giỏi giang, thông minh” khác liên quan đến phụ nữ, dựa trên những đặc điểm thân thể của chính họ, ví dụ, “số đo ba vòng thể hiện... IQ”. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với các khách mời về vấn đề này.

Phóng viên: “Số đo ba vòng thể hiện IQ”, “phụ nữ eo thon thì… giỏi sex”, “phụ nữ ngực to thì thông minh” - các chị có từng nghe những phán đoán như vậy?

Chị Huỳnh Thị Thu Trang (Sinh viên trường ĐH KHXH&NV): Các trang báo mạng đưa những thông tin này mỗi ngày, rồi bạn bè tôi - chủ yếu là phụ nữ, chia sẻ rôm rả. Thậm chí, buồn cười và vô bổ nhất, tôi còn nghe họ chia sẻ với nhau “cách nhận biết những cô gái còn trinh qua dáng đi” nữa.

“Xem mat ma bat hinh dong…”?

Chị Nguyễn Thị Trang (Nội trợ, Q.Tân Phú, TP.HCM): Hồi còn đi làm, những giờ rỗi việc, tôi lại nghe chị em ngồi bàn những đề tài này. Hoặc, chỉ cần một người phụ nữ đi ngang qua một nhóm người đang trò chuyện, câu chuyện sẽ lập tức chuyển hướng về cô gái đó với những phán đoán tương tự. Nhưng mà không chỉ “giỏi sex”, “thông minh” hay “IQ thấp” đâu, cả cách nhận biết phụ nữ sinh con thông minh dựa vào ngoại hình nữa. Còn ngoài đời thì thường nghe ở những người phụ nữ lớn tuổi, phổ biến nhất là “phụ nữ hông to thì dễ sinh con”. Có anh bạn của tôi còn chia tay người yêu sau khi khẳng định chắc nịch rằng “không thể tính chuyện tương lai vì cô ấy quá nhỏ người, khó sinh con”.

ThS Lê Thụy Tường Vi (Giảng viên trường ĐH KHXH&NV): Không ở đâu xa, tôi thấy những điều này trên những tờ báo mà tôi vẫn đọc mỗi ngày. Ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là kiểu giật tít câu khách thôi, nhưng khi thử vào đọc thì thấy không phải, họ thực sự đang bàn về điều đó. Càng về sau càng nhiều thông tin như vậy, còn giật cả những tít như: “Chồng ngoại tình vì vợ không nâng ngực”. Thật buồn cười!

“Xem mat ma bat hinh dong…”?

* Những phán đoán ấy liệu có đúng? Nếu không thì tại sao nó vẫn tồn tại lâu đến thế - từ những người mẹ chân quê đến những tờ báo mạng dành cho giới trẻ?

Nguyễn Thị Trang: Tôi hoàn toàn không tin. Tôi nghĩ tất cả những điều này đều là phỏng đoán vô căn cứ. Đọc những điều nhảm nhí như vậy, tôi chỉ thấy buồn cười hoặc tức giận.

“Xem mat ma bat hinh dong…”?

Huỳnh Thị Thu Trang: Có nhiều phán đoán dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc, nó có thể đúng hoặc cũng có thể sai; tôi không quan tâm lắm. Nhưng có vẻ như không ít phụ nữ bị chi phối vì những điều này, tôi từng chứng kiến nhiều câu chuyện buồn nảy sinh từ những niềm tin này.

ThS Lê Thụy Tường Vi: Tôi nghĩ, những phán đoán đó đúng hay sai không quan trọng. Vấn đề là, tại sao cứ phải đánh giá một phụ nữ thông qua việc soi xét thân thể họ? Cũng có những chuyện mình biết chắc là không có thật, nhưng truyền thông lại thậm xưng chúng lên, rồi tạo ra những kịch tính tồi tệ. Tôi mong rằng, chị em phụ nữ chỉ nên xem những thông tin đó như một trò giải trí thôi.

* Có thể những bài viết như vậy chỉ để giải trí. Nhưng khuynh hướng giải trí này cũng thể hiện điều gì đó thuộc về niềm tin của xã hội, nhất là khi những điều này hiếm khi rơi vào đàn ông, mà chủ yếu là dành cho phụ nữ?

Nguyễn Thị Trang: Dù chỉ là giải trí thì tôi cũng không tán đồng việc giải trí dựa trên thân thể phụ nữ như thế. Điều này thể hiện rằng, chúng ta vẫn chưa vượt ra được những kiểu tin tưởng mù quáng. Khi chưa có điều kiện, người ta có thể phụ thuộc vào kinh nghiệm dân gian, nhưng khi cuộc sống hiện đại rồi, người ta cần phải tìm đến những điều sáng rõ, có cơ sở khoa học.

ThS Lê Thụy Tường Vi: Tôi nghĩ, đó là một sự loạn giá trị. Chúng ta đang đối mặt với những diễn ngôn nhầm lẫn giá trị. Trong một xã hội loạn giá trị, những thứ bình thường, nhỏ nhặt hay nhảm nhí có thể được đẩy lên cao bằng truyền thông, truyền miệng như thế. Trong chuyện này cũng vậy. Không chỉ là việc nhắc đi nhắc lại những phán xét vô căn cứ về năng lực phụ nữ dựa trên ngoại hình, mà chính việc cổ xúy, tụng ca hoặc chê bai một điểm nào đó trên thân thể phụ nữ cũng thu hút sự quan tâm của người đọc, người nghe, rồi dần khiến những điều đó trở nên quan trọng. Vì thế, nhìn một người phụ nữ, người ta cứ phải nhìn các vòng thôi.

* Được xem như một cách giải trí, vậy, theo các chị thì điều này có gây ra hệ quả nào không, hay cũng chỉ vô thưởng vô phạt như nhiều trò vui khác?

Huỳnh Thị Thu Trang: Tôi nghĩ, khi một người mẹ tin rằng phải cưới được một cô con dâu có những nét ngoại hình thể hiện khả năng sinh sản tốt thì chuyện đâu còn là giải trí. Nó đã ảnh hưởng trực tiếp lên chúng ta.

Nguyễn Thị Trang: Hệ quả là… nâng ngực, gọt cằm và vô số các biện pháp giải phẫu thẩm mỹ khác. Tôi nghĩ, bên cạnh những chị em đi thẩm mỹ viện vì nhận thức được giá trị của vẻ đẹp hình thể, thì cũng có nhiều người bị chi phối bởi những điều trên mà cố sửa mình cho “tốt lên”.

ThS Lê Thụy Tường Vi: Khi người phụ nữ phải đối mặt với cái nhìn về thân thể đi kèm những phán đoán vượt ra khỏi thân thể, thì đó đã là một điều bất thường, nếu không muốn nói là bất công. Rồi họ phải lo ngại rằng, vòng 1 hay vòng 3 của mình có thể khiến người khác đánh giá khả năng sinh con hay thậm chí là... trí thông minh của mình - đó là một hệ quả tồi tệ.

* Nhưng, từ điều có thể là “nhầm lẫn” hay sai trái này, phụ nữ lại nỗ lực chăm chút ngoại hình hơn. Vậy có thể nói rằng đó là những tác động tích cực không?

ThS Lê Thụy Tường Vi: Theo tôi là không. Sẽ tích cực khi giáo dục và truyền thông chỉ cho phụ nữ thấy hết những lựa chọn của họ, nhận thức được những điều có thể làm để nâng cao vị thế của họ chứ không phải nhồi vào những thước đo đầy định kiến rồi khiến họ mù quáng chạy theo. Sẽ ra sao nếu một người phụ nữ đi thẩm mỹ viện chỉ vì muốn thể hiện mình… giỏi sex, giỏi sinh con? Ý tôi là, phụ nữ cần được lựa chọn nỗ lực vì những ý muốn từ thẳm sâu trong họ chứ không phải vì những điều vẫn được rao giảng, truyền miệng một cách không đúng đắn.

* Vậy, có thể nói rằng, những phán đoán kiểu trên đã gián tiếp hình thành những mặc cảm thân thể, và những nỗ lực cải thiện ngoại hình theo kiểu “khổ hạnh thân thể” ở phụ nữ?

Huỳnh Thị Thu Trang: Tôi có một cô bạn có gò má hơi cao và đi đến đâu, cô ấy cũng phải nghe những lời khẳng định chắc nịch rằng “gò má cao là tướng sát phu”. Dĩ nhiên điều này đến từ nhân tướng học nhiều hơn là từ những định kiến về nữ giới, nhưng hệ quả của chúng cũng giống nhau. Tôi nghĩ nếu mà gọt gò má được, chắc bạn tôi cũng bằng mọi cách đi gọt. Khi ấy, cô ta làm điều đó không phải từ ý muốn của mình, mà vì muốn né tránh những phán xét từ người khác. Đó là một kiểu khổ hạnh thân thể.

ThS Lê Thụy Tường Vi: Tôi nhớ, trong phim Yêu nữ mê hàng hiệu, nữ chính Andrea được nhận vào một tạp chí thời trang lớn với một sếp nữ cực kỳ khó tính. Khi được thử thách bởi công việc, Andrea dần lột xác từ một cô gái cực kỳ đơn giản thành một người sành điệu. Sếp của cô ấy quan sát và ghi nhận điều này như một nỗ lực và nhận thức của cô ấy đối với công việc. Trong trường hợp này, sự chăm chút ngoại hình trở thành thước đo đánh giá năng lực và sự nỗ lực trong công việc. Nhưng, sự đánh giá đó là đúng đắn, và cả nỗ lực của Andrea cũng logic - nó phát sinh từ nhận thức của cô với một công việc trong một tạp chí có tầm vóc định hướng thời trang của cả thế giới. Nhưng, những gì chúng ta đang đối mặt thì không phải như vậy. Phần lớn phụ nữ nỗ lực để được ghi nhận bằng những định kiến, như bạn nói, đó là một kiểu “khổ hạnh thân thể”.

* Bằng cách nói ấy thì dường như, trước ngoại hình của người phụ nữ, thước đo của người nhìn không chỉ là đẹp, mà còn là hữu ích - nhìn ngoại hình để phán đoán sự hữu ích. Tuy nhiên, “thước đo” này và cái tâm lý “gọt chân cho vừa giày” của phụ nữ kia, cái nào có trước, cái nào là hệ quả? Hay đó cũng là chuyện quả trứng - con gà thôi?

Nguyễn Thị Trang: Tôi nghĩ, với một số người nào đó, những phán đoán không chỉ “hướng dẫn” cách nhận biết phụ nữ, mà còn “mách nước” cho chị em cách thể hiện sự quyến rũ, sức khỏe sinh sản… bằng ngoại hình. Vậy nên cũng có thể, chính tâm lý phụ nữ đã tạo ra.

ThS Lê Thụy Tường Vi: Theo những tư tưởng nữ quyền thì xã hội đang vận hành dựa vào những diễn ngôn của phái mạnh. Những điều chúng ta đang bàn luận, có thể cũng là một diễn ngôn của phái mạnh. Nhưng, chính phụ nữ là người đẩy chúng đi xa hơn. Tôi không chắc rằng những phán đoán kia đến từ đâu, nhưng nếu quan sát bạn sẽ thấy, đàn ông không bị chi phối bởi những bài báo mạng như thế. Chính phụ nữ là người bị tác động, rồi lan tỏa những hiệu ứng đó. Tôi nghĩ, không một xã hội nào mà không có định kiến. Nhưng, khi định kiến chưa mất đi thì phụ nữ cần tự thoát ra, thoát ra cả quả trứng và con gà - khi đó họ mới thực sự sống như ý muốn của mình.

Chuyện phẫu thuật thẩm mỹ là điều rất tốt nếu họ làm vì họ mong muốn có được sự tự tin và những giá trị khác của nhan sắc chứ không phải để thể hiện rằng mình có năng lực này kia. Tư tưởng chú trọng thân thể tạo nên hình ảnh những người phụ nữ bị động, bởi dù gì đi nữa, thân thể cũng là trời sinh, chúng ta không thể cải thiện hoàn toàn được. Vậy nên, giáo dục và truyền thông rất quan trọng. Thêm nữa, chính phụ nữ khi sống giữa những định kiến, họ cần làm việc trước hết vì bản thân họ. Tôi nghĩ, khi chúng ta thật sự lắng nghe được ta muốn gì, điều gì khiến ta hạnh phúc thì ta sẽ có những hoạch định đúng.

* Xin cám ơn các chị!

Minh Trâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI