Xe tự chế gây bất an trên mọi nẻo đường

24/06/2024 - 06:13

PNO - Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn chết người liên quan đến xe ba gác tự chế trong những tháng gần đây. Loại phương tiện giao thông kém an toàn này từ lâu đã không được phép lưu thông, nhưng chúng vẫn có mặt trên mọi nẻo đường từ nông thôn tới phố thị.

Một chiếc xe ba gác tự chế chở theo những khối sắt to và dài trên đường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội gây bất an cho người đi đường - ẢNH: NGỌC LINH
Một chiếc xe ba gác tự chế chở theo những khối sắt to và dài trên đường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội gây bất an cho người đi đường - ẢNH: NGỌC LINH

Liều mình như chẳng có

Khoảng 15g ngày 17/6, trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn giao với đường số 20, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM, một chiếc xe ba gác tự chế lao vun vút trên đường, chở theo những cây thép dài nhiều mét uốn hình chữ U, phần uốn cong nhô ra khỏi phía sau thùng xe một đoạn dài, 2 đầu nhọn quay về hướng người lái. Các cuộn thép chỉ được xếp chồng lên nhau, không có dây ràng.

Dọc thùng xe, còn buộc những thanh sắt dài, 2 đầu nhô ra phía trước và sau một đoạn dài. 2 thanh niên ngồi phía tay lái, vừa chạy vừa bấm còi inh ỏi khiến những người chạy xe máy phía trước phải dạt vào phía lề đường. Trên xe ba gác, các cuộn thép và thanh sắt va vào nhau loảng xoảng.

16g cùng ngày, cũng trên đường Phạm Văn Đồng đoạn gần đường số 18, phường Hiệp Bình Chánh, lại có một người đàn ông trung niên đội mũ lưỡi trai, lái chiếc xe ba gác tự chế khác chở hơn 20 thanh sắt dài. Những thanh sắt này được đặt dọc thùng xe, 2 đầu nhô ra khỏi thùng xe khoảng 1m, ở giữa có một sợi dây buộc. So với người lái chiếc ba gác trước, người trung niên này chạy xe chậm, cẩn thận hơn.

Cùng vị trí, khoảng 16g10, chúng tôi lại thấy một chiếc xe ba gác tự chế khác vụt qua. Trước xe là một người đàn ông trung niên đội mũ bảo hiểm, trên thùng xe là những tấm ván, hộp gỗ có vẻ là các bộ phận của chiếc tủ đã được tháo rời. Đồ trên thùng xe được chất cao, che kín đầu người lái nhưng chỉ được cố định bằng 2 sợi dây buộc ngang thùng xe.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hằng ngày, trên mọi con đường, con hẻm ở TPHCM, đều có những chiếc xe ba gác tự chế lưu thông, chở theo hàng cồng kềnh. Anh Nguyễn Bảo Toàn (phường 8, quận Phú Nhuận) lắc đầu: “Chỉ cần thấy xe ba gác hoặc nghe thấy tiếng còi xe là tôi giảm tốc độ, nép vô lề cho an toàn”. Anh cho biết, nhiều lần bị kẹt xe trên đường Hoàng Sa, Trường Sa do thùng hàng trên xe ba gác quá cao, đụng vào gầm cầu.

Ở TP Hà Nội, xe ba gác tự chế cũng mặc sức tung hoành khắp mọi nẻo đường. Đầu giờ chiều 14/6, một chiếc xe ba gác chở theo 2 bó thép dài không được chằng buộc, ngang nhiên luồn lách giữa dòng người xe đông đúc trên đường Quang Trung, quận Hà Đông. Chỉ cần xe phanh gấp, 2 bó thép trên xe có thể xổ xuống, đập vào dòng người xe phía sau. Hình ảnh xe ba gác chở vật liệu cồng kềnh, không chằng buộc hoặc chỉ chằng buộc sơ sài đã trở nên quen thuộc với người dân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, xe 3 bánh lưu thông nhiều nhất là trên những tuyến đường có nhiều cửa hàng buôn bán đồ nội thất, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, như các đường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), Tây Sơn, Chùa Bộc (quận Đống Đa), Phạm Hùng, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Trần Khát Chân, Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng), Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự (quận Long Biên)…

Một chiếc xe ba gác tự chế chở theo những bó sắt dài trên đường Đê La Thành, quận Đống Đa, TP Hà Nội - ẢNH: NGỌC LINH
Một chiếc xe ba gác tự chế chở theo những bó sắt dài trên đường Đê La Thành, quận Đống Đa, TP Hà Nội - ẢNH: NGỌC LINH

Xử phạt không xuể

Nhằm hạn chế tai nạn giao thông và giữ gìn mỹ quan đô thị, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an TP Hà Nội đã ra quân xử lý xe 3 bánh tự chế, chở hàng cồng kềnh. Nhiều người vi phạm năn nỉ, giải trình rằng họ chỉ vì “miếng cơm manh áo” mà chạy xe ba gác.

Tính từ ngày 15/3 đến nay, Công an TP Hà Nội đã tổng kiểm tra, xử lý gần 5.000 trường hợp, phạt tiền tổng cộng hơn 7 tỉ đồng, tạm giữ 2.373 chiếc xe 3-4 bánh tự sản xuất, lắp ráp.

Theo đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội - việc chở vật liệu xây dựng bằng xe tự chế vốn đã rất nguy hiểm, nhưng nhiều xe tự chế còn không có hệ thống phanh, đèn, khung xe không đảm bảo an toàn nên càng nguy hiểm.

Nghị định 123/2021/NĐ-CP và trước đó là Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ, người điều khiển xe tự chế, lắp ráp trái quy định có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng/lần vi phạm và có thể bị tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Đối với hành vi chở hàng cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định, người vi phạm còn bị phạt tiền từ 400.000-600.000 đồng. Thế nhưng, mượn lý do “hoàn cảnh”, nhiều tài xế bị xử phạt vẫn tái phạm.

Để chấm dứt vi phạm, theo ông Trần Đình Nghĩa, bên cạnh việc xử phạt của lực lượng cảnh sát giao thông, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan khác, như công an các địa phương, phòng lao động, thương binh và xã hội các quận, huyện. Chẳng hạn, các cơ quan này có thể tuyên truyền pháp luật; rà soát các đối tượng chính sách để hỗ trợ về vốn, việc làm để các tài xế xe tự chế chuyển đổi nghề; vận động, yêu cầu các chủ cơ sở cắt, sửa, hàn xì không nhận chế xe 3-4 bánh.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an TPHCM cũng cho biết, mặc dù bị cấm, các loại xe tự chế vẫn lưu thông trên đường gây mất an toàn và mỹ quan đô thị. Các xe này thường không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tài xế không có giấy phép lái xe, xe không có gương chiếu hậu, không có thắng, đèn, còi nhưng lại thường xuyên chở hàng cồng kềnh, chạy tốc độ cao, đi vào đường cấm.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng, không nên để những phương tiện nguy hiểm, mất an toàn như xe ba gác tự chế lưu thông. Muốn vậy, cần có chính sách để giúp những người lái loại xe này thay đổi công việc mà không bị giảm thu nhập.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần có quy định chuẩn về thiết kế, về yêu cầu kỹ thuật để các nhà máy sản xuất xe 3-4 bánh chở hàng đạt chuẩn. Ông nói: “Có nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất được loại xe tải nhẹ, chở hàng dưới 500kg. Nhà nước có thể giúp các tài xế mua trả góp loại xe này để họ tiếp tục mưu sinh”.

Chiếc xe ba gác tự chế chở theo những thanh sắt dài cả chục mét trên đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội bị cảnh sát giao thông bắt giữ - ẢNH: NGỌC LINH
Chiếc xe ba gác tự chế chở theo những thanh sắt dài cả chục mét trên đường Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội bị cảnh sát giao thông bắt giữ - ẢNH: NGỌC LINH

Xe ba gác thường xuyên gây tai nạn nghiêm trọng

Tối 12/6, anh P.M.H. - sinh năm 1985, quê ở tỉnh Tây Ninh, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương - chạy xe máy trên đường ĐT743 đoạn qua phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương thì va chạm với xe máy khác nên ngã ra đường. Đúng lúc đó, chiếc xe 3 bánh tự chế chạy cùng chiều chở theo 2 ống sắt lớn vượt quá thùng xe trờ tới, cán qua người khiến anh H. tử vong tại chỗ.

Trưa 20/5, anh L.M.S. - sinh năm 1999, ở TPHCM - chạy xe máy chở chị Đ.T.N.L. - sinh năm 1996, ở TPHCM - trên Quốc lộ 51, hướng từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi tỉnh Đồng Nai, khi đến xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai thì va chạm với xe 3 bánh tự chế chở theo cuộn tôn do anh H.V.H. - sinh năm 1989, quê ở tỉnh Đồng Tháp - điều khiển, chạy hướng ngược lại. Anh S. bị cuộn tôn trên xe 3 bánh cắt vào người, tử vong trên đường đi cấp cứu; chị Đ.T.N.L. cũng bị thương.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Phong - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực nội khoa và Chống độc, Bệnh viện E (TP Hà Nội) - cho hay, khoa này từng tiếp nhận nhiều nạn nhân do xe ba gác chở hàng cồng kềnh gây ra. Mới đây, khoa tiếp nhận một bệnh nhi 12 tuổi nhập viện do bị xe ba gác chở xi măng chèn qua người khi đang đi bộ về nhà sau giờ học thêm. Bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương, sốc mất máu nặng, cơ thể có nhiều vùng sưng nề, dập, xây xước.

Vũ Quyền - Gia Hân - Huyền Anh

Vẫn còn nhiều bất cập trong việc xử lý xe tự chế

Một đội trưởng cảnh sát giao thông ở TPHCM nêu thực tế, khi xử phạt các trường hợp vi phạm thì những chủ xe tự chế có giá trị cao sẵn sàng nộp phạt để lấy phương tiện, tiếp tục hoạt động. Một số trường hợp phương tiện đã cũ nát thì người điều khiển phương tiện thường bỏ lại phương tiện. Bất cập này xuất phát từ việc chưa mạnh cấm dứt điểm xe 3-4 bánh tự chế.

Ông nói: “Từ lâu Nhà nước đã có các quy định về hạn chế, chấm dứt hoạt động của xe 3-4 bánh tự chế. Tuy nhiên, trên địa bàn TPHCM, cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện việc cấm hẳn phương tiện này theo lộ trình. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần mạnh tay dẹp hẳn loại phương tiện này vì sự an toàn cho người tham gia giao thông”.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) nêu quan điểm, hiện nay xe tự chế vẫn xuất hiện dày đặc trên các nẻo đường ở TPHCM và nhiều tỉnh, thành là do chế tài xử phạt còn quá nhẹ.

Theo đó, điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Luật sư Nguyễn Tri Đức phân tích: “Đây là mức phạt chưa đủ sức răn đe, do đó chủ phương tiện sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh dịch vụ. Trong khi đó, các vụ tai nạn giao thông do xe tự chế gây ra hậu quả hết sức nặng nề gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của rất nhiều người dân.

Theo tôi, cần bổ sung chế tài theo hướng tịch thu và tiêu hủy công khai những chiếc xe tự chế vi phạm để tạo hiệu ứng răn đe. Song song đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tại chính những điểm tập trung xe tự chế như chợ đầu mối, những điểm tập kết hàng hóa. Nếu không có ai thuê thì tin chắc số xe tự chế sẽ giảm đi đáng kể”.

Ông cho biết thêm, hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng xe ba gác điện phục vụ vào việc chuyên chở hàng hóa. Đây là loại phương tiện có 3 bánh, sức tải hàng hóa lên đến 700kg và ưu điểm của chúng cũng giống như những chiếc xe ba gác kiểu cũ là chở hàng thuận tiện ở cự li ngắn, vào các hẻm nhỏ với địa hình không thuận tiện để xe tải hoạt động.

“Theo tôi được biết, loại xe ba gác này do Trung Quốc sản xuất và hiện đang có mặt ở thị trường Mỹ và một số nước với giá bán trước thuế là khoảng 600 USD. Giá bán như vậy là không cao, có thể phù hợp với thị trường Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta đang có các chính sách để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Việc nghiên cứu chính sách sử dụng xe ba gác điện để thay thế các phương tiện truyền thống là phù hợp với chính sách giảm phát thải CO2, hướng đến chuyển đổi xanh và đặc biệt là xe ba gác điện sẽ an toàn hơn các loại xe tự chế.

Cùng với việc tăng chế tài xử phạt, cần tính toán đến các phương án chuyển đổi phương tiện và tạo việc làm cho cả lực lượng lao động phụ thuộc vào xe tự chế” - luật sư Nguyễn Tri Đức chia sẻ.

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI