Nhiều ngày vào vai xe ôm, đến những “điểm nóng” trên địa bàn TP.HCM, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM hiểu được phần nào nỗi cơ cực chất chồng của người chạy xe ôm truyền thống. Không chỉ chịu sự cạnh tranh khốc liệt với xe ôm “công nghệ”, người chạy xe ôm “kiểu cũ” còn phải gồng gánh nhiều loại “phí ngầm”, “luật ngầm” khiến chén cơm của họ vơi đi nhiều.
Những cuộc chạm trán nảy lửa
Ngày đầu “chân ướt, chân ráo” vào giới xe ôm, chúng tôi đã nghe hàng loạt những thứ gọi là “luật ngầm”, “phí ngầm” ở các bến bãi. Hầu hết những nơi xe ôm có thể yên ổn đứng đón khách đều phải chịu sự bảo kê của một thế lực nào đó.
14g20 ngày 14/11, chúng tôi vào bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) đón khách. Ngay sau khi xe máy chúng tôi vừa vào bên trong khuôn viên bến xe, một bảo vệ ở đây cảnh báo: “Đi ra ngoài đi, cứ ở trong đây thì lát nữa đằng nào cũng sinh chuyện đánh nhau”.
Chúng tôi nấn ná lại bên trong bến xe vài phút thì lập tức hai người đàn ông (khoảng 35 - 40 tuổi) xông tới: “Mày ở đâu đến đây đón khách, ở đây có quy định rõ ràng chứ không phải muốn đến cướp chén cơm là được nha. Mày dắt xe ra khỏi cổng bến xe ngay!”. Hai người đàn ông này còn “điều động” một nhóm xe ôm khác đến. Chúng tôi đành dắt xe ra bên ngoài cổng.
Tuy nhiên, vừa ra ngoài, chúng tôi đã chạm mặt nhóm của Phát “đen” (khoảng 35 tuổi). Sau một hồi hù dọa, Phát “đen” tiến lại chỗ chúng tôi chỉ mặt và ra lệnh: “Mày dắt xe ra khỏi đây gấp, đây là chỗ của tao”. Vừa nói, Phát “đen” vừa giật tay lái xe chúng tôi dắt khỏi khu vực đậu xe và lần nữa ra lệnh phải dắt xe ra bên ngoài.
Tại bến xe Miền Tây có hàng chục nhóm xe ôm hoạt động trong và ngoài bến. Những nhóm này thường có một người cầm đầu để đứng ra “xử lý” những người “lấn bến” và dàn xếp khu vực hoạt động với nhóm khác. Người lạ muốn vào bến hành nghề xe ôm đều phải được những “đầu nậu” này đồng ý, nếu không sẽ “no đòn”.
Chiều 16/11, chúng tôi tiếp tục nhập vai xe ôm đến đón khách tại khu vực giao lộ Cống Quỳnh - Phạm Ngũ Lão (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1). Nơi đây từ lâu đã trở thành “lãnh địa” riêng của một nhóm xe ôm khoảng 10 người. Mỗi khi có người lạ đến đón khách, nhóm xe ôm này sẵn sàng hù dọa và hành hung.
Thấy chúng tôi đến, người đàn ông tự xưng tên Hùng (khoảng 35 tuổi) chạy đến dọa: “Em chạy đi chỗ khác làm ăn… Em mà đứng đón khách ở đây một lát nữa mấy đứa nhỏ chạy ra đánh là anh không cản được đâu. Anh làm ở đây lâu rồi, thấy nhiều thằng bị đánh tội quá nên mới nhắc cho em biết”.
Hùng vừa dứt lời, một đàn em của Hùng đã chạy ra dọa cho người “xử” chúng tôi. Trước đó, ngày 11/6, anh Lê Minh T. và hai đồng nghiệp của một hãng xe ôm “kiểu mới” đến khu vực này đón khách, đã bị nhóm xe ôm sáu người dùng tuýp sắt tấn công gây thương tích.
Sáng 17/11, trong vai một người hành nghề xe ôm “công nghệ”, chúng tôi đến đón khách tại khu vực bến xe An Sương (H.Hóc Môn) khi nhiều bác tài xe ôm đang ngồi gà gật vì ế khách. Vừa thấy bóng dáng chúng tôi, một tài xế xe ôm đã lao ra chặn xe sừng sộ. Không đợi chúng tôi giải thích, một người đàn ông cao to trong nhóm vội giật nón bảo hiểm dọa đánh chúng tôi vì cho rằng đến “cướp cơm”.
Thấy sự việc có vẻ căng thẳng, một người đàn ông lớn tuổi trong nhóm vội giật lại chiếc nón bảo hiểm từ tay người đàn ông trả cho chúng tôi rồi giải thích: “Em thông cảm đi ra ngoài để tụi anh làm ăn, ở đây tụi anh phải đóng mấy chục triệu tiền bến bãi. Tụi em “chơi” xe ôm công nghệ đến đây lấy hết khách của anh thì sao tụi anh sống nổi. Nếu không đi, tụi nó đánh ráng chịu nha”.
|
Dù đã ra khỏi bến xe An Sương, chạy trên Quốc lộ 22, phóng viên trong vai tài xế xe ôm “công nghệ” vẫn còn bị nhóm xe ôm của bến xe An Sương đuổi đánh. |
Chúng tôi vòng xe ra cổng, liền bị một nhóm xe ôm tự do bên ngoài chỉ thẳng vào mặt, lớn tiếng dọa dẫm. Tại bến xe An Sương, không có cơ hội cho “người lạ” đón khách.
Khách quen cũng bỏ
Sau nhiều ngày thâm nhập vào giới xe ôm ở các “điểm nóng” như bến xe An Sương, bến xe Miền Tây, bến xe Lê Hồng Phong, sân bay Tân Sơn Nhất, bệnh viện Từ Dũ (Q.1), chợ Thái Bình (Q.1)… chúng tôi hiểu phần nào nỗi cơ cực chất chồng của người chạy xe ôm truyền thống. Ngoài việc phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với xe ôm “công nghệ”, người chạy xe ôm “kiểu cũ” còn phải gồng gánh nhiều loại “phí ngầm”, “luật ngầm” khiến chén cơm của họ vơi đi nhiều.
Ông H. có hơn 10 năm hành nghề xe ôm ở bến xe Miền Tây tiết lộ: “Bây giờ kiếm cơm đâu có dễ. Như tôi, muốn vào bên trong bến xe hành nghề phải đóng tiền triệu. Nếu đứng ngoài cổng thì cũng phải vào nhóm này nhóm nọ, mỗi tháng cũng phải góp lại vài triệu đưa cho nhóm trưởng chung chi cho người này, người kia mới được yên thân làm ăn”.
Ông H. còn cho biết, bỏ qua phần “hụi chết” hàng tháng, cánh xe ôm tại đây hàng ngày phải bỏ tiền ra lo từng chai nước, gói thuốc, bữa ăn sáng cho nhân viên bảo vệ và các tay anh chị ở trong khu vực bến xe. “Trước kia mỗi ngày kiếm được 300 - 400 ngàn, chi ra 50 - 70 ngàn để lo chuyện bến bãi thì không đến nỗi. Hiện nay xe ôm kiểu mới chạy nhiều, thu nhập giảm hơn một nửa nhưng các khoản phí ngầm đó phải lo đầy đủ”.
Ông H. cùng nhiều đồng nghiệp khác ngày càng đói, đã vậy còn phải chứng kiến cảnh khách quen bao nhiêu năm, nay bỏ lơ mình, nhảy lên những chiếc xe ôm “công nghệ”. “Khách quen sụt giảm, khách mới càng khó kiếm”, ông H. thở dài giữa cái oi nồng giữa trưa.
|
Hai tài xế xe ôm ở bến xe Miền Tây chuẩn bị hành hung xe ôm vãng lai |
Cùng cảnh khó khăn như cánh xe ôm ở bến xe Miền Tây, vài tháng trở lại đây, sân bay Tân Sơn Nhất không còn là “miếng đất vàng” của xe ôm truyền thống. Những người chạy xe ôm truyền thống hoạt động riêng lẻ phải dạt ra bên ngoài khu vực sân bay đón khách. Tại những khu vực bến bãi tự phát này, những người làm nghề xe ôm truyền thống cũng phải bỏ tiền đóng "hụi chết", nhưng nhiều khi cả ngày đứng đợi không có khách nào, đến khi khách vừa đến thì xe ôm “công nghệ” lại đến đón đi mất.
Hòa hảo với nhau, được không?
Sáng 17/11, sau khi thoát khỏi vụ hành hung tại cổng bến xe An Sương, chúng tôi chạy đến trụ sở công an xã Bà Điểm (H.Hóc Môn) để trình báo. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an xã Bà Điểm đề nghị “dựng lại hiện trường” để ông mục kích.
Chúng tôi mặc đồng phục của một hãng xe ôm “công nghệ”, vừa trờ vào cổng bến xe, một nhóm xe ôm vội lao ra bao vây và đòi hành hung. Ông Hùng lao đến giải vây, mượn trụ sở bảo vệ của bến xe để làm việc, bao gồm chúng tôi, đại diện xe ôm bên trong và bên ngoài bến xe cùng ông Phạm Hùng Long, Phó giám đốc bến xe An Sương. Dù có mặt công an và quản lý bến xe, một số bác tài xe ôm truyền thống vẫn không giữ được bình tĩnh, tuyên bố sẽ đánh nếu xe ôm “công nghệ” vào bến xe bắt khách.
Ông Phạm Hùng Long cho biết: “Bến xe An Sương có bảy tổ xe ôm, do Liên đoàn Lao động H.Hóc Môn quản lý, ngoài ra còn một số tổ xe ôm tự quản phía ngoài cổng. Họ có đăng ký hoạt động, nên việc xe ôm vãng lai đến bắt khách là không được”.
Nhưng chính ông Long cũng lúng túng khi chúng tôi đặt vấn đề, khách có quyền tự do chọn loại hình dịch vụ mà mình muốn, nghề xe ôm cũng là nghề tự do, người hành nghề có quyền đón khách, lấy quy định nào để khẳng định có những vùng cấm đậu để đón khách?
Ông Long đề xuất: “Khách truyền thống thì chọn xe ôm truyền thống, “khách công nghệ” thì chọn xe ôm “công nghệ”, hai bên vui vẻ với nhau”.
Tối 16/11, khoác đồng phục của một hãng xe ôm “công nghệ”, chúng tôi vừa trờ đến bến xe Phương Trang (Q.5) liền bị một thanh niên lớn tiếng dọa đánh. Tại đây, sau khi nghe tranh cãi, ông Nguyễn Quốc Cường, trực ban Công an P.4, Q.5 chốt: “Tổ xe ôm tự quản ở đây hoạt động lâu năm rồi, các anh xe ôm công nghệ đến đón khách, khó tránh khỏi việc xô xát. Công an không thể can thiệp; nếu có xảy ra xô xát, hành hung thì mới xử lý”. Như vậy, thực tế, lực lượng công an địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn việc xe ôm truyền thống hành hung xe ôm “công nghệ”!
Tại bến xe Phương Trang, một ca có khoảng 10 xe ôm truyền thống hoạt động. Chúng tôi cố gắng hòa nhã và bắt chuyện, gợi ý “sao các anh không chuyển qua chạy xe ôm công nghệ, dễ hơn”. Ông Hoàng, một tài xế xe ôm khá lớn tuổi trả lời: “Tụi tui chạy xe ôm kiểu này mấy chục năm nay rồi, sao mà thay đổi được”. Ý kiến ông Hoàng được những tài xế khác đồng thuận.
Chúng tôi cũng đặt đúng câu hỏi vừa nêu đối với đội xe ôm ở bến xe Thành Bưởi (Q.5), câu trả lời cũng không khác. Như vậy, có thể thấy, rào cản tâm lý là lý do lớn, khiến các tài xế xe ôm truyền thống bám công việc cũ, dù nghề đã lạc hậu.
Vốn là “điểm nóng” xảy ra va đập lợi ích của xe ôm truyền thống và xe ôm “công nghệ”, sân bay Tân Sơn Nhất nay bỗng yên bình thấy rõ. Chiều 16/11, thử khoác áo đồng phục một hãng xe ôm “công nghệ” vào sân bay đón khách, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy lực lượng xe ôm truyền thống không còn đông và họ cũng không tỏ thái độ sừng sộ với xe ôm “công nghệ” như trước kia. Đặc biệt, từ tháng 9/2016, sân bay có thêm dịch vụ xe ôm Avigo với phương thức hoạt động gần giống như của xe ôm Grab hay Uber.
Khác biệt của Avigo so với các hãng xe ôm “công nghệ” khác là công ty có bến bãi đón khách cụ thể và làm thay cho tài xế thủ tục nhận khách. Bà Nguyễn Thúy Huyền (Công ty Avigo) nhận định: “Chỉ có một phép giải cho mâu thuẫn giữa xe ôm truyền thống và xe ôm kiểu mới, đó là phép giải về lợi ích kinh tế. Rõ ràng, xe ôm truyền thống đang thất thế và ngày càng thất thế hơn. Nếu giúp họ chuyển qua làm xe ôm công nghệ, sẽ giải quyết được vấn đề. Sở dĩ chúng tôi mời được 40 tài xế xe ôm truyền thống về đội của mình là vì xem họ như nhân viên công ty, cam kết thu nhập tối thiểu sáu triệu đồng/tháng; khi đảm bảo điều kiện làm việc, thu nhập và lượng khách hàng, họ sẽ đồng ý”.
Ông Nguyễn Văn Thương, Tổ trưởng xe ôm tự quản xã Bà Điểm, phụ trách khu vực bến xe An Sương:
Bây giờ xe ôm “công nghệ” và xe ôm truyền thống đang cạnh tranh khốc liệt nhau nên rất dễ xảy ra xung đột. Theo tôi, giải pháp để tránh những xung đột này là cơ quan chức năng cần có quy hoạch bến bãi rõ ràng đối với tất cả các loại hình xe ôm.
Như chúng tôi hoạt động ở bến xe An Sương thì phải chịu sự quản lý của chính quyền địa phương và chỉ được hoạt động trong khu vực này chứ không được ra khu vực khác. Còn những người chạy xe ôm “công nghệ” thì họ hoạt động tràn lan ở khắp nơi, chạy đến bắt khách như vậy thì rất dễ xảy ra xô xát. Nếu họ quy hoạch chia ra khu vực đón khách của họ thì tôi đảm bảo sẽ không còn xung đột nữa.
Ông Nguyễn Văn Bi, tài xế xe ôm, hành nghề tại bến xe Thành Bưởi, Q.5:
Đói méo mặt rồi, muốn chạy theo kiểu mới, nhưng không biết chữ thì sao xài phần mềm điện thoại? Họ bắt phải có xe mới, từ đời năm 2010 trở đi mới cho tham gia, mà xe tui sản xuất năm 2009 thì làm sao?
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Việt Nam:
Phần mềm GrabBike rất đơn giản, dựa trên những ký hiệu, người không biết chữ vẫn sử dụng được. Thực tế, đã có rất nhiều bác tài không biết chữ vẫn đang tham gia đội ngũ GrabBike. Với những bác tài có xe được sản xuất trước năm 2010, chúng tôi có cơ chế linh hoạt để kiểm định, nếu xe vẫn còn tốt vẫn được chấp nhận hoạt động. Theo tôi, trở ngại lớn nhất để các bác tài xe ôm truyền thống chuyển qua chạy xe ôm “công nghệ” là rào cản tâm lý, họ ngại thay đổi.
Trần Triều - Sơn Vinh