Xem "Kiều @": Dùng dằng nửa ở nửa về!

02/03/2021 - 07:00

PNO - Chọn tựa "Kiều @", nhưng truyện phim lại lấy cảm hứng từ vở cải lương kinh điển "Nửa đời hương phấn", với những nhân vật quen thuộc như The, Hương, Tùng.

Kỹ thuật quay one shot mới lạ, phần âm nhạc đậm chất dân tộc do nhạc sĩ Đức Trí thực hiện, chất giọng ấn tượng của ca sĩ Thùy Chi… là những yếu tố cầm chân những ai muốn bỏ về trước một bộ phim có nội dung dài dòng, diễn viên chính nhập vai thiếu cảm xúc như Kiều @.

Không như những phim khác lùi lịch phát hành né dịch vì sợ thất thu, đoàn phim Kiều @ vẫn quyết giữ ngày chiếu như đã định (ngày 26/2) bất chấp phải đến ngày 1/3 các rạp ở TP.HCM mới mở cửa trở lại. Quyết định liều lĩnh này của nhà sản xuất, đạo diễn Đỗ Thành An cũng như việc anh ứng dụng kỹ thuật quay phim one shot (quay với cú máy tiếp diễn để tạo thành phim một cú máy khi hậu kỳ) chưa từng có ở phim Việt, cho thấy Kiều @ đích thị là một cuộc vượt khó vì nghệ thuật. Nhưng thường những gì mới mẻ cần có thời gian để số đông tiếp nhận, Kiều @ cũng không ngoại lệ, nhất là khi nội dung phim chưa đủ lôi cuốn người xem.

Chọn tựa Kiều @, nhưng truyện phim lại lấy cảm hứng từ vở cải lương kinh điển Nửa đời hương phấn, với những nhân vật quen thuộc như The, Hương, Tùng. Phim mở đầu với sự kiện Phấn - em gái Hương - bị ngưng tim, hồn cô lìa khỏi xác và ngược về quá khứ tìm hiểu nguyên nhân mình chết. Diễn tiến phim được dẫn dắt dưới góc nhìn của linh hồn Phấn, kể về cuộc đời truân chuyên của chị cô - Hương - một cô gái tỉnh lẻ lên thành phố học nhưng vướng vào lưới tình với Định và bị hắn kéo vào con đường buôn phấn bán hương. Sau đó Hương được bác sĩ Tùng đem lòng yêu thương. Nhưng khi cả hai tính chuyện hôn nhân thì Định mãn hạn tù và trở lại tìm Hương ép cô tiếp tục theo “nghề” cũ. Hương đành nhắm mắt đưa chân và bi kịch đời cô không chỉ dừng ở đây. Kiều @ chọn một cái kết khác cho nhân vật nữ chính so với vở Nửa đời hương phấn, và thay đổi này gây bất ngờ cho khán giả.

Có thể thấy ở sự trở lại này sau phim Mặt nạ máu, đạo diễn Đỗ Thành An đã chuẩn bị khá kỳ công, thể hiện ở việc anh chọn kỹ thuật quay one shot - điều mà chưa nhà làm phim Việt nào dám áp dụng vì rất khó khăn, tốn kém. Với cách quay lạ lẫm này, Đỗ Thành An còn đưa vào ý tưởng độc đáo: dùng góc máy là góc nhìn của linh hồn nhân vật, khiến Kiều @ có cách kể chuyện mới lạ. Sự kỳ công cũng được thấy ở việc anh sắp đặt những bối cảnh khá công phu làm diễn viên bị “hành xác” không ít, hay mời “phù thủy âm nhạc” Đức Trí sáng tác nhạc phim, và nhất là việc cho ra đời cuốn sách viết theo phim… Nhờ vậy Kiều @ khác biệt so với các phim Việt. 

Tuy nhiên, để nói những sự dụng công đó có giúp phim chinh phục người xem không, thì câu trả lời là “chưa”. Vì hai yếu tố quan trọng nhất là nội dung và diễn xuất chưa thuyết phục. 

Thời lượng phim hơn 120 phút, nên tình tiết khá ôm đồm, diễn giải dài dòng. Sự lê thê này cộng với việc âm thanh nền dày đặc với tiết tấu dồn dập, khiến người xem thấy mệt mỏi. Thêm vào đó là diễn xuất còn gượng của Phan Thị Mơ (vai Hương), Mạnh Lân (vai Tùng) và phần lồng tiếng không khớp khẩu hình làm người xem không “cảm” được nhân vật.

Ghi nhận sự lăn xả vì vai diễn của Phan Thị Mơ như không ngại khỏa thân đóng cảnh nóng, dầm mình trên sông Sài Gòn trong cảnh tắm đêm, hay trân người chịu lạnh trong bồn nước đá… nhưng nhân vật một cô gái có số phận lận đận, nội tâm phức tạp trong Kiều @ quá sức với một diễn viên tay ngang như cô. Cho dù cố gắng nhập vai thì gương mặt luôn trang điểm đậm và đôi mắt gắn bộ mi giả nặng nề cũng khiến người xem khó thấy được những sắc thái tình cảm của nhân vật. 

Kiều @ là phim điện ảnh thứ ba của Đỗ Thành An sau Mất xác (2014) và Mặt nạ máu (2016). Với ba tác phẩm, vị đạo diễn này cho thấy sự tâm huyết với nghề, ý thức tìm tòi những ý tưởng hay - độc - lạ, kể cả việc chủ động tạo ồn ào để PR phim, và thích dùng “cảnh nóng” câu khách. Tuy nhiên những sự “bày biện” công phu này hầu như chưa đem lại hiệu quả cao, khi mà phần quan trọng nhất là cốt truyện và cách kể của anh chưa thật sự chạm đến cảm xúc người xem.

Cách chọn diễn viên của anh cũng chưa thật tinh tường. Một nam chính Hoàng Phúc nhập vai cứng đờ trong Mất xác; một nữ chính Dương Cẩm Lynh nhạt nhẽo, chìm khuất so với “dàn bảo chứng cho phim” là Hoài Linh, Khởi My trong Mặt nạ máu, và giờ là một Phan Thị Mơ quá non khi tái hiện hình ảnh nàng Kiều thời hiện đại. 

Nguyễn Ngọc

Trong phim Kiều @, diễn xuất của Phan Thị Mơ (trái) còn non và gượng so với bạn diễn Cao Thái Hà
Trong phim Kiều @, diễn xuất của Phan Thị Mơ (trái) còn non và gượng so với bạn diễn Cao Thái Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI