Xe ôm, giúp việc, hàng xóm... đưa trẻ đi học có trách nhiệm pháp lý gì nếu trẻ chẳng may bị tai nạn?

11/08/2019 - 05:30

PNO - Nếu bạn nhờ những người như ông bà, xe ôm, hàng xóm, giáo viên, người giúp việc... đưa đón con đi học, thì trách nhiệm pháp lý của họ tới đâu trong trường hợp chẳng may con bạn bị tai nạn?

Cha mẹ ông bà chịu trách nhiệm đưa trẻ đi học

MỜI THAM GIA DIỄN ĐÀN "AI ĐƯA CON BẠN ĐI HỌC?"

Vụ việc bé trai 6 tuổi bị bỏ quên rồi tử vong trên xe đưa đón trường Gateway khiến nhiều phụ huynh giật mình. Cha mẹ chia nhau chở con, nhờ xe ôm công nghệ, bác xe ôm quen đầu xóm, cô giúp việc, ông bà nội ngoại già yếu, hay tiếp tục giao con cho xe đưa đón của nhà trường trong lo lắng?

Mời bạn góp ý kiến cho diễn đàn: 'Ai đưa con bạn đi học?' tại địa chỉ: giadinh@baophunu.org.vn

Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành, cha mẹ có nghĩa vụ đảm bảo quyền học tập và chăm sóc con cái.

Luật Giáo dục và Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định trẻ em trong thời gian học tập tại trường thì chịu sự quản lý của nhà trường, còn ngoài thời gian học tập thì chịu sự quản lý và giám sát của cha mẹ, người giám hộ theo quy định.

Như vậy trong trường hợp cha mẹ đưa con đi học, thì tất cả những rủi ro trong quá trình đưa đón con thì cha mẹ trước hết chính là những người phải chịu trách nhiệm.

Xe om, giup viec, hang xom... dua tre di hoc co trach nhiem phap ly gi neu tre chang may bi tai nan?
Cha mẹ đưa đón trẻ chịu trách nhiệm hoàn toàn với sự an toàn của con. Hình minh họa

Nếu hậu quả phát sinh từ người thứ ba hoặc có liên quan đến người thứ ba (tai nạn, sự cố bất ngờ do bên thứ ba gây ra) thì xác định trách nhiệm dựa vào lỗi, hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc Bộ luật hình sự 2015 tùy vào hậu quả và tình huống phát sinh.

Tại khoản 1 điều 104 Luật hôn nhân và Gia đình quy định: “Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu”. Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa ông bà và cháu còn có quan hệ cấp dưỡng theo một số quy định.

Điều này đồng nghĩa sự ràng buộc đối với trách nhiệm của ông bà đối với quyền học tập của cháu đã giảm đi so với cha mẹ. Ông bà không bắt buộc phải có nghĩa vụ làm điều này nếu cháu đang sống cùng cha mẹ. Và trong một số trường hợp nếu ông bà là người đưa đón cháu đi học, xảy ra các sự cố phát sinh trên đường đi trước khi giao cháu cho nhà trường thì ông bà có thể chịu trách nhiệm đối với các hành vi phát sinh từ lỗi của ông bà gây ra.

Nhờ hàng xóm, người quen, bảo mẫu, giáo viên, người giúp việc... đưa đón trẻ 

Thông thường không có hợp đồng gửi giữ trong trường hợp bạn nhờ hàng xóm, người quen, giáo viên, người giúp việc đưa đón con bạn đi học; đồng thời cũng không ràng buộc về quyền và nghĩa vụ của hàng xóm, người quen bảo mẫu, giáo viên, người giúp việc... đối với việc đưa đón hoặc đảm bảo quyền học tập của con bạn.

Vì thế trong một số trường hợp, nếu xảy ra sự cố trong quá trình đưa đón con bạn đi học, mà người đưa đón là hàng xóm, người quen, giáo viên... thì trách nhiệm trực tiếp đối với những tổn hại hoặc bồi thường liên quan đến con của bạn vẫn do bạn chịu.

Xe om, giup viec, hang xom... dua tre di hoc co trach nhiem phap ly gi neu tre chang may bi tai nan?
Nhờ hàng xóm, người quen, giáo viên, người giúp việc... đưa đón con bạn đi học thì trách nhiệm trực tiếp đối với những tổn hại hoặc bồi thường liên quan đến con của bạn vẫn do bạn chịu. Hình minh họa.

Điều này được cụ thể hóa trong các quy định về bồi thường và trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái theo Bộ luật dân sự và Luật hôn nhân và Gia đình hiện hành. Những người hàng xóm, thân thích, người giúp việc... chỉ chịu trách nhiệm đối với các hành vi liên quan đến lỗi của họ gây ra trong quá trình đưa đón con của bạn, còn không có ràng buộc nên rất khó để bạn yêu cầu họ bồi thường hoặc chịu trách nhiệm toàn bộ trong những trường hợp như vậy.

Dịch vụ taxi, xe ôm đưa con đi học

Những dịch vụ vận tải phổ biến hiện nay có thể kể đến như taxi, xe ôm truyền thống và taxi, xe ôm công nghệ. Đây là những loại hình dịch vụ vận tải, nhưng bạn cần nhớ rằng con của bạn nếu dưới 16 tuổi thì việc giao kết các giao dịch dân sự thông thường do cha mẹ thực hiện thay.

Trong trường hợp như vậy, nếu phát sinh hậu quả từ những chuyến đi này, có thể ràng buộc trách nhiệm với người hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải đó. Nhưng điều này sẽ rất khó khăn, vì thông thường hậu quả xảy ra trong những trường hợp này thường là tai nạn giao thông. Bạn muốn ràng buộc trách nhiệm thì cần phải xác định được lỗi, hành vi và hậu quả. Từ đó có thể chọn các biện pháp hành chính, bồi thường dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xe om, giup viec, hang xom... dua tre di hoc co trach nhiem phap ly gi neu tre chang may bi tai nan?
Bạn cần chu đáo, cẩn trọng trong việc giao con cho các dịch vụ, bởi rất khó ràng buộc các trách nhiệm cho tài xế taxi hay xe ôm, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như hậu quả, bên thứ 3.... Hình minh họa

Giữa gia đình, các cháu và dịch vụ vận tải có sự giao kết bằng hợp đồng (thông thường là hành vi hoặc hợp đồng điện tử). Nhưng cơ sở này không có sự ràng buộc chắc chắn và chỉ có thể chờ vào hậu quả mới xác định được các cơ sở chịu trách nhiệm.

Vì thế có thể kết luận rằng, với cơ sở pháp lý hiện tại, ràng buộc về trách nhiệm đối với việc đưa đón con đi học mà xảy ra hậu quả thường chỉ có thể xác định chính xác dựa vào hậu quả trên thực tế. Do đó, rất cần sự kỹ càng và chu đáo của cha mẹ trong việc lựa chọn cách thức đưa đón con đi học.

Nhà trường đưa đón con đi học

Luật giáo dục và Bộ luật dân sự 2015 quy định trẻ em trong thời gian học tập tại trường thì chịu sự quản lý của nhà trường. Ví dụ như trường hợp mới đây, có thể truy trách nhiệm của người có liên quan vì cháu bé trong trường hợp này đã do nhà trường chịu trách nhiệm quản lý.

Xe om, giup viec, hang xom... dua tre di hoc co trach nhiem phap ly gi neu tre chang may bi tai nan?
Nhà trường chịu trách nhiệm quản lý học sinh trên xe đưa đón. Nếu phát sinh thiệt hại và chứng minh được lỗi do nhà trường gây ra, có thể yêu cầu trực tiếp nhà trường bồi thường. Hình minh họa.

Các quy định chi tiết về việc trường học bồi thường thiệt hại đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình đưa đón học sinh được dẫn chiếu về các quy định phụ thuộc vào hậu quả trên thực tế. Tuy vậy, điều 599 Bộ luật Dân sự mới chỉ quy định việc bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý. 

Cụ thể: “Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.” Nhưng đồng thời cũng quy định rằng: Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý. Trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường”. 

Điều này đồng nghĩa: nếu phát sinh thiệt hại và chứng minh được lỗi do nhà trường gây ra, có thể yêu cầu trực tiếp nhà trường bồi thường. Nếu thiệt hại do bộ phận nào gây ra thì bộ phận đó chịu trách nhiệm. Trách nhiệm có thể là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hoặc xử phạt hành chính, xử lý hình sự tùy vào hậu quả trong những trường hợp cụ thể.

Luật sư Nguyễn Đăng Sỹ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI