"Vũ ca ơi từ độ xa nhau đôi người đôi ngả, Thủy nhớ mãi người chồng chưa cưới mà định mệnh trái ngang đã chia rẽ đôi ngả đôi đường..." - giọng hát của NSND Lệ Thủy vọng đâu đó qua các tầng chung cư giữa ngày giãn cách, khiến tôi bồi hồi lắng tai nghe. Đó là câu vọng cổ trong vở cải lương Xin một lần yêu nhau, ở phân cảnh đầu tiên khi hai nhân vật Hồ Như Thủy (NSND Lệ Thủy) và Âu Thiên Vũ (NSND Minh Vương) gặp nhau.
Đây cũng là một trong những vở cải lương một thời tôi yêu thích, ngày xưa đã xem không biết bao nhiêu lần. Đến nỗi mỗi phân cảnh, mỗi câu hát đều thuộc nằm lòng. Bao nhiêu năm rồi, tiếng hát xưa vẫn đầy mê đắm. Câu chuyện tình bi ai của Âu Thiên Vũ - Hồ Như Thủy và Dư Hải Long - Hạ Cơ trong vở cải lương này, đến giờ xem lại vẫn khiến người rơi nước mắt.
|
Diễn xuất xúc động của NSND Lệ Thủy khi hát Bài ca tống biệt, trong vở Xin một lần yêu nhau |
Những ngày giãn cách toàn thành phố, những vở cải lương xưa bỗng trở thành điểm tựa dẫn lối trở về với năm tháng vàng son của cải lương, của cả ký ức bình yên một thời. Lâu lắm rồi mới nghe lại cải lương, chợt nhận ra trên mạng có cả một "kho tàng", với những bản thu phát sóng từ những năm thập niên 1980, 1990: Kiếp nào có yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Người tình trên chiến trận, Quán khuya sầu viễn khách, Trăng nước Lạc Dương Thành...
Bao nhiêu năm xem lại, dù cảnh trí, trang phục cũng như kỹ thuật quay phim còn giản đơn, nhưng tất cả những điều ấy gần như không ảnh hưởng nhiều đến tâm cảm người xem bởi diễn xuất, nội dung, lời ca và thoại đều xuất sắc. Cảm giác vẫn như ngày xưa, được chìm đắm trong lời ca tiếng hát của một thế hệ nghệ sĩ đã trở thành tượng đài của sân khấu cải lương.
Xốn xang khi được "gặp" lại những gương mặt nghệ sĩ mà mình từng yêu mến: NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSND Thanh Tuấn... Bùi ngùi khi tiếng hát lời ca vẫn còn đó nhưng người đã không còn nữa: cố NSƯT Thanh Sang, NSƯT Minh Phụng, NSND Thanh Tòng, NSƯT Phương Quang, nghệ sĩ Tấn Tài...
|
"Hoàng tử sân khấu" - cố NSƯT Minh Phụng vai Lưu Bình, trong vở Lưu Bình - Dương Lễ |
Những vở cải lương theo phong cách kiếm hiệp những năm thập niên 1980, 1990 của thế kỷ trước chủ yếu có nội dung xoay quanh những mối tình trái ngang, ly biệt. Nhưng mỗi câu chuyện đều để lại âm vọng đẹp, đã trở thành những tác phẩm kinh điển mà đến giờ, có lẽ khó có vở diễn hiện đại nào có thể so sánh được.
"Sơn ca ơi hãy ngủ đi anh một giấc ngủ thần tiên trên trăm miền hoa cỏ, rồi rạng sáng ngày mai mình sẽ chia tay vĩnh viễn kẻ ở đầu sông người cuối chân trời..." - câu hát của Hồ Bảo Xuyên, phân cảnh chia biệt với người yêu Tần Lĩnh Sơn trong vở Đêm lạnh chùa hoang. Vào những buổi trưa hè trong lòng thành phố nghe nhà ai mở cải lương văng vẳng, lại thấy nhớ quê xưa, nhớ cả những năm tháng còn băng đồng đi... coi ké tivi hàng xóm.
Trên cánh đồng năm cũ, hầu như không có vở cải lương nào phát sóng mà tôi bỏ qua: Tây Thi gái nước Việt, Mạnh Lệ Quân, Lưu Bình Dương Lễ, Trăng rụng bến Từ Châu, Trường tương tư, Tâm sự loài chim biển... Một thưở vàng son của cải lương và cả ký ức. Năm tháng ấy đẹp đẽ, thật đáng nhớ.
|
NSƯT Thanh Sang và NSƯT Thoại Mỹ trong vở Tâm sự loài chim biển |
Đoàn cải lương về, cả làng như có hội. Sân khấu dựng trên khoảnh ruộng gần trụ sở UBND xã, bọn trẻ làng hào hứng rủ nhau ra xem đoàn dựng rạp, rồi... len lén đi ngắm các nghệ sĩ trang điểm ở hậu trường. Trước khi sân khấu mở màn cả tiếng đồng hồ, bà con đã tề tựu đông đủ, ngồi ngay ngắn trật tự chờ đợi.
Đêm làng quê thanh vắng, chỉ có những lời ca tiếng hát ngọt lịm mê mẩn hết cả tâm hồn. Thậm chí có những đêm mưa lất phất, khán giả vẫn đội áo mưa ngồi xem và nghệ sĩ vẫn cống hiến hết mình. Đường làng sau mỗi đêm diễn lúc nào cũng rộn ràng những bàn luận, cảm nhận. Vui không kể xiết.
"Ký ức cải lương" đẹp đẽ ấy, có lẽ khán giả từ 8X trở về trước đều may mắn có được, và còn gìn giữ. Năm tháng sau này, công chúng đã có nhiều hơn những phương tiện, thể loại và cách thức giải trí khác. Cải lương như đã lùi về với một thời vàng son dĩ vãng, đôi lúc nghĩ về thật thương, và cũng thật tiếc nhớ. Tự dưng lại mong rằng, cải lương đến một lúc nào đó rồi sẽ được trở lại như vàng son của một thời...
|
Nghệ sĩ Phượng Liên và Tuấn Thanh trong vở Quán khuya sầu viễn khách |
"Phùng Quân ơi, nếu được sống cận kề bên Phùng Quân mãi mãi, thì Chu Mộng Thúy xin cúi đầu chấp thuận cho hai bến sông xưa xuôi mái một con đò..." - tiếng hát của nghệ sĩ Phượng Liên, trích Mùa thu trên Bạch Mã Sơn.
"Ta đưa tiễn ai bước lên xe hoa về đâu/Trông theo bóng ai bao dòng lệ máu tuôn rơi/Tình đôi nơi, mình đôi nơi/Người ơi, tình ta giờ đôi nơi/Tiễn đưa người nghe sầu dâng mi..." - trích Xin một lần yêu nhau.
Những câu hát đã thuộc lòng từ ngày xưa trở lại, da diết và ngọt ngào, rung động. Được chìm đắm vào những xúc cảm của muôn năm cũ có lẽ cũng thấy lòng được bình an hơn, trong những ngày dịch bệnh căng thẳng này...
Cầm Thi