Xem Hương vị tình yêu: Tình yêu từ khói bếp của người Nhật có gì lạ?

05/11/2015 - 15:10

PNO - Giá trị mà Hương vị tình yêu để lại ngoài những món ăn là tình yêu gia đình, gìn giữ những giá trị truyền thống, cách sống vì lý tưởng, đam mê.

Hương vị tình yêu (phim Nhật, tựa gốc Gochisousan, dài 51 tập, đạo diễn Kimura Takafumi và Kobayashi Daiji, đang phát sóng vào lúc 17g30 trên kênh HTV9) có sức quyến rũ người xem ngay từ đầu.

Phim bắt đầu từ sự “mê ăn” dễ thương, xem thức ăn là bảo vật của nhân vật Meiko (diễn viên nhí Toyoshima Hana). Là con gái của ông chủ nhà hàng ẩm thực Pháp ở Nhật Bản thời Taisho, năm 1912-1926, Meiko có đủ lý do và cơ hội để có “tâm hồn ăn uống”. Tính cách này cũng là điểm nhấn và trở thành lựa chọn sự nghiệp cho nhân vật sau này.

Xem Huong vi tinh yeu: Tinh yeu tu khoi bep cua nguoi Nhat co gi la?
Hương vị tình yêu tiếp tục là bộ phim hay, có ý nghĩa cho giờ phim chiều của HTV9

Phim Nhật thường khai thác đề tài gia đình, ẩm thực cũng không phải là đề tài mới nhưng Gochisousan là một phim khá đặc biệt. Các món ăn chiếm thời lượng trên khung hình không kém nhân vật chính.

Mỗi món ăn trở thành một “kỳ quan” để người xem nhìn ngắm, khám phá và bị chinh phục. Giá trị sâu xa mà Hương vị tình yêu để lại ngoài những món ăn là tình yêu gia đình, gìn giữ những giá trị truyền thống, cách sống vì lý tưởng và đam mê.

Cô bé Meiko lớn lên trong gian bếp của những món ăn Tây, sau đó được gả vào gia đình có truyền thống kinh doanh nhà hàng ẩm thực truyền thống Nhật Bản. Hàng loạt những tình tiết hài hước, đáng yêu cũng như biến cố của Meiko trải dài từ lúc nhỏ cho đến khi trở thành một phụ nữ tuổi 40.

Một chặng đời đầy trải nghiệm, khám phá và nhận diện được giá trị đích thực của con người. Hương vị tình yêu đầy tiếng cười nhưng cũng ăm ắp nước mắt. Sự xúc động không đến từ bi kịch gào thét mà từ những lời thoại, hành động bình dị.

Mạch phim chậm nhưng không gây nhàm chán, không mấy khi có cao trào nhưng luôn gây bất ngờ và không ít lần khiến người xem se sắt. Như hình ảnh cô bé Meiko quyết liệt tìm quả dâu tây và quỳ suốt dưới mưa bên mộ bà nội, chỉ vì “bà nội nói rất muốn ăn thử dâu tây” (thời ấy dâu tây là một loại quả rất quý hiếm).

Muôn vàn cung bậc cảm xúc cũng được khắc họa từ gian bếp của nhà Meiko. Đó cũng là nơi người phụ nữ tìm thấy hạnh phúc đích thực của mình, một thiên chức tự nguyện được vun vén bằng tình yêu thương.

Xem cách mà cha Meiko - bếp trưởng, mỗi ngày nghĩ ra một món ăn mới cho con gái thưởng thức, cách Meiko háo hức nấu cho mọi người xung quanh, mới thấy trao đi yêu thương có nghĩa là mang về một hạnh phúc rạng ngời cho chính mình.

Câu nói của bà nội dành cho bé Meiko trước lúc qua đời cũng là thông điệp chính của bộ phim: “Khao khát được ăn, tức là có ý chí để sống; khao khát càng dữ dội, ý chí càng mạnh mẽ”. Câu nói này cũng là sức mạnh vô hình để Meiko vượt qua mọi sóng gió từ khi là du học sinh đến khi gặp và yêu chàng sinh viên kiến trúc Yutaro (diễn viên Higashide Masahiro).

Phim kể chuyện phụ nữ Nhật thời xưa nhưng rất gần với thời nay: nấu ăn là một nghệ thuật và chìa khóa giữ hạnh phúc gia đình của người phụ nữ chính là giữ ấm gian bếp nhà mình.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI