Tên các vị gắn với những công trình ngàn tỷ, những chương trình, kế hoạch kỷ lục, những “bánh vẽ” hoành tráng... chỉ có ở Việt Nam. Nhưng phía sau những “đại ngôn” văn hóa ấy, các vị có mỉm cười, hài lòng về những thứ mà người đời sau tạc nên, gắn với tên các vị?
Những “đại ngôn” bắc thang lên trời
UBND tỉnh Bình Định dự định chi hơn 86 tỷ đồng để xẻ núi tạc phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ với quy mô chưa từng có. Mục đích của công trình này không nằm ngoài ý nghĩa: khơi dậy cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
|
Phối cảnh bức phù điêu Lạc Long Quân - Âu Cơ khổng lồ vào vách núi ở cửa ngõ TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định |
Sau kỷ lục Việt Nam cho màn đại xòe với 2.013 người tham gia năm 2013, Yên Bái tiếp tục nộp hồ sơ lên Tổ chức Kỷ lục thế giới xin công nhận “Màn đại xòe lớn nhất thế giới” với 5.000 người cùng múa xòe Thái tối 20/9. Lý do: hiện vẫn chưa có màn múa tập thể nào của Việt Nam xác lập được kỷ lục thế giới, nên ban tổ chức quyết tâm phải thực hiện điều này cho bằng được. Tất cả đều nhằm mục đích giới thiệu nghệ thuật xòe cổ và quảng bá điệu múa dân gian của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc ra thế giới.
Nếu không có góp ý, áp lực từ phía chuyên gia, những nhà nghiên cứu văn hóa cũng như báo chí, dẫn đến việc Yên Bái xin hủy xác nhận kỷ lục thế giới, có khi năm sau, tỉnh này sẽ tiếp tục đệ đơn xin tự phá kỷ lục của chính mình với một con số kinh hoàng hơn. 7.000 người, 8.000 người, thậm chí 10.000 người, những con số bất tận, có bắc thang lên hỏi ông trời mới biết được giới hạn của nó là bao nhiêu.
Trước đó, có thể kể ra hàng loạt công trình mang tính “đại ngôn” về văn hóa. Chai rượu 4.000 lít và những chiếc bánh chưng ba đến năm tấn dâng vua Hùng nhân dịp giỗ Tổ, đề án bỏ ra 1.400 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Bác Hồ ở Sơn La, tượng đài bà mẹ Việt Nam anh hùng trị giá 411 tỷ đồng ở Quảng Nam, hơn 10.000 người tham gia xác lập kỷ lục nhảy sạp trên đỉnh Fansipan (Lào Cai), tượng phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á ở Bình Định, 3.000 người hát quan họ ở Bắc Ninh, cáp treo Bà Nà xác lập kỷ lục cáp treo dài nhất thế giới…
Và rất nhiều, rất nhiều công trình, chương trình “vĩ mô”, ghê gớm khác, trải đều nhan nhản từ Bắc vào Nam, thậm chí vươn ra tận ngoài biển đảo. Những công trình “đại ngôn” văn hóa, mang mác của thế kỷ, liên tục “đạp đổ” kỷ lục của nhau, bắc thang lên trời, vươn tầm thế giới.
Nói riêng trong lĩnh vực Phật giáo, có một cuốn sách tên là Chùa Việt Nam - Những kỷ lục về di sản văn hóa ra mắt ngày 6/9 vừa qua đã thống kê những kỷ lục thuần túy Phật giáo Việt Nam và nước ngoài, đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Đông Dương, Tổ chức Kỷ lục châu Á, Liên minh Kỷ lục Thế giới, và Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu xác lập trong mười lăm năm (2004-2019). Trong đó, riêng nước ta, ở miền Bắc có 37 ngôi chùa ở 11 tỉnh, thành với 56 kỷ lục; miền Trung có 24 ngôi chùa ở tám tỉnh, thành với 56 kỷ lục; miền Nam có 43 ngôi chùa ở 12 tỉnh, thành với 81 kỷ lục. Những con số quá kinh hoàng và chắc là cũng chỉ có ở Việt Nam. Và khôi hài ở chỗ, hai tác giả của cuốn sách này, một người là kỷ lục gia, một người là Chủ tịch Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Chúng ta cũng có hẳn một quần thể chùa Bái Đính liên tục được truyền thông với một loạt kỷ lục: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Cái gì cũng phải dài nhất, lớn nhất thì mới… chịu (?!).
|
Màn đại xòe trong khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò năm 2018 |
“Phép thuật triệu hồi”
Nhưng phía sau những “đại ngôn” ấy là gì? Những phủ dụ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, uống nước nhớ nguồn liệu bao nhiêu người thẩm thấu và tưởng vọng? Khi những “chiếc áo” văn hóa mỹ miều, lộng lẫy mà người ta cố tình nhét vào đó những diễn ngôn sáo rỗng, khi rớt xuống, còn lại cái gì là bất khả, là nguyên sơ của văn hóa này, của dân tộc này? Là gì, mà khi đưa ra những kế hoạch, chương trình, đề án văn hóa, “không kịp” tham khảo ý kiến chuyên gia, những nhà nghiên cứu, cũng như điều tra xã hội tham khảo ý kiến người dân? Là gì mà phải tiền trăm, tiền ngàn… tỷ mới vừa?
Người ta triệu hồi những nhân vật đã khuất, bịa đặt cả khuôn dáng những hình tượng chỉ có trong truyền thuyết, thần thoại, để xây tượng đài, tạc phù điêu… trong khi hàng trăm năm qua, chẳng cần đến tượng đài, phù điêu tiền tỷ, họ vẫn sống sừng sững như một tượng đài trong lòng người dân rồi.
Nếu có thật trong lịch sử, và nếu biết tên mình bị gắn với một công trình 86 tỷ, phải xẻ núi để làm, trong khi dân chúng vẫn còn nghèo khổ, cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ sẽ nghĩ gì? Khi câu chuyện bức phù điêu 86 tỷ được công bố trên báo chí, người dân cảm thán như thế này: “Lạc Long Quân và Âu Cơ sẽ đau lòng vì sự lãng phí này”, “86 tỷ sẽ làm được rất nhiều việc, Âu Cơ và Lạc Long Quân cũng chỉ mong cho con cháu bớt khổ”… Và chẳng biết, những năm trước, vua Hùng của chúng ta có bị chiếc bánh chưng ba đến năm tấn “đè”?
Người ta nhân danh lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nhân danh giữ gìn bản sắc của dân tộc, phát huy giá trị di sản; nhân danh kiến thiết và phát triển… để đưa ra những kỷ lục “thùng rỗng kêu to”, những cuộc chạy đua về văn hóa không có điểm dừng, nhưng phía sau đó là sự mài mòn đến xác xơ về văn hóa.
Không thiếu những công trình cao vòi vọi đâm thẳng lên trời nhưng không gần gũi, xa cách với người dân, cũng không thiếu những tượng đài tiền tỷ vừa hoàn thành đã xuống cấp: khu tượng đài Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ ở Lai Châu, tượng Phật đang thi công bất ngờ đổ sập ở Thái Bình, tượng đài 25 tỷ đồng bị sét đánh vỡ vì không có cột thu lôi, chất lượng công trình kém ở Quảng Ninh… Hay có một câu chuyện không hề hư cấu, đó là đến cả lễ vật giỗ Tổ là bánh chưng - bánh giầy, người ta cũng độn… mút xốp đã từng khiến dư luận phẫn nộ. Còn gì bi hài hơn bi hài của những danh nhân văn hóa, giờ đây không có/còn quyền cất tiếng?
Văn hóa như là sự tự do, nhưng văn hóa cũng là sự kiềm chế. Chúng ta đang sống trong một thế kỷ điên rồ, đầy rẫy tan nát. Phía sau những màn phủ dụ mang tính “đại ngôn” ấy là gì, nếu không phải là những trò lố?
Đậu Dung